Từ chiến thắng Thượng Đức đến đại thắng mùa Xuân

NGUYỄN VĂN CHI 07/08/2014 08:37

Hôm nay 7.8, UBND tỉnh tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Thượng Đức. Nhân sự kiện này, Báo Quảng Nam trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Nguyễn Văn Chi - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương về ý nghĩa của chiến thắng Thượng Đức đối với chiến dịch giải phóng Đà Nẵng tiến tới đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Hội trại chào mừng 40 năm Chiến thắng Thượng Đức. Ảnh: Bích Liên
Hội trại chào mừng 40 năm Chiến thắng Thượng Đức. Ảnh: Bích Liên

Sau khi Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết (27.1.1973), Đảng ta quán triệt tinh thần tuyệt đối tuân thủ những điều khoản các bên đã thống nhất, chủ trương đấu tranh chính trị quần chúng, không sử dụng đấu tranh vũ trang. Ngược lại, phía Mỹ - ngụy đã trắng trợn phá hoại hiệp định. Tại chiến trường Quảng Nam - Quảng Đà, chỉ hai giờ sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, quân ngụy đã tập trung càn quét các vùng tây Duy Xuyên, vùng B Đại Lộc và các vùng tranh chấp giữa hai bên. Trong nội thành Đà Nẵng, chúng thành lập lực lượng cảnh sát dã chiến được trang bị đầy đủ thay thế cho quân đội đánh phá các lực lượng cách mạng, đàn áp nhân dân, lợi dụng thời cơ dồn dân chiếm đất.

Trước tình hình đó, nhằm đối phó với mưu đồ lật lọng của kẻ thù, Đảng ta quyết định chuyển sang chuẩn bị lực lượng cho trận quyết chiến chiến lược. Tại Hội nghị lần thứ 21 vào tháng 7.1973, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã phân tích tình hình và đề ra Nghị quyết về: “Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ và nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới”, khẳng định cách mạng miền Nam chỉ có thể giành thắng lợi bằng con đường vũ trang cách mạng. Tháng 8.1973, đồng chí Võ Chí Công - Bí thư Khu ủy khu 5 đã triệu tập Ban Thường vụ Đặc khu ủy Quảng Đà để truyền đạt tinh thần nghị quyết và đề ra phương hướng, nhiệm vụ để đưa phong trào đấu tranh cách mạng ở Quảng Nam và Quảng Đà phát triển kịp với tình hình mới. Bộ máy tổ chức cán bộ, các lực lượng quân đội, biệt động, tự vệ được phục hồi và củng cố vị trí như trước khi ký Hiệp định Pa-ri.

Căn cứ bất khả xâm phạm?

Ban Thường vụ Khu ủy khu 5 xác định, sau chiến thắng trận Nông Sơn - Trung Phước (từ đêm 17 đến chiều 18.7.1974), để đột phá dứt điểm khai thông toàn bộ chiến trường, Thượng Đức được chọn là trận đánh tiếp và buộc phải thắng cả trên mặt trận quân sự lẫn chính trị bởi tính chất cực kỳ quan trọng của cứ điểm này. Nhiệm vụ quân sự là phải tiêu diệt gọn quân địch. Về chính trị là phải giải phóng cho được hơn 1 vạn dân trong khu dồn; đồng thời từ trận đánh này cho phép ta nhận định khả năng ứng phó của quân chủ lực ngụy sau khi Mỹ rút để so sánh tương quan lực lượng đôi bên, làm cơ sở để Trung ương đề ra những chủ trương, sách lược mới trong chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Chi khu quận lỵ Thượng Đức (nay thuộc xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc) nằm ở vùng ngã ba sông Côn gặp sông Vu Gia, cách Đà Nẵng chừng 45km về phía tây nam; phía tây dựa vào dãy Trường Sơn với nhiều vách đá dựng đứng, phía nam và đông bắc được bao bọc bởi các con sông. Theo đánh giá của địch, Thượng Đức là một “căn cứ bất khả xâm phạm” nằm trong thế phòng thủ chung thuộc vùng 1 chiến thuật của chúng. Với địa hình hiểm trở như vậy, chỉ huy của ta nhận định căn cứ Thượng Đức chỉ có thể tiếp cận được từ phía tây. Qua tìm hiểu, nghiên cứu, ta đã có thông tin: Mỹ - ngụy có bố trí tiền đồn bảo vệ và hoàn toàn có thể phát hiện đối phương từ xa. Chúng xây dựng tại đây hệ thống 35 lô cốt lớn và hầm ngầm bằng bê tông cốt thép hai tầng, hàng trăm lô cốt tiền duyên, ụ súng nửa chìm, nửa nổi. Tất cả mọi hoạt động khi xảy ra tác chiến đều ở dưới mặt đất nên rất khó cho ta phát hiện mục tiêu. Đánh giá về cứ điểm này, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu kiêu hãnh đặt cho tên gọi “Mắt ngọc của đầu rồng”. Còn Tỉnh trưởng Quảng Nam khẳng định chắc nịch đây chính là “cánh cửa thép bất khả xâm phạm”, một điểm chiến lược dễ thủ khó công, là niềm tự hào, là chỗ dựa đáng tin cậy của vùng 1 chiến thuật và căn cứ quân sự liên hợp Đà Nẵng. Nhờ “mắt ngọc” này, địch dễ dàng quan sát và đánh phá đường tiến quân của ta từ Bắc vào Nam theo đường mòn Hồ Chí Minh. Hơn nữa, để tiến quân vào giải phóng Đà Nẵng buộc quân ta phải vượt qua được “thách thức” này vì đây là tiền đồn chiến lược bảo vệ căn cứ quân sự và sân bay Đà Nẵng. Quân ngụy kiêu ngạo thách thức: “Bao giờ nước Vu Gia chảy ngược thì Việt Cộng mới chiếm được Thượng Đức!”. Bởi chúng hoàn toàn tự tin với lối bố trí công sự cẩn mật, tập trung hỏa lực mạnh, quân số đông (có những thời điểm tính cả quân tại chỗ và lực lượng ứng cứu của địch lên đến 16 nghìn tên, trận địa pháo tầm xa và pháo cơ động của Sư đoàn 3 lính ngụy từ 65 - 70 khẩu các loại…). Ngoài ra, địch còn chuẩn bị lực lượng yểm trợ chi viện trực tiếp từ các cứ điểm Ba Khe, động Hà Sống, Núi Lở, khi cần có thể điều đến 60 lượt máy bay/ngày từ Đà Nẵng viện trợ lên. Nham hiểm hơn, địch cho dồn 13 nghìn dân các xã lân cận và thị trấn Hà Tân vào xung quanh căn cứ để dễ bề kìm kẹp và làm bia đỡ đạn cho chúng khi bị ta tấn công.

Mở “cánh cửa thép”

Trước âm mưu và thủ đoạn thâm độc của kẻ thù, nhiệm vụ giải phóng và làm chủ chi khu quận lỵ Thượng Đức ngày càng trở nên bức thiết, vừa có tính chiến dịch tại chỗ, vừa có tính chiến lược lâu dài. Tiêu diệt lực lượng địch ở đây là xóa bỏ một mắt xích phòng ngự vững chắc, phá tan “cánh cửa thép”, uy hiếp trực tiếp phía tây nam Đà Nẵng, giải phóng hơn 1 vạn dân và một vùng địa bàn rộng lớn, từng bước đánh bại kế hoạch “bình định lấn chiếm” của địch. Cũng tại đây, hỏa lực tầm xa của ta có thể uy hiếp sân bay Đà Nẵng và sở chỉ huy vùng 1 ngụy, tạo đòn tấn công mạnh và hiểm vào Đà Nẵng khi thời cơ chín muồi.

Đầu tháng 6.1974, Sư đoàn 304 được tăng cường Trung đoàn 3 (thuộc Sư đoàn 324) chính thức nhận nhiệm vụ: phối hợp với Quân khu 5, bộ đội địa phương và dân quân du kích cùng sự nổi dậy của quần chúng tiêu diệt chi khu quận lỵ Thượng Đức, giải phóng nhân dân. Chiến dịch mang biệt danh K711. Sau nhiều ngày đêm ròng rã, với sự giúp sức của nhân dân Quảng Đà, quân ta đã bí mật vận chuyển vũ khí, lương thực áp sát mục tiêu. Có nhiều cách làm sáng tạo được phát huy trong vận chuyển vũ khí và chiến đấu. Khai thác lợi thế địa hình có sông, quân ta đã cho một số khẩu pháo hạng nặng xuống thuyền, bè mảng xuôi về cứ điểm. Đêm trước ngày nổ súng, bộ đội và dân công đẩy kéo pháo 85 ly vượt qua bãi lầy và hai dốc lên điểm cao 118 để ngắm bắn trực tiếp diệt lô cốt mẹ và cứ điểm tiền tiêu. Trong các đợt tấn công đầu, do quân ngụy còn rất mạnh, chống trả ác liệt, hỏa lực từ các lô cốt ngụy được chuẩn bị công phu, có sức công phá lớn, trong khi quân ta chưa nắm chắc địa hình, tổ chức bố trí binh hỏa lực chưa thật phù hợp… nên cuộc chiến diễn ra khá giằng co, cả quân số của ta và địch đều thương vong quá nhiều. Sau khi họp bàn rút kinh nghiệm, đề ra kế hoạch tác chiến mới, tổ chức lại lực lượng, ta chuyển từ chiến thuật đánh nhanh thắng ngay sang “bao vây đánh lấn”. Với sự giúp sức quên mình của nhân dân địa phương, ta có sáng kiến khai thác cây song mây loại lớn về làm dây chằng, ròng rọc, đốn cây rừng làm đòn khiêng để di chuyển pháo lên các điểm cao. Nhờ đó, đến giữa đêm 5.8.1974, các khẩu pháo đã được đặt đúng vị trí như kế hoạch, sẵn sàng đợi lệnh. Rạng sáng 7.8.1974, nhận lệnh tấn công, các khẩu pháo dồn dập nhả đạn, phá tan công sự cố thủ của địch, góp phần quan trọng vào thế tiến công của quân ta. Đến 8 giờ 30 phút, sáng 7.8.1974, “cánh cửa thép” đã bị mở toang, căn cứ Thượng Đức hoàn toàn sụp đổ. Lá cờ chiến thắng của quân ta tung bay trên nóc hầm công sự Thượng Đức. Những cuộc tấn công phản kích hòng tái chiếm Thượng Đức của địch sau đó đều bị ta đánh bại.

