Sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn chép tên một “quán” (nơi nghỉ chân có hoạt động buôn bán) trên đường thiên lý nằm giữa sông Bầu Bầu và sông Tiên Quả (nay thuộc địa giới hai xã Tam Anh Bắc và Tam Anh Nam - huyện Núi Thành) có tên là “Cây Kinh”. Vậy “Cây Kinh” nay ở đâu?
Cây Kinh, Cây Trâm và Diêm Phổ
Tìm trong tư liệu xưa và truyền khẩu trong dân gian ở địa phương này không thấy có tên Cây Kinh; chỉ gặp câu ca “Kể từ Ông Bộ kể ra/ Cây Trâm, Trà Lý bước qua Bầu Bầu” và tên “chợ Cây Trâm” (sau còn gọi là chợ Kỳ Chánh) gắn liền với địa danh Cây Trâm. Hỏi một số vị cao niên địa phương, được lý giải như sau: Năm 1776, khi theo quân chúa Trịnh vào chiếm đất Thuận Hóa của chúa Nguyễn, Lê Quý Đôn đã căn cứ vào sổ sách hành chính, quân sự, thuế khóa… thu được của chính quyền Đàng Trong để soạn bộ Phủ biên tạp lục; trong đó những địa danh - đặc biệt là địa danh (tên) Nôm có thể có cách ghi không thống nhất. Vì vậy, người thời sau, khi chép lại bộ Phủ biên tạp lục có thể đã chép sai tự dạng.
Có hai bản Phủ biên tạp lục (chữ Nho) đã lưu hành chính thức trước năm 1975: Bản ở miền Bắc được Viện Sử học dịch (NXB Khoa học - Hà Nội xuất bản tháng 7.1964) và bản lưu ở miền Nam (do ông Lê Xuân Giáo dịch; in xong tại nhà in Việt Hương số 34 đại lộ Lê Lợi - Sài Gòn vào tháng 7 năm 1973). Hai bản này có nhiều chỗ khác nhau. Cụ thể: bản ở miền Bắc ghi (và được dịch) như sau: “Từ sông Bàu - bàu qua quán Trà - lý, quán Cây - kinh, chợ Cầu Ông - bộ (bên đường gần núi), quán Lẻ, quán Cát (hai xứ đều cát và bụi rậm), tục gọi là truông Cát đến sông Bến-ván hết một ngày” (sđd tr.121); còn bản ở miền Nam ghi “Tự Bầu Bầu giang hành kinh Trà Lý quán, Khai quán, Thị kiều Ông Bộ - lộ bàng cận sơn - quán Trễ (?) , quán Cát - nhị xứ toàn sa, mãng - tục hiệu Đổng Cát, chí Bến Ván giang nhất nhật” (tờ 81a) (Dịch: Từ sông Bầu Bầu đi đến quán Trà Lý, quán Khai, chợ cầu Ông Bộ - bên đường gần núi, quán Trễ (?), quán Cát - hai xứ toàn cát và bụi rậm - tên thường gọi là Đổng Cát, đến sông Bến Ván hết một ngày”.
Qua các dẫn chứng trên, có thể thấy việc chép lại các tên Nôm xưa rất dễ bị phiên âm không đúng với cách người địa phương thường gọi. Tuy nhiên khá chắc chắn là ngôi chợ nằm giữa sông Bầu Bầu và sông Tiên Quả (có cầu Ông Bộ bắc qua) có tên Cây Trâm; bởi tên ngôi chợ này đã được chép rõ ràng trong mục kể về các “chợ và quán” của tỉnh Quảng Nam trong sách Đại Nam nhất thống chí (bản chữ Nho - ký hiệu HNV -209 hiện lưu ở Thư viện Khoa học TP.Hồ Chí Minh, trang 712).
Chợ Cây Trâm xưa, nay thuộc thôn Diêm Phổ, xã Tam Anh Nam, huyện Núi Thành. Tập địa bạ lập năm Gia Long thứ 13 (1814) lưu tại nhà ông Huỳnh Đức Huệ (ở bờ nam sông Tiên Quả - sát cầu Ông Bộ) cho biết địa bàn chợ và thôn nói trên, vào đầu triều Nguyễn là xã Diêm Phố; xã này lệ vào một “thuộc” (tương đương một tổng) có tên là Liêm Hộ của huyện Hà Đông, phủ Thăng Hoa, tỉnh Quảng Nam.
Nhiều văn bản ruộng đất còn lưu tại nhà thầy giáo Phạm Viết Tiếp Thu ở thôn này đều ghi địa danh Diêm Phố bằng tự dạng chữ Nho là 鹽 浦 (diêm: muối; phố: bến sông, cửa sông). Ông Phạm Tấn Tuấn, ở tổ 6 thôn Diêm Phố là hậu duệ đời thứ 14 của tộc Phạm - tiền hiền làng Diêm Phố cho biết, thủy tổ tộc của ông có quê gốc ở làng Diêm Phố, tổng Xuân Trường, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Tên thôn Diêm Phố (đọc trại là Diêm Phổ), xã Tam Anh Nam đang dùng hiện nay có xuất xứ từ tên làng quê gốc (sau cải là Ngư Lộc) của vùng ven biển Hậu Lộc - Thanh Hóa.
Dấu cũ hiện còn
Ngoài dấu tích nền chợ Cây Trâm cũ hiện còn, ở thôn Diêm Phố/Phổ còn có một số dấu tích đáng chú ý.
Ở nhà thờ tộc Võ Viết - là tộc có gốc gác từ một xã ở phía bắc Quảng Nam còn lưu bộ tư liệu gồm 7 sắc phong và bằng cấp của các đời vua Minh Mệnh và Thiệu Trị ban cho ông Võ Viết Kiểm - một võ quan thủy quân quê ở xã Thanh Hà, tổng Phú Triêm Hạ, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn. Vào tháng 5 năm Thiệu Trị thứ 3 (1842) ông này từng được giữ chức vụ cao nhất là Chánh đội trưởng Suất đội cai quản Thập số 10, Vệ số 5 thuộc Doanh Trung của bộ phận thủy quân Kinh kỳ Thủy sư - phòng vệ Kinh thành Huế và phụ cận.
Ở nhà thờ tộc Phạm Viết, tổ 6 thôn Diêm Phổ, có lưu câu đối nói về nghề làm thuốc gia truyền của tộc họ này: “Y hữu dụng thần thiên tải đạo/ Đơn giác huân chưng hàn mặc nhân” (đại ý: Cái đạo nghìn đời của nghề làm thuốc là phải nương theo hoàn cảnh con bệnh mà điều trị/ Kê đơn bốc thuốc phải thật tinh tế mới là người thành thục).
Cạnh đó, tại nhà lương y Phạm Tấn Tuấn, ngoài mấy bài thơ chạm nổi trên vách gỗ lụa của cụ Hà Đình Nguyễn Thuật (đã giới thiệu trên Quảng Nam Cuối tuần số ra ngày 5.7.2020) còn có bức hoành “Thế bửu đường” và câu đối “Cửu ngũ cư tiên trù thiêm hải ốc/ Tam thiên hội vận đào thục dao trì”. Chưa rõ bức hoành và câu đối này thực sự thể hiện nội dung gì? Theo lời kể của gia chủ, toàn bộ ngôi nhà có vách khắc thơ và hoành phi liễn đối này được thân phụ ông mua từ người buôn đồ cổ từ năm 1947. Nếu ngôi nhà và các kiến trúc có văn tự này là của cụ Nguyễn Thuật (1842 - 1911) đã được tháo dỡ và nhường lại cho người khác từ đầu cuộc tiêu thổ kháng chiến chống Pháp thì việc tìm hiểu ý nghĩa các văn tự này sẽ rất lý thú.
Trên nỗng cát phía đông, cách nhà thờ tộc Phạm Viết khoảng 200 mét có ngôi song mộ với hai tấm bia đá thô. Một tấm bia bị tô trét xi măng không còn đọc rõ. Tấm bia còn lại ghi dòng chính “Hoàng Việt - Hiển khảo Bùi phủ quân chi mộ” và dòng lạc khoản “Tự tử Quảng lập thạch”. Dịch: “Đây là mộ người cha đáng kính của tôi - Ông là quan của triều đình. Người dựng bia: con trai thừa tự (tên) Quảng”. Theo ông Phạm Tấn Tuấn, đây là hai mộ được nghe kể là có từ rất lâu đời có tên là “mộ quan Nhậm”; ông quan Nhậm này làm quan thời Hậu Lê và là người có công xây con đập có tên là “đập Quan” trên sông Tiên Quả đưa nước ngọt về tưới cánh đồng các xã Sung Mỹ, Tiên Quả, Diêm Phổ.
Ngoài ra, còn có nhà thờ tộc Phạm - chi phái Diêm Phổ, đang thờ Tiến sĩ Phạm Tuấn (1852 - 1917) - một trong năm người Quảng Nam đỗ đại khoa cùng một lần (được dân gian xưng tụng là Ngũ phụng tề phi). Tại ngôi nhà thờ này, có hai bài thơ thất ngôn bát cú khắc trên liễn gỗ, nét chữ sắc sảo, mạnh mẽ. Cuối hai bài thơ không thấy ghi tên tác giả và thời điểm sáng tác. Hiện chưa nhận dạng được một số chữ trong hai bài thơ nên chưa biết được đây là tác phẩm của ông Phạm Tuấn hay là thơ của người khác nói về ông tiến sĩ này?