Từ Bunpimay đến Songkran

Phóng sự của TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG 12/04/2017 08:35

Đi theo Hành lang kinh tế Đông Tây nhiều lần nhưng đây là lần đầu tiên chuyến đi của tôi đúng vào dịp Tết năm mới của các nước bạn Lào và Thái Lan giữa tháng 4 dương lịch…

Từ Bunpimay ở Lào…

Cũng như người dân Thái Lan, Myanmar và Campuchia, lễ hội năm mới Bunpimay của Lào có ý nghĩa đem lại sự mát mẻ, phồn vinh cho vạn vật, cuộc sống ấm no hạnh phúc cho mọi người. Đây cũng là dịp để nuôi dưỡng và hun đúc nghệ thuật dân tộc… Một nhà sư Lào giải thích với tôi tại ngôi chùa - di tích văn hóa ở tỉnh Bolikhamxay. Bunpimay, lễ mừng năm mới như tết của ta. xuất phát từ một truyền thuyết về cuộc đấu trí giữa chàng trai Lào tài năng xuất chúng có tên Thammaphala và Kabinlaphom, tức “Thần Bốn Mặt” rất thông thái của bầu trời. Thần Bốn Mặt Kabinlaphom muốn thi tài với Thammaphala nên đặt ra ba câu hỏi, nếu Thammabane trả lời được thì Kabinlaphom sẽ phải dâng đầu mình và ngược lại: Thần sắc con người tập trung ở đâu vào buổi sáng? Thần sắc con người tập trung ở đâu vào buổi chiều? Thần sắc con người tập trung ở đâu vào buổi tối?

Bày bán hoa và nước tắm Phật trong lễ mừng năm mới của người Thái và Lào. Ảnh: T.Đ.T
Bày bán hoa và nước tắm Phật trong lễ mừng năm mới của người Thái và Lào. Ảnh: T.Đ.T

Vị sư kể tóm tắt: Nhờ nghe được tiếng chim đại bàng nói với nhau: Thần sắc con người vào buổi sáng tập trung ở khuôn mặt, vì vậy phải rửa mặt. Thần sắc vào buổi chiều tập trung ở ngực, vì vậy phải tắm. Thần sắc con người vào buổi tối tập trung ở tay và chân, vì vậy trước khi đi ngủ thường rửa chân tay. Gặp lại thần Kabinlaphom, Thammaphala đã trả lời đúng. Theo cam kết, Kabinlaphom phải tự chặt đầu mình. Trước khi chặt đầu, Kabinlaphom dặn bảy cô con gái xinh đẹp của mình giữ gìn cái đầu cẩn thận, vì nếu đầu ông ta rơi xuống đất sẽ xảy ra hỏa hoạn, ném lên trời sẽ gây ra hạn hán còn ném xuống biển thì biển sẽ khô cạn. Bảy con gái của Kabinlaphom được gọi tên chung là Nang SangKhane (Xẳng Khản), đã đặt đầu cha trên một cái đĩa vàng và thờ ở động Khanthoumali, núi Phoukhaokailat. Nhờ vậy dân tộc Lào luôn yên ổn! Từ truyền thuyết có từ trước thời kỳ Phật giáo này mà các nước Lào, Thái… thường tổ chức các cuộc thi để chọn ra 7 người đẹp vào dịp mừng năm mới. Trong lúc ở Lào người ta gọi là lễ mừng năm mới là Tết Bunpimay. Còn ở Thái là lễ hội Songkran, có lẽ đọc trại tên của 7 cô gái con của thần Kabinlaphom!

Tôi chạy xe từ Lao Bảo đến tỉnh lỵ Savannakhet, qua những bản nghèo nên chưa thể thấy được gì ngoài các đám trẻ kéo dây ống nước rửa xe ra đường xịt vào bất cứ ai ngang qua, hoặc người ta treo một bó hoa vàng trước nhà, trên ô tô đang chạy. Chỉ từ ngã ba Seno đến Vientiane vào ngày 13.4, mới dần thấy không khí sôi động. Dừng lại trên đường, nhất là khu vực tỉnh Bolykhamsay, Thakhet… chúng tôi “được” các bạn trẻ dùng vòi phun, dùng súng nước hoặc có chỗ dùng cả xô, thau tạt nước vào xe… Câu nói cửa miệng của nguời Lào là “khôn Lao mặc muồn” (người Lào thích vui), do đó các trò vui chơi, giải trí dưới nhiều hình thức như ẩm thực, văn nghệ, thể thao, đua thuyền trên sông Mê Kông, hội chợ, triển lãm cũng được tổ chức rầm rộ ở các khu vực công cộng. Tết cổ truyền Bunpimay với Lễ hội Hốt Nậm (Té nước) là cầu mong nước về, cho cuộc sống sinh sôi, đâm chồi, nảy lộc. Trong ngày tết, vui nhất là ở các chùa chiền. Người ta cho nước thơm (nước ngâm từ các loài hoa thơm) vào lọ, vào bình, vào xô, chậu… để tắm cho Phật, cho các nhà sư. Cầu mong trong năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống no đủ, đất nước thanh bình, thịnh vượng… Người bạn lâu năm của tôi là anh Thavorn kể: Cư dân dọc các sông, ngoài đua thuyền rồng hay thuyền độc mộc, còn tổ chức “Ngày hội thả cá” rất nhộn nhịp. Dân Lào coi việc phóng sinh cá trong ngày tết, để ước vọng lúa được mùa, đánh được nhiều cá…

Nhưng có một lễ hội được đông đảo người Lào tham gia trong ngày tết là rước Nữ Chúa xuân thường được tổ chức ở thủ đô hoặc các thành phố lớn. Nữ Chúa xuân tức là nàng Xẳng Khản, tên gọi chung của bảy người con gái của Thần Bốn Mặt - vị thần có công đem những điều tốt lành cho dân Lào.

Đến Songkran ở Thái

Songkran là Tết năm mới của người Thái diễn ra từ ngày 13 - 15.4. Sau một đêm “ăn nước” ở Vientiane, chúng tôi thuê xe qua cầu Hữu Nghị số 1, thăm tỉnh Nong Khai và dừng chân ở thủ phủ vùng đông bắc Thái, nơi có ngôi làng của người Việt với di tích Hồ Chí Minh: Thành phố Udon Thani… Ở Udon Thani ngay trong những ngày nhộn nhịp ở lễ hội Songkran đầu năm, cứ đi ra đường là bị “ăn nước” nặng hơn ở Lào từ các bạn trẻ. Ấn tượng của chúng tôi vẫn là sự nhộn nhịp của một thành phố địa đầu EWEC ở phía đông bắc, có thể là sầm uất hơn nhiều lần so với Mukdahan ở phía giáp giới với Savannakhet. Trong đêm lễ hội, một sân khấu hiện đại ngoài trời thu hút hàng vạn bạn trẻ diễn ra suốt sáng vì đón các ngôi sao từ thủ đô Bangkok về diễn. Ca nhạc, nhảy nhót và… bắn nước vào nhau. Các siêu thị, trung tâm văn hóa, các chợ đầu mối nông sản luôn tấp nập xe hơi ra vào của người mua sắm và du khách. Udon cũng là thành phố người dân thức dậy rất sớm, họ không chỉ là công nhân vệ sinh, người đi tập thể dục buổi sáng mà là những người buôn bán nhỏ như các quán cà phê, điểm tâm dọc các con phố, gần nhà ga, bến xe… Một anh bảo vệ lớn tuổi ở siêu thị Central Plaza ở Udon nói với tôi: “Udon giàu lên sau chiến tranh Việt Nam, giờ lại nhờ hành lang kinh tế Đông Tây phát triển, nhưng người dân luôn nhớ mình là một tỉnh nghèo nên luôn luôn biết tằn tiện…”.

Chúng tôi ghé thăm làng Nỏng Hang, thuộc xã Xieng Phin, cách thành phố Udon 15km vào sáng hôm sau, các bạn trẻ vẫn còn té nước. Những thùng phuy sắt, phuy nhựa chứa đầy nước đặt trước nhà, sẵn sàng tạt vào chúng tôi đến ướt sủng. May nhờ chuẩn bị từ hôm ở Lào, điện thoại, máy ảnh đã bỏ vào túi ny lon bịt kín, nên không lo ướt. Các bạn Thái lại cột chỉ tay và hướng dẫn chúng tôi đi thăm làng. Nơi đây, vào tháng 7.1928, Nguyễn Ái Quốc đã từng đến cư ngụ để hoạt động và bây giờ chính quyền tỉnh Udon cho xây dựng một khu lưu niệm mang tên Người để… khai thác du lịch. Người hướng dẫn Thái gốc Việt tên Vũ Ngọc Thành đưa chúng tôi đến thăm lãnh đạo xã, anh Phimsari. Phimsari lại buộc chỉ cổ tay cho khách và nói: “Đây chính là một làng kiểu mẫu do hoàng gia tài trợ từ nhiều năm nay trong một dự án phát triển nông thôn nghèo vùng Isan. Đường sá quy hoạch theo ô bàn cờ, tất cả đều bằng bê tông, rộng 7m, có cống thoát nước, có điện đường. Cổng vào làng là hai trụ bê tông giả thân cây, bên trên ghi tên làng, hoa văn kiểu Thái, ảnh nhà vua và dòng chữ: “Chào mừng quý khách”. Tôi không thấy bất kỳ câu khẩu hiệu nào nhưng bên cạnh cổng làng là một nhà tứ giác lợp tôn màu, có ghế ngồi bằng gỗ, đó là nơi dân làng khi ra đường chờ xe hoặc đón đợi khách đều có chỗ tránh nắng mưa, do chính quyền xây dựng…

Đi trên đường làng Nỏng Hang, tôi tuyệt nhiên không nhìn thấy bất cứ hàng rào, cổng ngõ nào bằng bê tông hay sắt thép. Ngược lại, nhà nào cũng làm hàng rào bằng tre, cổng gỗ. Bên ngoài hàng rào trồng các loại hoa lá, nhiều nhất là hoa vạn thọ và nhiều loại hoa lá đẹp mắt khác… Xã trưởng Phimsari và Vũ Ngọc Thành thay nhau giới thiệu về lễ Songkran ở làng: Ngày chính thức của Tết Songkran là 13. 4, song với người Thái, ngày bắt đầu dịp lễ này là Wan Sungkharn Long (ngày 12.4). Trong này này, người ta dùng để dọn dẹp nhà cửa, bỏ cái cũ, mua sắm vật dụng, đồ ăn, thức uống. Wan Nao là ngày 13.4 giống như ngày 30 Tết ở Việt Nam, được gọi là ngày chuẩn bị nấu nướng, bày biện thức ăn để mang lên chùa vào sáng ngày Wan Payawan (14.4), như ngày mùng Một Tết của Việt Nam. Trong ngày này, mọi người  ăn mặc đẹp và lên chùa sớm. Sau nghi lễ ở chùa, họ dùng nước thơm lau tượng Phật để tỏ lòng thành kính và cầu may mắn…

Kết…

Đêm lễ chính Wan Payawan, chúng tôi thuê xe chạy khắp thành phố Udon để xem người dân thành phố vui tết thế nào. Chúng tôi bị cuốn vào những dòng ô tô từ đường này sang đường khác. Các bạn trẻ Thái Lan ngồi sau các thùng xe Pickup chở theo nhiều phuy nước và cả súng bắn nước, sẵn sàng nã… nước vào xe đối điện hoặc người đi đường. Một đoạn đường quanh hồ nước lớn cơ man những máy bơm nước nổ máy liên hồi, vừa để tiếp nước cho đồng đội quay về, vừa dùng vòi bắn liên tu bất tận khắp nơi. Con đường ngập nước đến trên mắt cá chân, như vừa trải qua một trận mưa lớn. Nhiều nhóm du khách châu Âu cũng tham gia với các loại súng bắn nước sẵn sàng nhả đạn. Vui ơi là vui!

Chơi chán, họ lại nghỉ cho toán khác thế chân và kéo nhau đi ăn ở chợ hay các hàng quán bên đường, hể hả với những thú vui ngày đầu năm mới. Bởi họ quan niệm càng bị dội nước nhiều càng may mắn nhiều! Từ Bolikhamxay đến Vientiane, từ Nong Khai đến Udon Thani, đêm cũng như ngày có những lúc bị kẹt xe vì những trò vui, tôi vẫn thấy người Lào và người Thái Lan rất hòa nhã. Không xảy ra bất cứ vụ ẩu đả hay cãi cọ nào! Có vài cô gái hoặc chàng trai vừa vui vừa say đã được bạn xốc nách đưa về trong trật tự. Anh bạn lái xe người Thái khi được hỏi, đã nói: “Giáo lý ôn hòa của đạo Phật và tinh thần thượng tôn luật pháp đã giúp cho ngày vui năm mới của chúng tôi diễn ra luôn trọn vẹn!”.

 Phóng sự của TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Từ Bunpimay đến Songkran
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO