Từ chiếc khuyên tai của phụ nữ Sa Huỳnh hơn 2.000 năm trước, đã mở ra cánh cửa trở về quá khứ, với tầng bậc dữ liệu mà khó lòng khám phá đến cạn cùng...
Năng lượng cảm nhận
Tôi vào thăm Bảo tàng TP.Đà Nẵng vẫn đang ở cảnh vắng vẻ. Và cũng như ở Bảo tàng Quảng Nam, Quảng Ngãi, tôi lập tức bị hút vào chiếc khuyên tai của người Sa Huỳnh. Chiếc khuyên tai xanh ngọc, nhìn sơ qua thì thấy màu mờ đục. Nhưng khi chụp cận cảnh và phóng to ra thì chiếc khuyên tai tỏa ra ánh sáng xanh trên tấm phông màu cát. Phần lớn các cổ vật Sa Huỳnh trong Bảo tàng TP.Đà Nẵng đều có nguồn gốc từ các di chỉ được khai quật tại tỉnh Quảng Nam, như khu mộ chum di chỉ Tam Mỹ, Tà Bhing.
Ngay lối vào trưng bày trong tủ 4 loại đồ trang sức của người tiền sử Sa Huỳnh như: khuyên tai 2 đầu thú, khuyên tai hình vành khăn, vòng đeo tay thủy tinh, khuyên tai ba mấu. Nếu ai từng một lần đắm mình vào không gian này thì mới cảm nhận hết được sự thu hút khó hiểu từ những cổ vật này. Các nhà khảo cổ từng nhiều lần đặt câu hỏi người Sa Huỳnh đến từ đâu. Trí tuệ của họ thời đó có điểm giống như nền văn minh Atlanta; hơn 2.000 năm trước họ đã biết gia nhiệt lên đến 2.000 độ C để nấu thủy tinh, chế tạo các chuỗi trang sức. Những cổ vật này được tìm thấy tận Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc, Philippines…
Do đã từng nắm trong tay chiếc khuyên tai rồi ngủ một đêm tại khu mộ táng của người Sa Huỳnh nằm cạnh sông Tang, vì vậy tôi lại giật mình và như bị thôi miên khi nhìn chiếc khuyên tai ngàn năm tuổi nằm trong tủ kính tại Bảo tàng TP.Đà Nẵng. Lần ngủ tại khu lán trại cách đây 8 năm tại di chỉ Sa Huỳnh cạnh sông Tang huyện Tây Trà (Quảng Ngãi), một cụ già người dân tộc Co đã kể lại chuyện đã truyền miệng hàng ngàn năm, rằng người Sa Huỳnh gặp phải một cơn đại hồng thủy do nước biển dâng cao. Câu chuyện trên tương ứng với những ghi chép trong cuốn sách của linh mục người Pháp là Guerlach. Ngoài ra, nhiều nhà nghiên cứu khác cũng ghi chép từ người Ba Na, Jarai, người Kha ở vùng Nam Lào và cũng lưu lại câu chuyện về tổ tiên của họ tiến xuống vùng biển, sử dụng chung một ngôn ngữ, là một dân tộc, sau đó nước biển dâng…
Vì sao chiếc khuyên tai của phụ nữ hơn 2.000 năm trước lại có sức hút và ám ảnh kỳ lạ? Có thể vì câu chuyện của người tiền sử Sa Huỳnh đang trở thành “vòng quay” trở lại đối với con người hiện đại. Và chiếc khuyên tai tỏa ánh sáng xanh lấp lánh, hoặc màu cát nhắc nhở con người ứng xử với thiên nhiên. Lời của cụ già người dân tộc Co sống ngay tại di chỉ Sa Huỳnh cạnh sông Tang mà ông xem đó là thung lũng thần linh, tôi vẫn còn nhớ. Rằng đại dương từng gây ra thảm họa đối với tổ tiên từ ngàn năm trước; trong xã hội hiện đại, nếu con người tàn phá thiên nhiên, thì đại dương sẽ lại tiếp tục dâng nước gây thảm họa cho con người.
Cô gái 2.000 năm trước?
Văn hóa Sa Huỳnh - một trong ba nền văn hóa khảo cổ đã hình thành nên “tam giác văn hóa” trong buổi bình minh của lịch sử Việt Nam. Đó là văn hóa Đông Sơn, văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Óc Eo. Khi gặp gỡ các nhà khảo cổ, tôi thường đặt câu hỏi theo góc nhìn của báo chí: “Tại sao văn hóa Đông Sơn và Óc Eo có được hình tượng cụ thể, nhất là văn hóa Đông Sơn, mọi người đều hình dung được người thời đó đeo gươm ngắn, đầu và hông giắt lá, hát múa bên cạnh chiếc trống đồng. Còn người Sa Huỳnh thì tại sao chưa có bất cứ một hình tượng, hoặc câu chuyện gì?”.
Câu hỏi trên được suy lý từ câu chuyện chiếc hoa tai ngọc trai lấp lánh. Nghệ sĩ Hà Lan Johannes Vermeer vẽ bức tranh Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai vào năm 1665. Thành tựu chỉ đến vào cuối thế kỷ 20, khi bức tranh được giới thiệu trong một cuộc triển lãm đặc biệt tại Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia ở Washington, DC. Năm 1999, nhà văn Tracy Chevalier từ cảm hứng bức tranh đã viết cuốn tiểu thuyết ăn khách “Girl with a Pearl Earring”, cô gái được đặt tên là Griet, làm công trong nhà họa sĩ Vermeer. Tiểu thuyết này được chuyển thể thành bộ phim được đề cử Oscar. Góc nhìn của một nhà báo về chiếc khuyên tai hoa ngọc trai với những chiếc khuyên tai lấp lánh bí ẩn của người phụ nữ thời tiền sử Sa Huỳnh để nói lên một điều rằng, 334 năm trước, chiếc khuyên tai và cô gái trong bức tranh của Vermeer đã được làm sống lại, gắn cho nó số phận cụ thể, phác họa lại cuộc sống của con người đầu thế kỷ 18. Còn rất nhiều chiếc khuyên tai của những cô gái người tiền sử Sa Huỳnh vẫn chỉ dừng lại là những chiếc khuyên vô tri nằm trong tủ kính với những dòng giới thiệu ngắn ngủi.
Ở Quảng Nam có di chỉ nổi tiếng là khu mộ chum Đại Lãnh, được khai quật từ năm 1977. Riêng di chỉ Đại Lãnh có 20 chiếc khuyên tai. Trong các chum đất để chôn cất người chết, các nhà khảo cổ đã lấy ra các của hồi môn người sống dành cho người chết, trong đó có chiếc khuyên tai. TS.Nguyễn Thị Hậu, trong một bài viết của mình đã nhận định: “Một trong những thành tựu của văn hóa Sa Huỳnh là kỹ nghệ chế tác đồ trang sức và phong cách sử dụng của chủ nhân nền văn hóa này. Cư dân văn hóa Sa Huỳnh dùng trang sức để làm đẹp, thể hiện sự giàu có, thể hiện địa vị xã hội, tuân theo phong tục và tín ngưỡng. Vì thế họ đã kỳ công sáng tạo ra những món đồ trang sức tinh xảo và mang tính nghệ thuật cao”.
Nhận định đó đã phác họa ra cuộc sống bầy đàn hơn 2.000 năm trước cũng không có nghĩa là “tôi đều giống hệt anh”, mà đã phân biệt ra được “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”; đã có sở hữu về tài sản; có tôn vinh cái đẹp… Vì không có câu chuyện nên giới kim hoàn, điêu khắc ở Quảng Nam, Đà Nẵng không thể có nguồn cảm hứng, nghĩ ra việc chạm khắc, tái hiện lại những chiếc khuyên tai ngàn năm để giới thiệu nền văn hóa Sa Huỳnh với du khách.