Từ "con đường muối" đến "hành trình xuyên Á" ở vùng tây Quảng Nam được ghi chép thú vị qua những cứ liệu lịch sử.
Vùng tây Quảng Nam có một vị trí rất đặc biệt và quan trọng, là con đường huyết mạch nối giữa khu vực Trường Sơn và Tây Nguyên, tài liệu xưa gọi là “con đường muối”, vận chuyển muối từ đồng bằng lên miền núi ở miền Trung Việt Nam, có khi sang cả Thái Lan.
Tuyến đường này nguyên là lối mòn đi bộ giữa đại ngàn, khởi nguyên từ vương quốc Lâm Ấp - Chămpa đến thời các triều đại phong kiến. Khi Pháp chiếm xong Nam Kỳ (1867), Thống đốc Le Myre de Vilers cho các sĩ quan đi thám sát vùng thượng du.
Ở miền Trung, một nhóm đi Kon Tum - Quảng Nam gồm đại úy Garnier khởi hành từ Huế, đại úy Cogniard từ Quy Nhơn, trung úy Dugast từ Touran - Đà Nẵng, họ có nhiệm vụ thám sát, vẽ bản đồ cao nguyên Đông Dương. Về sau, tài liệu của nhóm này rất có giá trị, giúp Toàn quyền Đông Dương - Paul Doumer và đại úy Debay tìm đặt một trạm khí tượng ở miền núi Quảng Nam.
Đến năm 1904, các đồn An Điềm, Bến Hiên, Bến Giằng được thành lập, mở đầu cho việc kiểm soát đường 14, đáp ứng một lúc nhiều yếu tố cần kiểm soát về chính trị, kinh tế, quân sự của chính phủ thuộc địa lúc bấy giờ.
Tiếp đến năm 1935, là lúc Pháp chính thức mở đường 14 từ Kon Tum ra Quảng Nam, đây chính là cửa ngõ nối kết vùng Tây Quảng Nam với Bắc Tây Nguyên mà chủ yếu là địa bàn từ ngược sông Cái, Bến Giằng đến Kon Tum.
Năm 1960, Ngô Đình Diệm giao Trần Lệ Xuân, với sự cố vấn của nhà dân tộc học Pháp Georges Codominas, bà đã ra kinh lý miền tây Quảng Nam, khảo sát mở đường giao thương, nhưng không thành công vì ba năm sau, chế độ miền Nam sụp đổ.
Cách đây hơn thế kỷ, nhiều nhà nghiên cứu địa chính trị nhận định rằng: Ai nắm được tuyến đường vùng Tây Quảng Nam - Bắc Tây Nguyên là làm chủ Đông Dương. Quan điểm này, hôm nay đã được khẳng định, đó là việc hoàn thành cung quốc lộ 14D tại Bến Giằng, khai thông cửa khẩu quốc tế Nam Giang - Đắc Tà Oọc trên trục hành lang kinh tế Đông - Tây.
Và, chỉ sau bốn tháng khai trương cửa khẩu quốc tế Nam Giang (Quảng Nam, Việt Nam) - Đắc Tà Oọc (Sê Kông, Lào), từ tháng 8 đến tháng 12/2021 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua đây đã đạt hơn 62 triệu USD, tăng gấp đôi so với năm 2020, chủ yếu là vận chuyển nông sản xuất khẩu ở cao nguyên Boloven; vùng trồng cà phê, hồ tiêu, dược liệu ở Sê Kông, Chăm-pa-sắc, Salavan; các nông trường chuối, dứa, thanh long ở Attapeu (Lào); các vùng trồng sầu riêng, măng cụt, nhãn ở Ubon Raychathani, Sisaket, Yasothon, Charoen, Buriam (Thái Lan).
Cho đến năm sau, tăng trưởng xuất nhập khẩu đã lên rất nhiều lần, theo số liệu của Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải - THILOGI (thuộc THACO), chỉ riêng năm 2022, công ty đã vận chuyển gần 27.600 container trái cây từ các nông trường Lào, Campuchia đến cảng Chu Lai và hơn 11.600 container vật tư nông nghiệp đối lưu.
“Hành trình xuyên Á” trên con đường huyết mạch kinh tế và ngắn nhất từ Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan đến vùng kinh tế trọng điểm miền Trung Việt Nam đã được khai mở. Những thuận lợi này được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác thương mại, phát triển kinh tế xuyên biên giới, thu hút các nhà đầu tư quốc tế vào khu vực, hỗ trợ cho sự phát triển tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây…