Tự chủ tài chính: Cơ sở y tế công lập gặp khó

XUÂN HIỀN 13/10/2023 07:12

Từ thiếu thuốc điều trị cho đến lượt bệnh nhân giảm sâu khiến các cơ sở y tế công lập đang gặp rất nhiều khó khăn. Thậm chí, có bệnh viện còn đang nợ lương người lao động.

Y tế công phải đầu tư nhiều loại máy móc thiết bị để phục vụ nhu cầu chăm sóc người dân. Ảnh: X.H
Y tế công phải đầu tư nhiều loại máy móc thiết bị để phục vụ nhu cầu chăm sóc người dân. Ảnh: X.H

Khó vì... tự chủ tài chính

Bệnh viện Y học cổ truyền (YHCT) tỉnh, từ tháng 7 đến nay, cán bộ, nhân viên y tế tại đây vẫn chưa được nhận lương. Theo nội dung văn bản trả lời người lao động từ lãnh đạo bệnh viện này, nguyên nhân do nguồn thu khám chữa bệnh từ đầu năm đến nay của bệnh viện chỉ đạt 49,5%. Được biết, Bệnh viện YHCT là đơn vị tự chủ tài chính nhóm 3 - tự bảo đảm một phần chi thường xuyên với mức 78,9%.

Từ việc thiếu thuốc, vật tư y tế, hóa chất dẫn đến số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại đây thấp hơn so với cùng kỳ nhiều năm trước, cho đến vướng mắc trong cơ chế thanh quyết toán bảo hiểm y tế (BHYT)... khiến đơn vị này gặp rất nhiều khó khăn.

Để giải quyết tạm thời cho người lao động, bệnh viện đã sử dụng nguồn cải cách tiền lương để chi phần tăng thêm do chênh lệch giữa lương cũ và lương mới cho đối tượng là biên chế của bệnh viện.

Tương tự, tại Trung tâm Y tế (TTYT) TP.Tam Kỳ, tình hình cũng không khả quan khi lượt khám chữa bệnh giảm sâu khiến nhân viên y tế ở đây liên tục chịu cảnh chậm lương. Với mức độ tự chủ 61%, đơn vị này luôn trong tình trạng thu không đủ chi.

Đầu năm 2023, Sở Y tế thống nhất phương án chuyển giao TTYT Tam Kỳ sang hệ dự phòng, tuy nhiên, hiện tại đề án này vẫn chưa hoàn thành.

Ngay khi quy định thông tuyến khám chữa bệnh BHYT có hiệu lực, từ chỗ là đơn vị y tế ban đầu được người dân lựa chọn, TTYT Tam Kỳ ngày càng không thể cạnh tranh với các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh cũng như các cơ sở tư nhân trên địa bàn. Số lượng đầu thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại đây giảm gần 2/3 so với trước đây.

Tại TTYT huyện Quế Sơn, năm 2022 nguồn thu tại đơn vị chỉ đạt khoảng 44% so với số giao về tự chủ tài chính của Sở Y tế. Không đảm bảo cân đối thu - chi là điều gặp phải ở các TTYT có hệ điều trị.

Tỉnh cấp bù kinh phí

Cho đến ngày 11/10, UBND tỉnh mới có quyết định bổ sung kinh phí cho Sở Y tế để chi hoạt động thường xuyên cho các cơ sở y tế điều trị tuyến tỉnh và hoạt động khám chữa bệnh tại TTYT trực thuộc Sở Y tế với số tiền hơn 28,4 tỷ đồng.

Các cơ sở y tế công lập đối diện với rất nhiều khó khăn ở giai đoạn này. Ảnh; X.H
Các cơ sở y tế công lập đối diện với rất nhiều khó khăn ở giai đoạn này. Ảnh; X.H

Đây được xem như cấp bù ban đầu kinh phí thiếu hụt cho các đơn vị đang thực hiện tự chủ thu chi. Trong đó, ở đợt này, riêng Bệnh viện YHCT được cấp 1,27 tỷ đồng; TTYT Tam Kỳ hơn 1,1 tỷ đồng; TTYT huyện Nam Giang hơn 2 tỷ đồng; TTYT TP.Hội An hơn 3 tỷ đồng...

Với bối cảnh ngân sách nhà nước cấp ngày càng giảm sâu theo lộ trình, các bệnh viện chủ yếu “sống” dựa vào nguồn thu thông qua hoạt động khám chữa bệnh BHYT.

Ở Quảng Nam, theo phương án tự chủ tài chính cho đơn vị sự nghiệp y tế công lập giai đoạn 2023 - 2025, UBND tỉnh giao quyền tự chủ tài chính, phân loại mức độ tự chủ tài chính và kinh phí ngân sách nhà nước giao tự chủ năm 2023 đầu thời kỳ ổn định 2023 - 2025 cho 32 đơn vị sự nghiệp y tế công lập.

Trong đó, số đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên (nhóm 2) là 9 cơ sở, 21 cơ sở tự đảm bảo một phần chi thường xuyên (nhóm 3) và 2 đơn vị do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.

Tuy nhiên, hầu hết cơ sở y tế, trong đó chủ yếu là TTYT có hệ điều trị và các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh đang đối diện với hàng loạt khó khăn từ thực tế nguồn thu thấp hơn chi.

Một bác sĩ chia sẻ, theo giá BHYT đã áp dụng thì ở bệnh viện tư nhân có thể thu thêm giá dịch vụ ngoài giá BHYT để làm nguồn đầu tư tiếp theo, còn ở các bệnh viện công thì rất khó để tăng giá, vì tất cả đã có quy định.

Bên cạnh đó, các bệnh viện công bắt buộc phải đảm nhận nhiệm vụ chăm sóc người dân mà bệnh viện tư không cần phải đầu tư thực hiện.

Ngoài ra, các quy định đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế, chính sách về tiền lương, chính sách về khám chữa bệnh cho người nghèo, giá viện phí theo BHYT chưa tính đúng, tính đủ chi phí... khiến khả năng thu đủ bù chi và có tích lũy để phát triển là rất thấp.

Cơ chế tự chủ nhằm mục tiêu giảm dần kinh phí chi thường xuyên từ nguồn ngân sách nhà nước và tạo quyền chủ động cho các bệnh viện trong thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động và sức cạnh tranh. Tuy nhiên, các ràng buộc về quy định và chính sách cũng như chậm trễ trong các thủ tục đấu thầu thuốc, vật tư y tế... sẽ khiến câu chuyện tự chủ ở cơ sở y tế công lập gặp khó nhiều hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tự chủ tài chính: Cơ sở y tế công lập gặp khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO