Từ chuyện "nhảy dù"...

NGUYỄN ĐIỆN NAM 18/03/2019 01:57

Một chiến thuật thường thấy trong chiến tranh là người ta cho quân nhảy dù xuống các điểm nóng, tập kích, hốt gọn đối phương rồi rút lui nhanh. Cái kiểu tương tự vậy, lạ thay cũng diễn ra trong đầu tư làm ăn bây giờ.

Nóng nhất là bất động sản. Mạng lưới cò đất dày đặc bao quanh các điểm nóng về đầu tư bất động sản, và không ít trong số họ chọn kiểu “nhảy dù” - mà tiếng lóng là “lướt sóng”. Sau các động thái phao tin về các chủ trương, dự án lớn để làm nóng sốt thị trường, cò tìm cách môi giới bên A với bên B, mua bán nhanh để kiếm lời rồi rút lẹ. Có người nói ảo, người lại bảo không, vì ảo gì đâu mà thấy đem cả bao tải tiền đến chung chi rào rào. Các phòng công chứng cũng rào rào người tới hợp đồng bán mua chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Giá đất ở Đà Nẵng và Quảng Nam tăng chóng mặt, quay cuồng vì cò đất “nhảy dù” xuống nhiều điểm nóng. Tình hình dễ bị mất kiểm soát không những do các nhà đầu tư “cò con” mà còn có sự tham gia của một số doanh nghiệp. Sự việc đang nóng rẫy là lình xình giữa công ty Bách Đạt An và nhà môi giới phân phối Hoàng Nhất Nam, liên quan các dự án đầu tư bất động sản ở vùng đông bắc thị xã Điện Bàn. Cả ngàn người dân nhiều lần vây lấy chủ đầu tư này để đòi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa đỏ). Nhưng Bách Đạt An chưa hoàn thiện đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất nên chưa đủ điều kiện để nghiệm thu cấp bìa đỏ và chưa được Sở Xây dựng xác nhận đủ điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định. Trong khi đó nhà môi giới phân phối là công ty Hoàng Nhất Nam đã rao bán và nhận tiền của khách hàng rồi chuyển cho Bách Đạt An. Có lẽ ngoài những lý do trở ngại về thủ tục pháp lý, sự việc trở nên nóng hơn, lùng nhùng hơn còn bởi giá đất thực tế tăng gấp nhiều lần so với giá đặt mua ban đầu, nên khách hàng càng nóng ruột mà nhà đầu tư và nhà phân phối càng “chép miệng” tiếc rẻ. Cuộc “nhảy dù” này có nguy cơ bị sa lầy, không thể rút lẹ được!

Trở lại các “chiến địa” đang nóng sốt giá đất, chúng tôi cảm nhận rằng chính sự “nhảy dù” của các “cơ cấu siêu hiện đại” xuống những vùng đất hoang dại là một trong những nhân tố cơ bản khiến thị trường bất động sản trở nên sôi động. Đó là khi dải đất nối Đà Nẵng với Hội An dựng lên viễn cảnh “thiên đường” bên biển bên sông Cổ Cò, hình thành những biệt thự, sân gôn, cùng các trung tâm công nghệ, giáo dục, thương mại, giải trí… Các dự án lớn khởi động kéo theo hàng loạt biến động về giá đất. Mươi năm trước ở cạnh các bãi biển Điện Ngọc hay Hà My (Điện Bàn), An Bàng (Hội An) khó ai nghĩ tới một ngày lô đất nền nhà vài trăm mét vuông có giá khoảng chục tỷ đồng như bây giờ. Tương tự vậy, những Bình Dương, Bình Minh, Tam Thanh hoang sơ, khi có cây cầu hiện đại nối đôi bờ Cửa Đại cùng các dự án Nam Hội An, Vinpearl… giá đất bỗng lên cao vòi vọi. Và cả ở nơi “chó ăn đá gà ăn sỏi” nhưng có dự án nào sắp rục rịch lại biến động đất đai kéo theo ngay. Người dân bản địa thì tìm cách xí phần bằng cách trồng cây, cơi nới nhà cửa; các nhà kinh doanh bất động sản, cò đất cũng rập rình đẩy giá lên theo.

Liên tục có những động thái của chính quyền trên truyền thông kêu gọi người dân cảnh giác tình trạng sốt giá đất. Nhưng những cuộc “nhảy dù” trong bất động sản sẽ còn tiếp diễn, rộ lên hoặc âm thầm. Vấn đề đặt ra là trong khi tỉnh chủ trương tiếp tục xúc tiến các nhóm dự án động lực vùng đông nam, chắc chắn công tác bồi thường giải phóng mặt bằng ngày càng khó khăn hơn. Do vậy việc quản lý hiện trạng đất đai cần phải tăng cường các biện pháp khả thi hữu hiệu chứ không chỉ hô hào kêu gọi bình tĩnh mà được đâu.

NGUYỄN ĐIỆN NAM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Từ chuyện "nhảy dù"...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO