Đôi vợ chồng vạn chài đang thu lưới chốc chốc lại ngoái đầu chỉ trỏ về phía mấy nhịp cầu Cẩm Kim sừng sững trên đầu. Có lẽ họ cảm nhận rõ nét hơn niềm vui có cây cầu mới để khép lại phần nào khắc khoải của tháng ngày đã qua.
Những niềm vui
Ba giờ chiều, nắng hắt bóng lấp loáng một dải sông. Trên bờ, chợ cá Thanh Hà (phường Thanh Hà, TP.Hội An) đã dập dìu kẻ mua người bán từ bao giờ. Bà Nguyễn Thị Sen (trú thôn Triêm Tây, xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn) lúi húi lựa mớ cá còn đang giãy đành đạch, ngai ngái mùi biển. Cũng hơn một tháng rồi, bà Sen có thói quen đạp xe qua cầu Cẩm Kim sang chợ cá Thanh Hà để đi chợ.
“Có cầu mới từ bên kia qua bên chợ ni khỏe re. Mấy hồi muốn qua đây mua cái chi phải đi vòng qua cầu sắt cũ (có từ năm 2016) hết ba, bốn cây số nên thường chờ mấy bà bán cá dạo ghé ngang nhà mỗi ngày thôi” - bà Sen xởi lởi. Một phụ nữ khác đến từ xã Cẩm Kim thêm vào: “Cái cầu sắt cũ làm để đi đỡ rứa thôi chớ không đã. Xe chạy qua thì kêu lổn cổn, mùa mưa thì trơn trượt té lên té xuống. Dân nam Hội An hồi có cầu Cửa Đại sung sướng răng thì chừ dân Cẩm Kim, Triêm Tây có cây cầu mới Cẩm Kim ni cảm giác cũng như rứa đó”.
Từ chợ Thanh Hà qua cầu Cẩm Kim, nhoáng chừng 5 phút chúng tôi đã vào đến trung tâm xã Cẩm Kim. Khỏe re, đúng như chia sẻ từ những người đàn bà đi chợ. Mà không riêng chuyện giao thông đơn thuần, cầu mới mở ra để khép lại những hồi ức cười ra nước mắt một thời đò ngang chưa xa. Một vài người bạn thời phổ thông của tôi giờ đã đùm đề con cái vẫn còn nhớ như in cảnh mùa mưa ngồi học trong lớp bên phố Hội mà lòng thấp thỏm do sợ nước lên bị mắc kẹt bơ vơ phố xá. Hay có đôi tình nhân hẹn hò phố cổ mà luôn ngó chừng đồng hồ điểm hơn tám rưỡi tối là phải quýnh quáng chia tay để người kia kịp leo lên chuyến đò cuối ngày xuôi về Cẩm Kim.
Ông Huỳnh Ngọc Hùng – Chủ tịch UBND xã Cẩm Kim kể: “Có cầu này mới mở ra kết nối giao thương được. Chứ hồi nào giờ xe thu gom rác thải ở đây xong phải vòng qua Duy Phước (Duy Xuyên) lên quốc lộ rồi mới vòng về Hội An tập kết. Còn mỗi lần cái bóng đèn đường hư là Công ty Công trình công cộng Hội An phải đi theo tuyến ngược lại mới tới sửa được. Ngay cả dịch Covid-19 vừa rồi, hàng hóa hỗ trợ cũng phải đi vòng vèo cả buổi mới đến đây”.
Cầu Cẩm Kim có tổng chiều dài 1.026m (trong đó chiều dài cầu 738,8m), thiết kế 15 nhịp, khổ thông thuyền sông cấp độ 3, bắt đầu thi công từ cuối năm 2019 với nguồn vốn vay ưu đãi từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Mặc dù chịu tác động nặng nề từ dịch Covid-19 suốt nhiều tháng trời nhưng dự án vẫn gấp rút thi công để kịp tiến độ.
Ông Phạm Ngọc Biên – Phó Giám đốc Ban quản lý dự án 6 (Bộ GT-VT) - đơn vị quản lý, điều hành dự án nhớ lại: “Điều kiện mặt bằng, công địa thi công nhất là phía bờ Cẩm Kim không hề thuận lợi lại thêm đặc thù thi công trong khu vực đông dân cư, sông nước nên trong tháng đầu tiên chúng tôi đã huy động một lượng máy móc, thiết bị thi công rất lớn đến công trường để đảm bảo yêu cầu của dự án”.
Khấp khởi ngày mai
Xế chiều. Chúng tôi lòng vòng qua những bờ kênh, làng mạc. Gió từ lạch sông thổi vào mát rượi. Đây là vùng đất “ba biên”. Cùng một con đường mới ở Cẩm Kim (Hội An) thoắt cái đã tới Duy Vinh (Duy Xuyên) rồi thêm dăm ba bước lại đi vào đất Triêm Tây (Điện Bàn). Hồi trước, hai bờ sông Thu Bồn cách nhau chỉ chừng một cây số mà “tam giác” du lịch Kim Bồng – Triêm Tây – Trà Nhiêu ngó sang Thanh Hà nghe xa hun hút. Đận chưa “Cô vít”, cứ chiều chiều, những người làm du lịch bên kia sông nhìn xe khách 45 chỗ nối đuôi đậu kín trục đường Hùng Vương và đường 28 tháng 3 chờ khách vô tham quan làng gốm mà “phát thèm”. Bây chừ, cầu lớn đã mở, khách khứa dự báo rồi sẽ ùn ùn kéo qua sông khi dịch được đẩy lui.
Cầu đã hợp long, dĩ nhiên những người làm du lịch phía hữu ngạn sông Thu Bồn phấn khởi nhất. Nhưng làm không khéo là “bể’. Ông Lê Ngọc Thuận – Chủ tịch Hội Homestay Quảng Nam mới vừa nhận thêm chức Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp dịch vụ Triêm Tây hồi đầu năm, bộc bạch: “Ở Cẩm Kim, Triêm Tây mình phải làm khác. Lưu trú, ăn uống gì cũng nên gắn với thiên nhiên. Thậm chí phải trồng thêm chuối, thêm tre. Làm bài bản thì khoảng 5 năm sau là du lịch nơi đây sẽ khác ngay với các dòng sản phẩm chủ đạo như farmstay, villa, nông nghiệp sạch”.
Nghe chúng tôi thắc mắc về tiến độ của ý tưởng xây dựng “ngôi làng hạnh phúc” tại Cẩm Kim thì ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch UBND TP.Hội An nói: “Đó mới chỉ là ý tưởng sơ khai thôi. Vừa rồi Hội An có khảo sát lại để điều chỉnh quy hoạch lập dự án bao quát hơn ở Cẩm Kim. Trong đó sẽ đào lại các tuyến kênh, men theo đó tổ chức trồng hoa, khôi phục nhà rường thấp thoáng sau rặng hoa và du khách toàn bộ đi thuyền theo tuyến kênh này hết. Giống như làng cổ tích Giethoorn ở Hà Lan vậy”.
Ông Sơn chia sẻ thêm: “Hiện nay thành phố chỉ còn Cẩm Kim là lõi xanh nguyên vẹn nhất nên chúng tôi đang tập trung giữ nghề, nghề ở đây là nghề mộc. Giữ làng, ở đây là giữ, phục hồi nhà rường, cánh đồng, hàng chè tàu, rặng tre. Còn cầu sắt cũ có thể sẽ được cải tạo lại để chuyên phục vụ cho khách du lịch đi xe đạp”.
Còn nỗi ưu tư
Quẹo vô làng mộc Kim Bồng, nép mình phía sau nhà trưng bày đóng cửa im lìm là cơ sở của ông Phan Xuân Nguyên. Bên ngoài chái, đồ đạc vương vãi lỉnh kỉnh, phía trong xưởng vắng hoe, sờ chỗ nào cũng lấm tấm bụi. Ông Nguyên cười xuề xòa: “Dịch giã có làm ăn chi được mấy mô mà không vắng. Mà kể cả không dịch thì cũng chật vật lâu ni đó. Nói về làm du lịch thì Kim Bồng thuộc loại đi đầu của Hội An từ hai chục năm trước, rứa mà chừ xuống quá”.
Xuống cũng phải bởi năm 2019 vừa rồi, trong khi du lịch Quảng Nam lập mốc ấn tượng gần 8 triệu khách tham quan thì làng Kim Bồng chỉ chưa tới 40 nghìn lượt. Hồi đầu năm, Hội An vừa ban hành quyết định phê duyệt “Phương án khôi phục, phát triển du lịch làng mộc Kim Bồng” thì dịch ập tới, mọi dự định gác lại hết.
Ông Nguyên tếu táo: “Làm mộc thì các anh biết rồi, đụng đâu cũng toàn là gỗ. Mà ở đây thì ngay vùng tâm trũng lụt. Cứ nghe lụt bão là ngao ngán. Mỗi lần nước chớm lên là dọn “hộc xì dầu” mấy ngày liền. Chắc sắp tới tôi phải nghiên cứu đóng cái ghe to to có chi chất hết lên đó. Nước lên thì thuyền lên cho khỏe”. “Rứa không tâm huyết thì khó mà gắn bó được anh hè?” - tôi chêm vào câu chuyện. “Lớp trẻ ở đây bây chừ học được cứng cứng cái nghề là bắt đầu rời ra thành phố làm mộc dân dụng hết chứ bám nghề điêu khắc thu nhập èo uột làm sao trang trải. Bản thân tôi mở được dăm ba lớp đào tạo cho thợ trẻ đây mà có đứa mô ở lại quê làm việc đâu. Không biết cầu mới mở ra, giao thương khá lên thì có đứa nào về không nữa?!” - ông Nguyên bỏ lửng…
Nói về chuyện người trẻ, ở ngay làng Triêm Tây bên cạnh cũng đang loay hoay đau đầu. Triêm Tây là một “hình mẫu” của điểm đến “sớm nở chóng tàn” khi từng thu hút đến gần 100 nghìn lượt khách mỗi năm vào giai đoạn 2016 - 2017 nhưng nhanh chóng rơi vào bế tắc vì cách vận hành thiếu hiệu quả.
Ông Nguyễn Xuân Hà – Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn khẳng định: “Mọi hỗ trợ, chính sách cho Triêm Tây phát triển du lịch đều có hết rồi nhưng thời gian qua mãi vẫn ì ạch, một phần cũng bởi thiếu người làm du lịch nhiệt huyết. Chúng tôi đang quyết liệt làm mới lại Hợp tác xã nông nghiệp Triêm Tây. Cứ theo Luật Hợp tác xã, hai năm liên tiếp hoạt động không hiệu quả thì giải tán và tìm phương án khác”. Câu chuyện làm chúng tôi chợt nhớ lại chia sẻ của ông Nguyễn Yên – nguyên Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Triêm Tây về việc địa phương đang có hàng trăm sinh viên, trí thức đang làm việc tại các thành phố lớn. Liệu rằng, ngày mai khi cầu mới đã thênh thang, họ có trở về?!