Tiến đến ngày toàn thắng

Chiến thắng Thượng Đức như tiếp thêm sức mạnh cho ta tiến tới tiêu diệt các cứ điểm Hòn Chiêng, Núi Gai, Động Mông, Lạc Sơn, Đá Hàm, ép địch lui về Cấm Dơi và quận lỵ Quế Sơn. Nhờ sự giúp sức mạnh mẽ của Sư đoàn 2, lực lượng vũ trang Quảng Nam, Quảng Đà tiêu diệt 70 cứ điểm, mở rộng vùng giải phóng ở huyện Điện Bàn, tây Tam Kỳ, Quế Sơn, bức hàng trung đội dân vệ Gò Đa, phá sập cầu Thủy Tú, Giao Thủy, Bà Bầu, đánh phá sân bay, đánh chìm tàu quân sự tại quân cảng Đà Nẵng… Cũng từ thắng lợi quân sự này, phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng phát triển mạnh mẽ bằng 3 mũi giáp công (quân sự, chính trị, binh vận). Quần chúng liên tục đấu tranh buộc địch phải rút khỏi nhiều thôn ở Phú Hương, Rừng Lớn (Quế Sơn), Vườn Cốc (Tam Kỳ)…, phá vỡ nhiều khu dồn, vận động binh lính phản chiến… Thời điểm đó, phong trào đấu tranh cách mạng lên cao, phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.

Sau chiến thắng Thượng Đức, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: “Trận Thượng Đức cho phép ta rút ra nhận định: Quân chủ lực cơ động của ta đã mạnh hơn chủ lực cơ động của ngụy. Một tình thế mới bắt đầu xuất hiện: Địch không còn khả năng chiếm lại các vị trí đã mất, quân ta có đủ khả năng tiến công tiêu diệt địch trong công sự kiên cố, tiêu diệt cụm cứ điểm, chi khu, quận lỵ, giữ được mục tiêu, chiếm đất, giải phóng dân ngay ở vùng giáp ranh”. Nhận định đầy sức thuyết phục này của Đại tướng tác động tích cực đến việc hạ quyết tâm chiến lược với những trận quyết chiến giành toàn thắng của quân và dân ta.

Chiến thắng Thượng Đức cũng được nhắc đến trong Hội nghị Bộ Chính trị ngày từ ngày 30.9.1974 đến ngày 8.10.1974, như để khẳng định thêm thời cơ của cách mạng Việt Nam. Chiến thắng đó là niềm cổ vũ lớn lao, có sức lay động mãnh liệt tinh thần quyết chiến quyết thắng của quân và dân ta không chỉ ở Quảng Nam - Đà Nẵng mà còn trên nhiều chiến trường, không chỉ trên mặt trận quân sự mà cả trên đấu tranh chính trị và ngoại giao. Từ cột mốc quan trọng đó, Bộ Chính trị khẳng định đã đến thời điểm ra trận quyết chiến cuối cùng giành toàn thắng và chọn Tây Nguyên là chiến trường chính trong hoạt động mùa khô của toàn miền Nam, lấy Buôn Mê Thuột làm trận mở màn của chiến dịch nam Tây Nguyên, tiến đến giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

*            *
*

Thấm thoắt đã 40 năm trôi qua! Khoảng thời gian đủ cho những người đã đi qua kháng chiến và lớp thanh niên sinh ra trong hòa bình suy ngẫm nhìn lại, cúi đầu tri ân trước sự hy sinh cao cả của biết bao anh hùng liệt sĩ, thương binh, người có công cách mạng, trong đó có cả những chiến sĩ tham gia chiến dịch Thượng Đức anh hùng. Trận đánh Thượng Đức đã đi vào lịch sử của vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng “trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ” và của cả nước với ý nghĩa là trận thắng bước ngoặt, tạo đà cho chiến dịch giải phóng Đà Nẵng tiến tới Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng toàn miền Nam, non sông thu về một mối.

Chúng ta kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống để chiến thắng Thượng Đức mãi âm vang, tượng đài chiến thắng mãi vươn cao, hòa cùng hồn thiêng sông núi, sống mãi với dân tộc Việt Nam!

NGUYỄN VĂN CHI

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Từ chiến thắng Thượng Đức đến đại thắng mùa Xuân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO