(VHQN) - Thời các chúa Nguyễn, ở Quảng Nam có các cụm cư dân sông nước sống trên thuyền sau đó một số dời lên làm nhà ở ven sông (gọi là vạn - có sách dịch là man) được ghi nhận trong “Phủ biên tạp lục” của học giả Lê Quý Đôn.
Đa số dân các man/vạn ấy từ nhiều nơi tụ họp lại, một số lập chợ buôn bán ven sông, thường được gọi là dân “tứ chiếng” (đọc chệch từ chữ “tứ chánh”, từ Hán Việt này hàm nghĩa là bày ra buôn bán ở một điểm trung tâm). Về sau, từ ghép “tứ chánh” thường đặt ngay trước một địa danh để chỉ nơi có chợ; trường hợp thôn Tứ chánh Bàn Thạch (có chợ Vạn) ở Tam Kỳ là một ví dụ.
Nhiều tư liệu chữ Nho còn lưu ở các dòng họ trên vùng ngã ba sông Tam Kỳ cho biết: Tên xưa nhất của vạn/man Bàn Thạch là Suối Đá sau đổi là Tuyền Thạch rồi lại đổi là Bàn Thạch (do tránh chữ húy thời Nguyễn).
Trong “Phủ biên tạp lục”, Bàn Thạch là một trong số 18 vạn/man nằm trong đơn vị hành chính có tên “Thương nhân hội tân thuộc” (quy tụ các cư dân sống “nửa bờ nửa nước” chuyên hành nghề buôn bán) của phủ Thăng Hoa, xứ Quảng Nam hồi thế kỷ 17.
Cuối thời các chúa Nguyễn rồi thời Tây Sơn và đầu triều Nguyễn, Bàn Thạch chưa là một đơn vị hành chính biệt lập mà chỉ là một thôn trực thuộc xã Tam Kỳ, huyện Hà Đông, phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.
Đến cuối thế kỷ 19, sách “Đồng Khánh địa dư chí” (biên soạn và in khoảng năm 1887, 1888) cũng chưa ghi nhận tên Bàn Thạch trong danh sách xã thôn của địa phương liên hệ (tổng Chiên Đàn, huyện Hà Đông).
Tứ chánh Bàn Thạch được ghi nhận tạm là một thôn riêng biệt kể từ năm 1906 - khi lập phủ Hà Đông (sau đổi tên là phủ Tam Kỳ). Từ thời điểm đó, Tứ chánh Bàn Thạch (gọi tắt là Tứ Bàn) mới có sổ bộ ruộng đất riêng.
Tuy nhiên, quá trình từ tạm đến chính thức diễn ra trong vòng 10 năm; bởi, xã Tam Kỳ - đơn vị quản lý thu thuế thôn Tứ Bàn từ trước - đã kiện lên phủ rồi lên tỉnh và Tòa công sứ Pháp ở Hội An - không chịu cho thôn này tách ra riêng. Mãi đến 1916, khi có sự can thiệp mạnh của Tòa công sứ Pháp ở Hội An và Tỉnh đường Nam triều Quảng Nam, Tứ Bàn mới được tách thành thôn riêng.
Căn cứ cuốn địa bạ thôn Tứ chánh Bàn Thạch lập năm Khải Định nguyên niên (1916) hiện còn lưu tại nhà thờ tộc Hồ ở Tứ Bàn có thể vẽ được bản đồ dân cư địa phương này vào thời điểm đầu thế kỷ 20.
Theo tư liệu, những cư dân đến định cư đầu tiên ở Tứ Bàn - về sau trở thành tiền hiền làng - là người thuộc 7 phái tộc (thất phái) được kể trong câu ca “Nguyễn, Trần, Hồ, Đỗ, Đinh, Huỳnh, Lê/ Đồng hướng Nam du hội nhất tề”.
Các ông tiền hiền đó đến vùng Chợ Vạn - Tứ Bàn từ khoảng nửa đầu thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 19. Trong quá trình gần 100 năm ấy, bảy phái tộc đã dần tích lũy ruộng đất bằng cách mua lại tư điền của dân xã Tam Kỳ và xin trưng khẩn đất sa bồi ở triền sông Phước Xuyên (nay là sông Bàn Thạch) để dần dần chuyển từ “vạn/man” (nửa bờ nửa nước) lên “thôn” (ở hẳn trên bờ).
Và, với địa thế là đầu mối giao thương ở ven sông, khu Chợ Vạn - Tam Kỳ được thành lập rất sớm; khu chợ này được ghi nhận trong các sách “Phủ biên tạp lục”, “Đại Nam nhất thống chí”… là nơi buôn bán sầm uất và có lượng thuế nộp khá cao.
Cũng trong quá trình đó, nhiều thế hệ thương nhân Hoa kiều và Minh Hương từ Hội An đã đến chợ Vạn - Tứ Bàn lập cửa hàng buôn bán. Bên cạnh hoạt động thuyền vận tải, chế biến hải sản, rèn đúc nông ngư cụ và đồ dùng gia đình, nung vôi phục vụ xây dựng và nông nghiệp… của con cháu thất phái, cộng đồng thương nhân gốc Hoa ở chợ Vạn đã mở các cửa hàng buôn bán thuốc Bắc cùng nhiều thứ tạp hóa khác.
Người gốc Hoa và người Việt ở chợ Vạn đã phối hợp thu mua lâm sản quý từ các miền nguồn Tiên Phước, Trà My và phụ cận đem về tích trữ ở khu Chợ Vạn - Tứ Bàn trước khi đưa ra bán ở Hội An, Đà Nẵng, Huế và có khi đến tận Hồng Kông.
Buôn bán nhộn nhịp, đời sống khấm khá, nhiều cơ sở thờ tự tín ngưỡng được cư dân Tứ chánh Bàn Thạch lập nên như miếu Thành Hoàng, chùa Tam Bảo, miếu bà Hỏa, miếu bà Thủy và đặc biệt là ngôi đình thờ 7 phái tiền hiền (đình Thất phái) rất nổi tiếng.
Cạnh đó, thương nhân Hoa gốc Hải Nam cũng dựng Quỳnh phủ hội quán (dân gian gọi là trường Tàu) và chùa Chiêu Ứng. Các hoạt động tế lễ diễn ra hàng năm ở Chợ Vạn - Tứ Bàn khá phong phú; các đoàn hát bội thường xuyên về đây diễn xướng, tạo thành quang cảnh sinh hoạt văn hóa - tín ngưỡng ít nơi nào ở phủ Tam Kỳ xưa có được.
Ông Nguyễn Phước Khiêm (SN 1948, trú khối phố Phú Trung, phường An Phú, TP.Tam Kỳ) nhớ lại: Hồi 7, 8 tuổi từng theo bác ruột là ông Nguyễn Thanh (Bổn Thanh) - chủ bái - dự lễ cúng ở đình Thất phái. Hàng năm có cúng rằm tháng Giêng, tế xuân (kết hợp cúng giẫy mả Thanh minh) và tế thu tại đình này - khi ấy gọi là Thất phái tiền hiền tự sở.
Chủ bái mặc áo dài khăn đóng toàn màu đỏ đứng ở giữa; hai bồi bái đứng hai bên (mỗi năm có 2 họ thuộc 7 phái thay phiên làm bồi bái); 4 vị đại diện còn lại của các phái đứng hàng sau; họ tộc khác cùng các chủ hộ trong thôn đứng sau rốt.
Người đọc văn cúng quỳ trước bài văn tế khổ rất rộng đặt trên khung. Sau khi rót rượu, chủ bái và bồi bái vái lạy, rồi đọc xướng văn. Tiếng chiêng, tiếng trống điểm mỗi khi ngắt câu xướng văn hòa cùng tiếng kèn, tiếng đàn nhị, tiếng phách… của ban nhạc phụ họa tạo thành không khí rất linh thiêng.