Trước hiện trạng ngày một xuống cấp trầm trọng của di tích Chùa Cầu (TP.Hội An) bởi tác động của thiên nhiên và con người, các đại biểu tham dự cuộc họp hôm qua (13.6) do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân chủ trì, thống nhất phải sớm hành động để cứu vãn di tích đặc biệt quý giá này.
Không thể chậm trễ
Chùa Cầu có tên gọi khác là cầu Nhật Bản được xây dựng đầu thế kỷ XVII bằng vật liệu gỗ đến nay đã trải qua 5 đợt trùng tu chính và lần gần nhất diễn ra vào năm 1993. Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, cho hay: “Di tích Chùa Cầu không chỉ có ý nghĩa về văn hóa, lịch sử, ngoại giao mà còn là nơi gửi gắm tâm tư, tình cảm của người dân phố Hội. Thật khó có thể diễn tả cảm giác hụt hẫng của người dân nơi đây nếu một ngày nào đó di tích Chùa Cầu không còn nữa hoặc bị biến dạng nên mới có sự lấn cấn trong công tác tu bổ dù các phương án đã được tính đến từ lâu”.
Tuy nhiên qua thăng trầm thời gian, dưới tác động của biến đổi khí hậu và sức ép quá lớn từ du khách (cao điểm có lúc lên đến 5 nghìn lượt khách/ngày tham quan), Chùa Cầu hiện đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Ông Trần Ánh - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hội An thông tin: “Kết cấu về phương ngang, phương xiên của di tích này đang biến đổi một cách đáng lo ngại (độ xô lệch giữa phần phần chùa với phần kết cấu) có điểm bị lệch đến hơn 20cm. Điều này không đẩy di tích đến nguy cơ sụp một lần nhưng việc rơi từng cái xà, cái kèo là chuyện sớm muộn trong tương lai gần”.
Đánh giá thêm về hiện trạng của di tích, ông Phạm Phú Ngọc - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An nói: “Qua khảo sát đã phát hiện vết rỗng bên dưới của móng, do dưới móng Chùa Cầu có dòng chảy ngầm dẫn đến xói mòn, điều này gây bất lợi cho di tích nếu tiếp tục giữ nguyên hiện trạng”.
Hiện nay, kết cấu dầm đỡ và sàn đỡ đáy gầm sàn thuộc hạ bộ Chùa Cầu xuất hiện một số vùng không còn đủ khả năng chịu lực an toàn trong điều kiện bất lợi. Theo nhìn nhận của ông Phan Văn Cẩm - Giám đốc Trung tâm Quản lý Di tích và danh thắng Quảng Nam: “Hạng mục tu bổ thượng, hạ bộ Chùa Cầu trước đây đã có rồi nhưng chúng ta chưa đủ tự tin làm bởi tính chất đặc biệt của di tích. Chúng ta phải nhìn nhận thực tế là kết cấu của di tích đã suy kiệt và đã đến lúc phải hạ giải để tu bổ”.
Phải đảm bảo tính chân xác
Đề cập đến chuyện tu bổ Chùa Cầu, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hồ Tấn Cường chia sẻ: “Ngay từ năm 1999, khi tổ chức hội thảo về tu bổ Chùa Cầu tại Hội An, các giáo sư, chuyên gia của Nhật Bản đã đưa ra ý kiến về việc hạ giải toàn bộ để trùng tu nhưng sau đó không được chấp nhận”. Tuy nhiên, đến nay đây có vẻ vẫn là phương pháp được hầu hết các đơn vị chức năng liên quan trên địa bàn tỉnh đề xuất, ủng hộ triển khai thực hiện.
Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân đã giao UBND TP.Hội An sớm lập dự án đầu tư tu bổ Chùa Cầu và phải thực hiện khẩn trương, nếu cần đề xuất để UBND tỉnh xem xét hỗ trợ. Bên cạnh đó, phải tổ chức tham vấn, lấy ý kiến của UNESCO, cơ quan ngoại giao Nhật Bản tại Việt Nam, phổ biến đến nhân dân hai phường Minh An, Cẩm Phô (TP.Hội An) để tạo sự đồng thuận và có được các giải pháp tối ưu nhất trong quá trình tu bổ.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hội An - Trần Ánh nói: “Sẽ có ý kiến lo ngại khi làm lại thì Chùa Cầu sẽ khác đi nhưng trùng tu ở đây chắc chắn phải bảo tồn tối đa nguồn gốc, tính chân xác. Từng cái xà, cái kèo sẽ được kiểm tra kỹ lưỡng xem phần nào còn giữ được, phần nào phải gia cố và nhất là hạn chế tối đa việc tác động đến phần kiến trúc trên mái di tích rất đẹp và độc đáo”.
Kết luận tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân cho rằng: “Câu chuyện trùng tu Chùa Cầu đã hết sức cấp bách và cần làm ngay bởi đã qua nhiều hội thảo (lần gần nhất từ năm 2016) chúng ta vẫn cứ chần chừ trong khi di tích thì ngày một xuống cấp trầm trọng. Tuy nhiên, cần hết sức kỹ lưỡng trong việc tìm phương án trùng tu tối ưu nhất”.
Ông Hồ Tấn Cường chia sẻ: “Hiện nay, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cũng rất thiện chí trong vấn đề này và sẵn sàng hợp tác hỗ trợ kêu gọi tài trợ, tư vấn, giám sát… Đứng trên góc độ nhà quản lý, rất khó để nhận định được phương án trùng tu nào sẽ phù hợp nhất với Chùa Cầu, nên việc mời các nhà tư vấn nước ngoài kết hợp trong nước có uy tín là cần thiết để tạo ra sự hài hòa, đảm bảo di tích sau trùng tu phù hợp với văn hóa địa phương và trên hết là bảo vệ giá trị nguyên gốc của di tích”.