Tu bổ di tích phố cổ Hội An: Vướng văn bản

THÂN VĨNH LỘC 16/09/2014 08:16

Mỗi năm Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An tiếp nhận khoảng 200 bộ hồ sơ đề nghị cấp phép sửa chữa, tu bổ các công trình trong khu phố cổ. Tuy nhiên, từ sau khi Nghị định 70 và Nghị định 15 của Chính phủ ban hành quy định về thẩm quyền cơ quan cấp phép đã gây nhiều khó khăn và bất cập trong việc cấp phép tu bổ di tích trên địa bàn.

Bất cập

Điều 17 Nghị định 70 của Chính phủ (70/2012/NĐ-CP) ngày 18.9.2012  về thẩm quyền, thủ tục lập, thẩm định phê duyệt chủ trương lập dự án tu bổ di tích quy định: đối với di tích cấp quốc gia đặc biệt, di tích cấp quốc gia, Bộ VH-TT&DL sẽ thỏa thuận các bước chủ trương đầu tư, thẩm định dự án và thẩm định thiết kế bản vẽ thi công; UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án và kế hoạch đấu thầu; chủ đầu tư phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công. Đối với di tích cấp tỉnh, các bước chủ trương đầu tư, thẩm định dự án và thẩm định thiết kế bản vẽ thi công sẽ được giao cho sở VH-TT&DL thỏa thuận. Ngoài ra, tại khoản 2, mục a Điều 21 Nghị định 15 của Chính phủ (15/2013/NĐ-CP) ngày 6.2.2013 về trách nhiệm thẩm tra thiết kế của cơ quan quản lý nhà nước quy định, đối với di tích cấp quốc gia đặc biệt, di tích cấp quốc gia hồ sơ thẩm định phải được cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ Xây dựng thẩm tra thiết kế công trình…..

Từ khi Nghị định 15 ban hành, người dân trong khu phố cổ Hội An muốn sửa chữa nhà phải ra Bộ Xây dựng xin thẩm định hồ sơ. Ảnh: V.LỘC
Từ khi Nghị định 15 ban hành, người dân trong khu phố cổ Hội An muốn sửa chữa nhà phải ra Bộ Xây dựng xin thẩm định hồ sơ. Ảnh: V.LỘC

Theo ông Nguyễn Chí Trung – Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, điều đó cũng đồng nghĩa các công trình kiến trúc trong khu phố cổ nếu cần tu bổ thì hồ sơ thiết kế phải được trình ra các cơ quan chuyên môn trung ương thẩm tra, nhất là cơ quan trực thuộc Bộ Xây dựng. Trong khi đó, quần thể các công trình kiến trúc trong khu phố cổ Hội An không được xếp hạng riêng lẻ theo từng công trình mà được công nhận chung là di tích quốc gia đặc biệt. Nếu áp dụng theo 2 nghị định này, việc lập hồ sơ tu bổ cho các công trình trong khu phố cổ phải qua nhiều cấp chính quyền từ thành phố đến tỉnh rồi đến trung ương. Trong khi đó, việc tu bổ di tích trong khu phố cổ Hội An là khẩn cấp, thường xuyên, số lượng tu bổ nhiều, đôi lúc chỉ là sửa chữa nhỏ… thì việc áp dụng theo 2 nghị định trên sẽ kéo dài thời gian với các thủ tục hành chính rườm rà. “Hội An có khoảng 84% di tích thuộc sở hữu tư nhân và tập thể (do dân đang ở quản lý) và luôn có nhu cầu sửa chữa khi xuống cấp, nhưng theo quy định của Nghị định 15 thì tất cả những ngôi nhà phố cổ muốn sửa chữa phải ra trung ương xin ý kiến, đây là điều rất khó và bất cập vì người dân không có điều kiện và thời gian để làm việc này” - ông Trung phân tích. Ngoài ra, tại Hội An một năm có khoảng 200 bộ hồ sơ xin sửa chữa, tu bổ nhà cổ, liệu Bộ Xây dựng có đủ khả năng và con người để vô thẩm định. Chưa nói, nếu áp dụng các văn bản pháp quy của Nhà nước trong việc quản lý di sản văn hóa thế giới Hội An thì một hồ sơ tu bổ di tích nằm trong khu phố cổ phải được trình qua 2 bộ là Bộ VH-TT&DL và Bộ Xây dựng. Liệu các bộ có đồng quan điểm thống nhất khi thẩm định hồ sơ hay không? Và ai là người quyết định cuối cùng cho hồ sơ tu bổ di tích ở Hội An?

Cơ chế đặc thù

Thực tế, trong những năm qua công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Hội An luôn được đánh giá cao, nhiều giải thưởng, nhiều danh hiệu bình chọn từ các tổ chức quốc tế và trong nước đã dành cho Hội An như là sự công nhận những thành quả này. Đặc biệt, do đặc thù của di sản văn hóa Hội An là một quần thể các công trình kiến trúc với nhiều loại hình và có con người sinh sống, làm ăn nên việc quản lý bảo tồn di tích trong khu phố cổ ngoài việc dựa vào Luật Di sản văn hóa và Luật Xây dựng cùng nhiều nghị định, thông tư liên quan khác, UBND TP.Hội An cũng đã linh hoạt trong việc ban hành quy chế về quản lý, bảo tồn và sử dụng di tích, danh thắng trên địa bàn thành phố để dễ dàng quản lý, đảm bảo công tác bảo tồn di sản văn hóa được thực hiện tốt nhưng vẫn phù hợp với luật đã ban hành. “Tôi nghĩ Nghị định 15 chỉ có thể phù hợp cho các di tích lớn hoặc thuộc sở hữu nhà nước. Riêng với Hội An cần có một cơ chế đặc thù hoặc những quy định cụ thể về từng hạng mục hoặc công trình nào, cấp nào… để người dân dễ dàng trong việc tu bổ hoặc sửa chữa chính căn nhà của mình chứ không thể đồng nhất được” - ông Trung nói.

Theo ông Trung, trước đây khi 2 Nghị định 70 và 15 chưa ra đời toàn bộ hồ sơ tu bổ di tích trên địa bàn đều do trung tâm tham mưu UBND thành phố cấp phép, nhưng hiện nay những hồ sơ trên đã bị ách lại vì vướng nghị định, trong đó nhiều di tích chỉ sửa chữa nhỏ hoặc mang tính cấp thiết. Hiện có khoảng 10 bộ hồ sơ di tích đang đề nghị xin phép sửa chữa nhưng trung tâm vẫn rất lúng túng không biết xử lý ra sao. “Những bất cập của các nghị định không chỉ làm khó người dân phố cổ Hội An mà còn ảnh hưởng đến việc thực hiện các thủ tục hành chính trong công tác trùng tu và tiến độ công trình. Chúng tôi đang tham mưu thành phố có văn bản đề nghị UBND tỉnh đề xuất ý kiến với Bộ Xây dựng và Bộ VH-TT&DL có giải pháp tháo gỡ vấn đề này” - ông Trung cho biết thêm.     

Ông Hồ Xuân Tịnh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng nếu thật sự các nghị định có những bất cập như trên thì cần phải kiến nghị Chính phủ sửa chữa để công tác bảo tồn tu bổ di tích tại Hội An được thuận lợi. “Sở chưa nhận được văn bản yêu cầu của UBND TP.Hội An, nếu có chúng tôi sẽ tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ điều chỉnh hoặc bổ sung thêm những quy định đặc thù dành cho Hội An” - ông Tịnh nói.

THÂN VĨNH LỘC

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tu bổ di tích phố cổ Hội An: Vướng văn bản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO