Tu bổ di tích cấp quốc gia ở Hội An: Cần quy định phù hợp

SONG ANH 23/06/2015 09:12

“Làm lơ” một số quy định vừa được ban hành để tu bổ cấp thiết, sửa chữa các ngôi nhà cổ bị hư hỏng nặng… là cách TP.Hội An đang triển khai để đảm bảo an toàn cho người dân và kịp thời bảo tồn các di tích.

Vướng nghị định

Tháng 2.2013, Chính phủ ban hành Nghị định 15/2013/NĐ-CP về thẩm quyền cơ quan cấp phép tu bổ di tích do Bộ Xây dựng đề xuất xây dựng, trong đó quy định bất kể di tích cấp quốc gia nào muốn trùng tu, tôn tạo hay sửa chữa đều phải gửi hồ sơ đến bộ này thẩm tra, thẩm định về thiết kế công trình. Trong khi trước đó, tháng 9.2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định 70/2012/NĐ-CP  do Bộ VH-TT&DL đề xuất xây dựng, quy định việc trùng tu các di tích cấp quốc gia phải gửi hồ sơ để bộ này duyệt. Đối với di tích cấp quốc gia đặc biệt và di tích cấp quốc gia, Bộ VH-TT&DL sẽ thỏa thuận các bước chủ trương đầu tư, thẩm định dự án và thẩm định bản vẽ thi công để trùng tu, sửa chữa. Ở thời điểm hiện tại, nếu chiếu theo các nghị định ban hành thì di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt muốn trùng tu, tôn tạo phải thông qua 4 bước, từ việc gửi hồ đến Sở VH-TT&DL, UBND tỉnh, Bộ VH-TT&DL, Bộ Xây dựng thì mới đúng quy trình. Nếu tính đường đi của một bộ hồ sơ di tích, từ khâu kiểm định để tu sửa đến khâu cuối cùng là được phép tu sửa, phải mất thời gian 1 - 2 năm.

Nhà cổ - Di tích ở Hội An cần được bảo tồn, tu bổ kịp thời. Ảnh: S.A
Nhà cổ - Di tích ở Hội An cần được bảo tồn, tu bổ kịp thời. Ảnh: S.A

Chiếu theo các nghị định này, phần lớn các di tích cấp quốc gia nếu muốn được cấp phép trùng tu thì phải đợi. Điều này đồng nghĩa với việc các công trình kiến trúc trong khu phố cổ Hội An nếu cần tu bổ thì hồ sơ sửa nhà phải được trình ra các cơ quan chuyên môn của 2 bộ. Trong khi đó, quần thể các công trình trong khu phố cổ có hơn 1.000 ngôi nhà cổ, trong đó 84% thuộc người dân sở hữu. Ông Nguyễn Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và quản lý di sản văn hóa Hội An nói: “Việc tu bổ nhà ở Hội An là khẩn cấp, số lượng tu bổ nhiều… thì việc áp dụng theo 2 nghị định trên sẽ kéo dài thời gian với các thủ tục hành chính rườm rà, gây rủi ro cho các hộ dân có nhà sắp đổ sập. Ngoài ra họ còn phải tốn kém tiền đi lại mỗi lần đi xin phép”. Ông Trung cũng cho hay mỗi năm Hội An có khoảng 200 bộ hồ sơ xin tu bổ nhà cổ, trong đó có những ngôi nhà nguy cơ đổ sập nhưng cũng có những nhà chỉ xin phép sửa những hư hỏng nhẹ. Nếu làm đúng theo nghị định, người dân muốn sửa nhà mặc dù chỉ sửa nền, nhà vệ sinh, thay ngói… cũng phải làm hồ sơ gửi tới các bộ để xin phép. Bộ VH-TT&DL sau khi nhận hồ sơ sẽ điều động đội ngũ chuyên môn vào Hội An để thẩm định dự án. Nếu được bộ đồng ý, các hộ dân có nhu cầu sửa nhà tiếp tục ra Hà Nội một lần nữa để gửi bản thiết kế công trình tới Bộ Xây dựng xem xét thẩm tra rồi mới cấp phép sửa chữa… Nếu 2 bộ không đồng quan điểm thẩm định, việc sửa chữa nhà cổ có khi mất mấy năm mới được cấp phép.

Chủ di tích tộc Huỳnh (nhà cổ số 26 Bạch Đằng, TP.Hội An) bao nhiêu năm nay phải sống tạm bợ trong khi căn nhà đã hư hỏng gần hết. Phần vì vướng các thủ tục cấp phép, phần vì kinh phí tu bổ không đủ nên đành phải chấp nhận. Nhà cổ Quân Thắng (số 77 Trần Phú), nhà 11/10 Trần Phú… là những di tích ngậm ngùi chờ đợi để được tu bổ. Các di tích cấp quốc gia thuộc sở hữu tập thể như chùa Kim Bửu, chùa Hải Tạng, chùa Vạn Đức phải mất hơn 1 năm để được các bộ cấp phép sửa chữa, trùng tu…

Linh động “lách luật”

Mỗi năm, trung bình TP.Hội An đầu tư 4 - 5 tỷ đồng cho công tác tu bổ, bảo tồn di tích. Vốn bảo tồn di tích lấy từ nhiều nguồn, trong đó quy chế của tỉnh cho phép Hội An được giữ lại 100% nguồn thu từ vé tham quan, trong đó chi 70% cho công tác bảo tồn.
Chia sẻ về phương thức quản lý di tích, ông Nguyễn Chí Trung cho rằng, đối với di sản, không nên tách bạch giữa công tác quản lý, bảo tồn và phải dựa trên cơ sở khoa học. Vậy nên hướng phát triển trong thời gian tới là Hội An cần có một viện bảo tồn để vừa làm công tác quản lý vừa tổ chức các phần việc trùng tu, tu bổ di tích.

Ông Nguyễn Chí Trung cho biết hàng trăm hồ sơ xin sửa chữa nhà của người dân phố cổ bị ách tắc do vướng nghị định đã được TP.Hội An cấp phép. Do các ngôi nhà cần được trùng tu gấp trong khi làm theo nghị định phải trải qua nhiều khâu mất thời gian và tốn kém nên Hội An đã phải “làm lơ” để cho phép người dân sửa nhà trước mùa mưa bão. “Mặc dù biết làm sai nhưng nhà dân đang hư hỏng nặng, nếu không cấp giấy phép sửa chữa mà xảy ra rủi ro như đổ sập, gây chết người thì ai chịu trách nhiệm. Chưa kể người dân không có đủ “cơm áo gạo tiền” ra tới Hà Nội nhiều lần để xin phép sửa nhà” - ông Trung nói. Hiện nay Hội An chỉ còn những công trình sở hữu tập thể làm đúng theo nghị định nên phải chờ được cấp giấy phép. Bên cạnh đó, những ngôi nhà do người dân chưa có tiền đối ứng cùng với nguồn vốn của Nhà nước nên chưa được sửa chữa.

Nhiều ý kiến cho rằng cách quản lý các di tích quốc gia nằm trong quần thể Đô thị cổ Hội An không nên đồng nhất với các di tích khác, bởi đây là các “di tích sống”. Với đặc thù nhà ở và nhà cổ cấu thành nên di sản, buộc Trung tâm Bảo tồn và quản lý di sản văn hóa Hội An phải linh động tìm cách “lách luật” để đảm bảo trong thời gian sớm nhất giữ lại được di tích và đảm bảo sự an toàn cho người dân sống tại đây. Tuy nhiên, ông Trung cũng chia sẻ, vẫn phải vừa thẩm định di tích, vừa gửi hồ sơ đến các bộ nhưng đồng thời cũng xem xét hiện trạng các di tích để đưa ra quyết định nhanh chóng. “Nói là lách luật, nhưng thực tế chúng tôi làm theo Nghị định 60 do Chính phủ ban hành trước đây, là thẩm quyền của trung tâm có thể cấp phép sửa chữa một số hạng mục. Mình nghĩ điều cuối cùng quyết định là sau khi tu bổ, sửa chữa, phải giữ di tích vẫn còn nguyên trạng, không biến dạng, đó mới là điều quan trọng” - ông Trung nói thêm.

Trước thực trạng có quá nhiều di tích trên khắp đất nước bị biến dạng sau khi tổ chức trùng tu, tôn tạo nên Chính phủ phải ban hành các nghị định như đã nói để tránh sự phá vỡ kết cấu các di tích. Tuy nhiên, trong các nghị định đã ban hành vẫn có nhiều nội dung chưa thích ứng đối với những “di tích sống”. Theo ông Trung, nếu Hội An tổ chức quy hoạch tổng thể thì phải có thẩm định, ý kiến từ các bộ, nhưng nếu trùng tu những hạng mục nhỏ thì nên để địa phương tự quyết.  TP.Hội An và tỉnh cũng đã gửi văn bản đề nghị các bộ báo cáo Chính phủ để có sự điều chỉnh hợp lý về các nghị định này.

SONG ANH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tu bổ di tích cấp quốc gia ở Hội An: Cần quy định phù hợp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO