Công tác trùng tu di tích ở
Hội An có hơn 1.390 di tích tồn tại qua hàng trăm năm nên việc xuống cấp di tích là điều hiển nhiên. Mặc dù trong nhiều năm, chính quyền và nhân dân thành phố không ngừng nỗ lực trong công tác quản lý, bảo tồn các giá trị kiến trúc của di tích gắn với phát triển du lịch nhưng thực tế công tác này hiện đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, công tác tu bổ, trùng tu di tích trong điều kiện phát triển mới đã đặt ra nhiều vấn đề cấp thiết. Thạc sĩ Nguyễn Chí Trung – Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết: “Di tích xuống cấp thì phải tiến hành tu bổ, mà tu bổ không đúng khoa học, không tuân thủ nguyên tắc thì chẳng khác nào phá di tích”.
Nguồn gỗ khan hiếm, giá thành cao là thách thức lớn đối với việc tu bổ di tích tại phố cổ Hội An. Ảnh: Đ.H |
Chỉ tính riêng trong năm 2012, UBND TP.Hội An đã đầu tư trên 70 tỷ đồng trùng tu 180 di tích thuộc sở hữu nhà nước và hỗ trợ tu bổ hơn 150 di tích tư nhân, tập thể. Để tháo gỡ khó khăn về kinh phí, UBND tỉnh và thành phố còn thống nhất hỗ trợ gần 8 tỷ đồng với lãi suất bằng không (0%) trong vòng 3 năm để nhân dân, đặc biệt là các chủ sở hữu vay trùng tu, tôn tạo nhằm bảo vệ hữu hiệu khu phố cổ và các di tích lịch sử, văn hóa. Thực tế cho thấy, nguồn vốn đầu tư hỗ trợ công tác tu bổ di tích tuy khó nhưng có thể “gỡ” được. Tuy nhiên, thách thức vô cùng nan giải, không thể tháo gỡ một sớm một chiều chính là tính chân xác về lịch sử và tình trạng nguyên vẹn di sản văn hóa. Chẳng hạn, việc gia cố các cột bị mối mọt là phải giữ lại phần cột nguyên gốc và chỉ thay thế phần cột bị hư hỏng nhưng phải ở mức giới hạn nhỏ nhất. Hay các vì kèo thường được trang trí, cấu tạo rất công phu, làm nên nét hấp dẫn của ngôi nhà cổ, khi tu bổ chỉ được thay thế phần lõi hư hỏng nhưng phải giữ lại phần gỗ nguyên gốc trang trí rất đẹp hai bên... Thế nhưng nguồn gỗ đảm bảo chất lượng này lấy từ đâu? Ông Nguyễn Văn Dũng – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An nói: “Nguồn gỗ trùng tu di tích hiện không dễ tìm chút nào. Gỗ trùng tu thì yêu cầu phải là gỗ kiền kiền, gỗ nhóm 2. Giá thành hiện nay của 1m3 gỗ là 22 - 25 triệu đồng, trong khi giá trị quyết toán của tài chính phê duyệt theo đơn giá chỉ 15 triệu đồng. Một ngôi nhà cần 30 - 40 khối gỗ thì tìm đâu ra để bù vô khoản đó?”.
Không chỉ gặp khan hiếm, khó khăn về gỗ mà theo ông Dũng, ngói trùng tu di tích cũng chẳng dễ tìm chút nào. Một di tích trùng tu phải cần từ 40 - 60 nghìn viên ngói âm dương. Hiện nay, ở phố cổ đang sử dụng lượng ngói được lấy từ Điện Nam (Điện Bàn) hoặc từ Quảng Ngãi, chất lượng xấu, kém so với ngói cũ. Chưa nói là diện tích viên ngói cũng không đảm bảo. Thêm một khó khăn nữa, theo ThS. Phạm Phú Ngọc – chuyên viên Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, trước đây Hội An vẫn còn có rất nhiều thợ mộc với tay nghề cao tham gia quá trình bảo tồn, trùng tu phố cổ. Tuy nhiên hiện nay đã có sự thay đổi nhanh chóng, đặc biệt là lớp trẻ không muốn tiếp tục với công việc mà đi tìm những công việc khác phù hợp hơn, tốt hơn.
Tính chân xác là một nguyên tắc tối quan trọng trong tu bổ di tích. Quan trọng đến mức nếu không tuân thủ nguyên tắc này thì việc tu bổ di tích xem như đã làm mất di tích hay nói như KTS. Hoàng Đạo Kính là đã “làm trẻ hóa di tích, làm giả di tích”. Làm thế nào để đảm bảo tính chân xác? KTS. Lê Thành Vinh – Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích quốc gia đề nghị: “Theo tôi, vấn đề đặt ra đối với Hội An hiện nay, ngoài những việc chúng ta làm rất tốt rồi thì có lẽ cần nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp về công tác trùng tu. Nếu như có thể, chúng ta hình thành đội ngũ chuyên nghiệp. Đội ngũ này có thể giúp chúng ta tu bổ di tích tốt hơn”.
ĐỖ HUẤN