Cách đây 10 năm, nhiều thanh niên đến lập làng ở vùng đất Tứ Chánh (thuộc tổ 15, thị trấn Hà Lam, Thăng Bình). Bây giờ, họ đã tạo dựng được cuộc sống khá giả, làm thay đổi diện mạo ngôi làng.
Đất cựa mình…
Con đường đất đỏ độc nhất xuyên đồng ruộng chạy thẳng vào làng Tứ Chánh. Đang vào mùa thu hoạch lúa nên không khí lao động nơi đây diễn ra gấp gáp. Tiếng người nói cười và tiếng động cơ của máy gặt lúa dội vang khắp cánh đồng mênh mông. Trên khuôn mặt của nhiều nông dân đẫm đầy mồ hôi, thi thoảng bắt gặp ánh mắt hạnh phúc của họ vì một vụ mùa bội thu. Vừa ngồi bệt xuống bờ ruộng nghỉ ngơi, bà Phan Thị Ánh Nguyệt phấn khởi: “Dân tôi trúng đậm vụ lúa hè thu, không chừng mỗi sào đong được 60 - 70 ang. Ruộng ở đây canh tác quanh năm suốt tháng, hết lúa rồi đến trồng dưa hấu, dưa gang. Riêng về làm kinh tế nông nghiệp, làng Tứ Chánh có lẽ vô địch huyện”.
Nông dân Tứ Chánh chịu khó làm ăn, nên thoát nghèo rất nhanh. Ảnh: T.B.H |
Năm 2001, gia đình bà Nguyệt là một hộ nghèo, rời vùng đất cát Bình Hải (Thăng Bình) đến làng Tứ Chánh lập nghiệp. Bà Nguyệt được Nhà nước cấp 200m2 đất ở và 5 sào ruộng. Trong 2 năm (2001 -2002), 100 cặp vợ chồng trên địa bàn huyện Thăng Bình được bình chọn đưa vào làng phát triển kinh tế. Thời điểm này, tiêu chí để vào làng bắt buộc phải là cặp vợ chồng đang còn tuổi thanh niên, không rượu chè bê tha, không sinh con thứ 3, hộ dân nằm trong vùng bị sạt lở... Đang gặp khó khăn về kế mưu sinh, lập nghiệp, nhiều đôi vợ chồng trẻ như vớ được chiếc phao thoát nghèo khi họ đặt chân đến Tứ Chánh. Cùng với sự tiếp sức của chính quyền, những thửa ruộng cằn cỗi đã được thanh niên khỏe mạnh ngày ngày khai phá, cải tạo thành màu mỡ. Vùng đất Tứ Chánh trước đây là Nông trường mía Thăng Bình, nhưng vì hoạt động kém hiệu quả đã giải thể. Toàn bộ diện tích đã giao về cho địa phương quản lý. Từ loại đất “ưa” cây mía, nông dân đã dần phục hóa đất màu mỡ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo mùa vụ hợp lý.
Theo tính toán của nông dân nơi đây, với mức 5 sào ruộng nếu chỉ đơn thuần trồng lúa thì may mắn lắm cũng chỉ đủ ăn. Do vậy, nhiều năm nay người dân mạnh dạn chuyển sang trồng dưa hấu, dưa gang. Vụ trúng dưa, bình quân mỗi héc ta người dân thu hơn 50 triệu đồng. Thiếu quỹ đất trồng chuyên canh, người dân liên kết lại với nhau, thậm chí đến các vùng lân cận xin thuê đất trồng dưa, rồi chủ động hợp đồng tìm đầu ra sản phẩm nên thường không bị ép giá. Vụ dưa chính năm 2012, trong khi nhiều nơi khác trong tỉnh người trồng dưa lao đao vì bị tư thương ép giá thì nông dân Tứ Chánh vẫn khấp khởi vì được mùa lẫn được giá. Ông Lê Bá Hùng, một người trồng dưa quả quyết: “Mấy năm ni, trước khi trồng dưa diện tích lớn, chúng tôi ngồi lại với nhau, cử người đi ký hợp đồng với đối tác tiêu thụ, nhờ đó mà người dân an tâm thuê đất trồng dưa chuyên canh. Làm kinh tế thì trên địa bàn huyện Thăng Bình này, Tứ Chánh không có đối thủ…”. Theo Phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình, hơn 25ha đất canh tác tại Tứ Chánh hiện nay đều rất màu mỡ, chủ động được nguồn nước tưới, vì thế năng suất cây trồng luôn cao hơn các vùng khác trong huyện.
