Từ chiếc áo…

NGUYỄN ĐIỆN NAM 12/07/2020 07:22

Dân gian hay nói “chiếc áo không làm nên thầy tu”. Nghĩ xuôi đó là việc coi trọng cái phẩm chất bên trong hơn hình thức bên ngoài. Vậy thì dù có mặc áo cà sa, miệng nam mô mà bụng một bồ dao găm cũng không thể thành vị chân tu, đừng nói là lên tới hòa thượng, bồ tát.  

Coi trọng nội dung, phẩm chất bên trong là đúng rồi. Nhưng có phải vì vậy mà xem thường hình thức bên ngoài? Phép biện chứng cho ta hiểu nội dung quyết định hình thức, nhưng hình thức cũng biểu lộ nội dung. Không có hình thức nào tồn tại thuần túy không chứa đựng nội dung, ngược lại cũng không có nội dung nào lại không tồn tại trong một hình thức xác định. Nôm na là cách ăn mặc, sử dụng vật dụng sinh hoạt bên ngoài sẽ thể hiện phẩm chất bên trong của con người. Với lòng thương dân còn nhiều cảnh khổ thiếu ăn thiếu mặc mà Hồ Chí Minh bao giờ đến với đồng bào cũng ăn mặc giản dị, có phần như vị chân tu khổ hạnh, “mong manh áo vải hồn muôn trượng/ hơn tượng đồng phơi những lối mòn” (Tố Hữu).

Đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được phát động học tập và làm theo. Đảng cũng đã có chỉ thị và trước hết đảng viên phải làm gương trong phong cách lãnh đạo, phong cách đến với quần chúng. Quả thật ấn tượng khi cán bộ lãnh đạo của Đồng Tháp thực hiện phong cách giản dị, không đi xe công mà tự đi xe máy đến cơ quan làm việc. Chia sẻ của ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp là điều đáng suy ngẫm “khi đi xe máy, mình muốn ghé, đỗ xe chỗ nào cũng được. Và đi xe máy giúp tôi cũng như nhiều anh em khác dễ quan sát xung quanh. Có khi gặp rác thải, biển hiệu giao thông bị hư… là chụp hình gửi cho cán bộ quản lý để xử lý ngay. Ngoài ra, khi tôi đi xe máy, tôi có thể dễ dàng vào các khu dân cư, nhìn cuộc sống của bà con; bà con có việc bức xúc, phiền hà về cán bộ, thủ tục hành chính… là gọi ngay mình lại để trình bày. Có việc giải quyết ngay tại chỗ cho bà con, có việc chuyển nhanh đến bộ phận liên quan, giải quyết cho người dân”.

Cách thế ứng xử như vậy thật khác xa những gì mà nhiều vị “quan” cán bộ coi nhẹ hình thức sử dụng của công. Rõ nhất là vụ gây ồn ào dư luận mới đây của ông Lương Minh Sơn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phú Yên khi điều xe công vào tận chân cầu thang máy bay để đón mình. Dù có đúng quy định sử dụng xe công và ông cũng nói “tôi là Phó Bí thư Tỉnh ủy theo chế độ công vụ tôi được xe đưa đón”, thì hành động như vậy thật sự phản cảm trước mắt người dân. Lẽ ra ông phải tự phê bình nhưng nực cười là ông còn lớn tiếng yêu cầu công an vào cuộc xác minh người đưa tin và đòi khởi kiện, như nhiều tờ báo đưa tin. Chẳng hiểu ông học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh như thế nào?

Chiếc áo không làm nên thầy tu, nhưng đã là thầy tu không thể mặc chiếc áo quá diêm dúa, phản cảm trước mắt người đời. Chiếc áo của dân sắm ra như xe công càng không thể mặc cho quan chức cán bộ vì quyền lợi riêng.

Trong phim Tây du ký có chuyện một vị sư già đã 270 tuổi muốn cướp chiếc áo cà sa của Phật ban cho Đường Tăng. Nhưng dù đã bày mưu tính kế sâu hiểm đốt chùa giết người cướp của thì cũng không thể nào có được chiếc áo ấy, bởi lòng tham đã mở cửa địa ngục tăm tối với kẻ ác tâm. Chiếc áo cà sa không làm nên thầy tu mà chính người tu hành mới có thể làm ra chiếc áo đó bằng đức khiêm tốn, giản dị, sự khổ hạnh. Các nhà sư phải tự đi nhặt những mảnh vải vụn đem về tự nhuộm màu và chắp nối may lấy áo để mặc (vậy nên áo cà sa mang hình các mảnh vải vụn ráp nối nhau). Nếu kẻ nào tham sân si thì mặc chi cũng không thành phật được là vì vậy.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Từ chiếc áo…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO