Hôm Chủ nhật 15.3, thị trấn Ái Nghĩa (Đại Lộc) vẫn chưa thu gom rác trở lại. Tôi về quê, ai cũng hỏi, ở tỉnh có nghe chi chuyện bao giờ rác được đưa đi bãi? Bà con nhớ chính xác đến ngày cuối cùng rác được thu gom là 29.2.
“Tự xử lý rác” đã thành ra cơn ngóng dài cổ đợi. Loa phát thanh cũng thôi ngày ba bận phát đi thông điệp “đề nghị bà con thông cảm” vì phải tăng thời lượng cho việc “chống dịch như chống giặc”. Một người dân ở đường Hùng Vương nói, rác thải sinh hoạt nửa tháng nay được chị tự phân loại. Thức ăn thừa thì gom lại đi quanh tìm nhà có nuôi heo, nuôi gà; túi ny lon thì rửa sạch, phơi khô để tận dụng; thứ khác nữa thì ra trước nhà đốt. Một số hộ quanh khu phố cũng làm vậy. Một cách nữa, nhiều nhà cho hết vào như mọi khi, không thể để trước nhà chờ công nhân vệ sinh thu gom được, thì đến đêm chở đi đổ lén.
Tình trạng khủng hoảng rác thải vẫn âm ỉ và tạm thời dường như bị cơn dịch bệnh lấn át hết mọi lo toan. Người dân chia sẻ với bối rối của chính quyền nên đã “tự xử lý” các cách khác nhau như vậy, dù vẫn trong cơn ngao ngán.
Sáng qua, đọc tin thấy Công ty CP Môi trường Huy Hoàng Eco có văn bản đề nghị Quảng Nam xem xét, chấp thuận chủ trương đề xuất dự án “Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Quảng Nam” có quy mô công suất 300 - 500 tấn/ngày. Theo bản tin này, Công ty CP Môi trường Huy Hoàng Eco cam kết đồng hành từ đầu trong việc quy hoạch địa điểm dự án, huy động đủ vốn để đầu tư và đảm bảo hoàn thành dự án trong 6 - 8 tháng, đảm bảo các tiêu chí công nghệ, môi trường, kinh tế, xã hội trong quá trình vận hành dự án.
Theo thống kê vào cuối năm 2019, tổng lượng rác thải phát sinh trên địa bàn 10 huyện, thị xã, thành phố (do Công ty Môi trường đô thị Quảng Nam tổ chức thu gom) khoảng 735 tấn/ngày. Trong khi đó, khối lượng rác thải được thu gom, xử lý bình quân khoảng 599 tấn/ngày, chiếm 81,5% khối lượng rác thải phát sinh. Vì vậy, một lượng lớn rác thải hàng ngày vẫn thải ra môi trường.
So sánh một chút giữa lượng rác thải hằng ngày với công suất nhà máy của dự án “Khu liên hợp xử lý chất thải rắn” do Công ty CP Môi trường Huy Hoàng Eco đề nghị trên đây, thì chỉ gọi là chia sẻ, giải quyết điểm nóng môi trường trước tình trạng các bãi rác Đại Hiệp và Tam Xuân đang quá tải. Công suất 300 - 500 tấn/ngày thì chưa thể gọi là quy mô lớn. Với thông tin ban đầu của dự án, nên chưa thể biết được các giải pháp công nghệ mà công ty này ứng dụng như thế nào, có giải quyết rốt ráo được những vấn đề quan trọng của Quảng Nam hiện nay. Đó là điều chỉnh quy hoạch theo hướng xây dựng các khu xử lý rác thải tập trung quy mô lớn, sử dụng công nghệ tiên tiến thay thế phương pháp chôn lấp thủ công để xử lý rác thải cho từng vùng, từng khu vực. Nên, có lẽ cần thận trọng trong việc giải quyết khủng hoảng rác thải (dẫu biết là cấp bách lắm rồi) nhằm tránh việc đang cơn luẩn quẩn với rác có bàn tay chìa ra là gật ngay.
Thận trọng nhưng không có nghĩa là loay hoay mãi trong việc tìm cách. Dân không thúc ép xử lý ngay vì phải chung gánh giữa đàng với chính quyền trong cơn dịch giã. Xin đừng để cơn ngao ngán của dân kéo quá dài.