Làng bận rộn
Làng thanh niên lập nghiệp Tứ Chánh (tổ 15, thị trấn Hà Lam) do Chi cục Định canh định cư tỉnh (Sở NN&PTNT) triển khai đầu tư hạ tầng từ năm 2001 với tổng kinh phí hơn 1,7 tỷ đồng. Làng có 100 hộ sinh sống, hiện có 87 trường hợp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. |
Về Tứ Chánh hôm nay, chúng tôi ngỡ ngàng trước những ngôi nhà xây mới khang trang, kiên cố, nhiều nhà cao tầng mọc lên ra dáng phố hơn quê. Hơn 10 năm trước, những thanh niên tay trắng, phần lớn là hộ nghèo đến đây lập làng giờ đã thực sự đổi đời. Anh Trần Hữu Phục (quê xã Bình Sa, huyện Thăng Bình) trước khi đến làng là một hộ nghèo của xã. Qua nhiều năm làm ăn, chắt chiu dành dụm, vợ chồng anh cũng dựng được căn nhà mới kiên cố và đã ra khỏi danh sách hộ nghèo nhiều năm nay. Anh Phục bảo, vì khi đến lập làng, thanh niên trong độ tuổi lao động sung sức, lại muốn khẳng định mình nên ai nấy cũng đều lo làm kinh tế. Vào thời gian vụ mùa rảnh rỗi, hàng chục thanh niên của làng kéo lên tận vùng Ea Súp (tỉnh Đắc Lắc) để thuê đất trồng dưa, hoặc đi làm mướn cho các chủ trồng cà phê để gửi tiền về quê. Các chị ở nhà đảm nhận phần việc trông nom đồng áng. Đến mùa thu hoạch, thanh niên lại kéo nhau về giúp đỡ, “trả công” lao động cho nhau. “Thanh niên ở làng không có cảnh vô công rồi nghề đâu. Hết việc này thì họ đến nơi khác tìm việc để tăng thêm thu nhập. Cả cánh đồng rộng hàng chục héc ta này chỉ sau một tuần là thanh niên có thể giúp nhau gặt xong lúa. Dân tôi đua làm kinh tế nhưng không có chuyện ganh tị, ghét nhau” – nông dân Lê Bá Hùng bộc bạch. Chính vì nghị lực vượt khó mãnh liệt của người dân mà trước khi đến làng lập nghiệp có đến gần 100% đối tượng là hộ nghèo, thì nay số người nghèo chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Làng mới được quy hoạch theo khu dân cư sinh sống co cụm, nằm giữa cánh đồng thẳng tắp. Điện – đường – trường – trạm khá hoàn thiện. Rảo quanh làng, tìm đỏ mắt vẫn không thấy có một quán nhậu nào hoặc cảnh thanh niên tụ tập la cà rượu chè trong nhà. Hiện nơi đây còn có xưởng gia công giày da thu hút hàng chục lao động tại địa phương. Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình – ông Nguyễn Văn Ngữ khẳng định: “Làng thanh niên lập nghiệp Tứ Chánh xứng đáng là mô hình làm kinh tế kiểu mẫu của huyện. Từ những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, với sự trợ giúp của Nhà nước họ đã thoát nghèo nhanh và rất bền vững. Làng mới đã chuyển mình, thay da đổi thịt từng ngày”.
TRẦN BÍCH HẠNH