Dư luận đặt vấn đề về việc quy hoạch phát triển nông nghiệp, trong đó có cây dưa hấu với chuyện “giải cứu” trên địa bàn huyện Phú Ninh. Ông Võ Thanh Anh - Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho rằng, Phú Ninh đã quy hoạch cụ thể về phát triển sản xuất nông nghiệp, trong đó có diện tích trồng dưa hấu.
Nếu cộng đồng xã hội không chung tay, hàng ngàn tấn dưa của nông dân Phú Ninh sẽ khó tiêu thụ hoặc bị thương lái thu mua với giá rẻ mạt. Ảnh: V.A |
Theo đó, bình quân mỗi năm toàn huyện trồng khoảng 800ha dưa hấu và thực tế đang phát triển khá ổn định. Tuy nhiên, thời gian qua có phát sinh một số diện tích trồng dưa ngoài quy hoạch nhưng không đáng kể. Cụ thể, vụ đông xuân vừa rồi diện tích phát sinh khoảng 90/400ha được quy hoạch. Vấn đề này do người dân tự ý sản xuất (một số hộ đi thuê đất trồng dưa tại Thăng Bình - PV), huyện không thể can thiệp. Nhưng nguyên nhân chính là vì thị trường tiêu thụ dưa hấu bị xuống giá, tư thương sẵn đà ép giá nên mới bị ảnh hưởng như vậy.
- Ngành nông nghiệp có thấy trách nhiệm gì sau câu chuyện dưa hấu vừa qua, thưa ông?
- Ông Võ Thanh Anh: Đối với ngành nông nghiệp, việc chỉ đạo người dân sản xuất vẫn ổn định, tuy nhiên, giá cả thị trường có lúc lên xuống là điều bình thường. Vụ dưa hấu vừa qua, tổng sản lượng của toàn huyện khoảng 12.700 tấn, còn lại diện tích xuống giá cỡ 2.600ha thôi, trong đó đã giải cứu đã được 50%. Như vậy, tính trung bình giá dưa hấu bình quân vụ đông xuân vẫn đảm bảo 4.000 đồng/kg và người dân vẫn có lãi. Nếu tính tổng giá trị mà thu được từ vụ dưa hấu vừa rồi đạt hơn 50 tỷ đồng.
- Cũng may là việc “giải cứu” kịp thời, thưa ông?
- Ông Võ Thanh Anh: Đúng vậy, nếu không được giải cứu kịp, một số hộ sẽ gặp khó khăn. Nguyên nhân là năm nay mưa lớn kéo dài, nhiều diện tích quy hoạch trồng dưa bị chậm với lịch thời vụ nên đã ảnh hưởng đến giá cả khi thu hoạch.
- Ngành nông nghiệp có rút ra bài học hay kinh nghiệm gì?
- Ông Võ Thanh Anh: Tất nhiên, bài học kinh nghiệm rút ra là Phú Ninh cần phải quy hoạch sản xuất cho đảm bảo. Đồng thời cần tập trung thực hiện việc liên doanh, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Hiện huyện triển khai sản xuất theo chuỗi liên kết, đảm bảo đầu ra, không phụ thuộc vào thị trường bên ngoài. Sản phẩm sản xuất đảm bảo an toàn theo hướng sản xuất nông nghiệp tốt và hữu cơ để gắn với chuỗi liên kết.
- Xin cảm ơn ông!
ANH ĐÔNG (thực hiện)