Từ bức ảnh ngày xưa

LIÊU HOÀNG 08/02/2015 06:58

Một chiều tháng Chạp, tôi ngồi lục lọi những đồ cũ trong nhà để sắp xếp lại. Và trong cái thói quen lục lọi cuối năm, tôi gặp những tấm hình đen trắng ghi dấu thời tuổi trẻ của bà tôi, mẹ tôi, cậu tôi cùng những thân quyến ngày ấy. Những tấm hình đen trắng đã úa sắc, ngả sang vàng đục và đen nâu kéo tôi về một thế giới khác, thế giới của kỷ niệm và tuổi thơ đạm nhiên, của hoa cải vàng triền sông, chuồn chuồn kim, dế gáy thềm sương và…

Chiều muộn trên biển Hạ Thanh. (ảnh có tính minh họa)
Chiều muộn trên biển Hạ Thanh. (ảnh có tính minh họa)

Không hiểu sao, lăn lộn ngoài đời cũng nhiều nhưng hễ cứ thấy cái màu vàng hoa cải lòng tôi lại rưng rưng một niềm rất con trẻ, tết về! Ngày thơ bé, tết về cũng có nghĩa là tôi được mặc áo mới, được ăn bánh tét với củ kiệu, được ngồi chìa hai bàn tay vào bếp lửa hồng nhìn nồi bánh đang sôi và ngắm bà say sưa làm bánh tré, cái món mà ông ưa thích. Tết, tự dưng cái chân muốn quay về, ba thế hệ, năm thế hệ quay quần bên nếp nhà cũ...

Năm tôi lên mười tuổi, thời bao cấp, không dễ gì có miếng thịt heo để ăn, muốn bán một con heo cũng phải lên báo ông làng, ông xã,… nếu được mấy ổng cho phép, cấp giấy thì mới được bán. Thậm chí mang một con gà ra phố biếu tặng bà con thì cũng phải xin phép, nếu không có sự đồng ý, cấp giấy phép của mấy ông này thì xem như hỏng, thuế vụ có thể bắt bất cứ giờ nào. Có người đang ngồi trên xe đò (thời đó chạy bằng than, ngồi từ Vĩnh Điện ra Đà Nẵng là khói bám đầy đầu, áo quần hôi toàn mùi khói) cũng bị công an thổi còi, bắt dừng lên kiểm tra xe, không hỏi không rằng, lôi mấy con gà con ngỗng ra hỏi giấy phép, cứ có giấy phép thì được đi, không có là tịch thu.

Hồi đó, cứ đến tháng Chạp, nhà ông tổ trưởng bắt một con heo về mổ thịt chia từng phần nhỏ và bắt đầu cầm cuốn sổ ghi điểm công làm của mỗi gia đình trong năm, căn cứ vào số điểm đó mà chia thịt, gọi là quà tết. Nhà nào nhiều người, làm giỏi thì được chia cho nửa ký thịt, nhà nào không có lao động (vì làm giáo viên, người già, con nít…) như nhà tôi chẳng hạn thì mỗi người được hai lạng. Và lại ngồi tiếp tục chờ cho đến lúc cả xóm đấu giá cái đầu heo. Bà tôi ngồi canh cho đến phút cuối, bỏ một phiếu cao nhất và mang cái đầu heo về cúng tất niên. Đây cũng là khoảng thời gian thú vị nhất của cái tết tuổi thơ tôi. Cúng tất niên xong, bà mang chiếc đầu heo xuống, lấy thịt riêng, xương riêng, lấy tai mui, da làm món tré. Tré gói xong treo lên giàn bếp củi để hong khói, ba ngày sau mở ra, bên trong những lớp lá bay mùi hơi chua chua, khai khói là món tré thơm lựng gia vị, mùi riềng, mùi tỏi, mùi da heo vừa lên men… Một dĩa bánh tét, một dĩa củ kiệu, một bánh tré, một xị rượu đế cho ông, những thứ này quyện vào nhau tỏa ra một mùi hương không có gì để đặt tên… tôi gọi nó là mùi tết.

Sáng mùng một tết, ông mặc áo dài khăn đóng đốt một lò trầm, thắp một nén nhang lên bàn thờ và gọi con cháu ngồi xúm xít để ông lì xì mừng tuổi. Bà ra trước hiên bẻ mấy nhành hoa vạn thọ trao cho mỗi đứa cháu, dặn chúng nhớ chúc ông mạnh khỏe, thượng thọ như cái tên nhành hoa mà con cháu đang dâng tặng. Ông trao phong bì lì xì cho mỗi đứa kèm theo một cái xoa đầu và lời chúc mau ăn chóng lớn, học hành giỏi giang.

Chừng 8 giờ, ông dắt tôi đi qua nhà thờ ông bà để thắp nhang, vái lạy, rồi đi thăm những người quanh xóm, đi chúc Tết những gia đình bà con, bạn bè. Xong, ông dẫn tôi ra đầu làng nghe hô bài chòi. Cái âm bài chòi mải miết con nhì nghèo, con ba bệnh, con tam huê, con bạch tuyết, con tướng quân, con sĩ tử, con hoàng hậu, con nhà vua… cùng với điệu bộ rung lắc, hát đệm của người hô, nghe cứ như chứa đựng cả một năm mùa màng và khao khát, có lúc vời vợi chiều tà, thấp thoáng cánh cò bay chơi vơi qua sông trắng, có lúc xao xuyến tiếng chim trời miên man thả vào mây, cái âm thanh ấy, giọng điệu ấy theo tôi suốt một mùa tết, suốt ba tháng xuân, kéo dài cho đến tận mùa thu, mùa đông, rồi cả một đời người…

Hai mươi năm trôi qua, ông bây giờ đã đi xa, cái lảng tuổi già tìm đến với bà, con cháu mỗi đứa một nơi. Cứ đến tháng Chạp, khoảng chừng hai mươi âm lịch lại kéo nhau về. Đứa thì vợ con đề huề, đứa thì tóc nhuộm muối tiêu vẫn còn phòng không, tay trắng cùng quây quần bên lễ cúng chạp mả, cúng gia tiên, làm bánh tét đón tết. Tiếc là không còn ông để dẫn mấy đứa cháu trai ra chỉ từng ngôi mộ, đâu là mộ ông bà, đâu là mộ cô, chú, cậu dì, đâu là những ngôi mộ vô danh của những người chết trong chiến tranh mà dòng tộc đã quy tập.

Lễ tảo mộ vẫn diễn ra nhưng sao vẫn thấy thiếu thứ gì đó, có lẽ đó là giọng nói trầm ấm và dáng đi chầm chậm của ông, thiếu một dáng ngồi khiêm đoan, từ tốn gói bánh gói tré của bà, thiếu một chút háo hức con nít trong cái vui lâng lâng, xúng xính áo quần mới của đám trẻ tụi tôi hồi đó.

Tết lại về, thời thị trường mở cửa, mọi thứ được quy ra tiền. Chỉ cần ra siêu thị đi một lượt là có bánh tét, bánh chưng, có chả nem lụa, các thứ hàng cao cấp, có thể là được tiệt trùng kỹ lưỡng, được bỏ nhiều hương vị lạ của thời hiện đại, có thể là thơm hơn… nhưng sao tôi vẫn thấy làn lạt, thiêu thiếu một cái gì đó khó tả. Có lẽ thiếu một mùi bếp quê đườm đượm khói rạ và hoa cải cuối năm…

Cảm tạ những tấm hình đen trắng cũ, mang cho ta ký ức thuở xuân nào. Bốn mùa đi qua đời người như dòng nước trôi, nhẹ mà buồn thẳm, thời gian sót lại những vết rêu trên tường vôi và âm thầm trổ bông mỗi độ xuân về!

LIÊU HOÀNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Từ bức ảnh ngày xưa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO