Từ “điểm nóng trên bản đồ di cư quốc tế”

Phúc Nguyên 28/10/2019 11:37

Phường Cửa Hội (TP.Vinh) là trọng điểm xuất khẩu lao động (XKLĐ) của tỉnh Nghệ An và bị Tổ chức Di cư Quốc tế coi là điểm nóng trên bản đồ di cư quốc tế. Ngay cổng chợ Cửa Hội là một tấm pano lớn: “Đừng tìm cách di cư bất hợp pháp đến Úc, vì bạn chỉ đến được Papua New Guinea”.

Pano tuyên truyền chống lừa đảo XKLĐ trên đường phố Cửa Hội. Ảnh: P.N
Pano tuyên truyền chống lừa đảo XKLĐ trên đường phố Cửa Hội. Ảnh: P.N
Phóng lao thì phải theo lao

Bốn năm trước Đinh Nhật Uy trở về nhà ở phường Cửa Hội, TP.Vinh sau chuyến đi XKLĐ sang Úc và bị lừa.

“Học hết 12, em không thi vào đại học mà đi Sài Gòn làm chạy bàn cho nhà hàng. Bữa đó em đang phục vụ ở nhà hàng thì có hai người vào ăn, nghe em nói giọng Nghệ An mới hỏi em có muốn đi nước ngoài không, rồi vẽ ra lịch trình thấy có vẻ an toàn. Đợt đó đi 10 người, đông nên mình không nghĩ họ lừa. Em điện về, ba em đi thế chấp nhà cho ngân hàng vay được 250 triệu đồng. Chồng tiền làm giấy tờ xong họ mua vé cho em bay từ Vinh vô Sài Gòn, rồi từ Sài Gòn đi Indonesia, có người đón mình, đưa mình xuống dưới thuyền. Chiếc thuyền nhỏ như thuyền chở cát trên sông Lam mà chở tới 72 người. Ở nhà thì họ nói đi cái tàu, đặt chân xuống bến họ chỉ cái thuyền, mình đã thấy sợ nhưng lỡ chồng tiền rồi phải đi, 72 người chất lên đó, ai cũng say sóng không có cơm ăn, chỉ có mỳ tôm lương khô, mỳ bị nước vô hư hết, ăn lương khô 2 ngày thì hết chỉ còn uống nước lọc. Lênh đênh trên biển 4 ngày rưỡi như vậy thì có cảnh sát tuần duyên của Úc ra, họ biết mình di cư thì họ đưa mình lên tàu cứu hộ. Vậy mà thuyền nhà em là đi suôn sẻ nhất đấy, có thuyền đi hơn một tháng, bị chết mấy người vì đói quá, có thuyền tàu cứu hộ ra không kịp chết nguyên cả thuyền. Mấy nước khác họ đi nhiều, như Pakistan, Yemen, Indonesia, Myanmar, khu vực châu Á qua đó nhiều lắm. Em bị giữ ở trại 8 tháng, trại nằm trên hòn đảo cách biệt với đất liền, chỉ hy vọng họ cho mình ra ngoài đi làm để kiếm tiền trả nợ thôi chứ không hy vọng nhập cư. Ở đó lâu ngày suy nghĩ nhiều quá rồi như bị tâm thần. Có anh nghĩ quẫn, hay ngồi một mình, không tiếp xúc với ai, ngày nào cũng như ngày nào, giờ ăn cơm thì ăn còn về phòng ngồi một góc nói lảm nhảm. Còn em thì ngồi mấy bữa đã không chịu nổi, mà nghĩ giờ về số nợ đã vay làm sao trả thấu” - Đinh Nhật Uy nói.

Cha của Uy đã cầm cố nhà cửa để vay 250 triệu đồng chồng tiền cho đường dây XKLĐ ở Hà Nội. Ở đây nhiều người làm như vậy, vay ngân hàng không được thì vay nặng lãi, đã có nhiều vụ người đi XKLĐ không trả được nợ, bị các tay đòi nợ thuê truy đuổi.

Hấp lực đổi đời

Nghệ An dẫn đầu cả nước về số lượng người đi XKLĐ. Hiện tổng số lao động của tỉnh đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài khoảng 60.898 người, tập trung chủ yếu ở Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc, châu Âu, các nước Trung Đông. Nguồn thu nhập do XKLĐ chuyển về tỉnh hàng năm ước tính 255 triệu USD/năm.

(Thống kê của Sở LĐ-TB-XH Nghệ An cuối năm 2018)

Phường Cửa Hội là trọng điểm XKLĐ của tỉnh Nghệ An và bị Tổ chức Di cư Quốc tế coi là điểm nóng trên bản đồ di cư quốc tế. Ngay cổng chợ Cửa Hội là một tấm pano lớn: “Đừng tìm cách di cư bất hợp pháp đến Úc, vì bạn chỉ đến được Papua New Guinea”. Từ nhiều năm nay quần đảo nằm tách biệt này trở thành nơi xây dựng các khu trại dành cho người nhập cư bất hợp pháp. Tổ chức này đã phối hợp với Bộ đội biên phòng cảng Cửa Hội mở nhiều đợt tuyên truyền về nạn lừa đảo XKLĐ.

Bên bãi đất bồi, nơi sông Lam rộng mở đổ ra cửa biển, vài chiếc thuyền nhỏ lơ thơ trên mặt nước. Bà Nguyễn Thị Thiện có con trai và con dâu đều đang làm nail ở Anh, chỉ tay ra bờ sông: “Ở nhà thì quanh quẩn cái thuyền câu nhỏ nhỏ, ngày được vài trăm, vừa rồi cũng được Nhà nước hỗ trợ thuyền bè, còn có nhà thì nướng cá thu bán cho khách du lịch. Đời sống biển ni chỉ có thế thôi, nên không làm biển chỉ có là đi nước ngoài, chứ đây không có nhà máy công ty gì, thành ra lao động dư thừa”. Riêng xóm đạo này có 106 hộ thì đã có 100 người đi XKLĐ. Đường xóm rộng rãi, nhà cửa khang trang, nhiều nhà xây ba bốn tầng lầu, nhưng người thưa thớt. Rất nhiều gia đình chỉ còn lại người lớn tuổi, thanh niên đã đi XKLĐ hết.

Gia đình bà Nguyễn Thị Quế có 3 người con đều đi XKLĐ tại Malaysia. Bà ở lại quê với con dâu và cháu nội. Ngôi nhà lớn 3 tầng được xây từ tiền của hai con trai gửi về. Bế đứa cháu mới hai tuổi lên, bà kể: “Nhà tôi một cháu đi 5 năm rồi, một cháu đi 3 năm, còn con gái út cũng mới đi làm cho nhà máy ở Malaysia. Ba đứa con mà lúc chồng tôi đau ốm rồi mất, không một đứa nào ở nhà”. Gần cuối xóm là một ngôi nhà bốn tầng đang xây sắp hoàn thiện. Ngắm đội thợ lắp đặt những cánh cửa gỗ sang trọng, anh Trần Văn Tính chủ nhà kể con trai đầu của anh vừa đi XKLĐ sang Đài Loan mới hơn 1 năm đã gửi được tiền về cho bố mẹ xây nhà. Ngôi nhà xây hết gần 2 tỷ đồng. Giọng anh kiêu hãnh pha lẫn niềm tự hào không giấu diếm: “Lúc nó đi mới có 17 tuổi, sang đến nơi nó trốn ra ngoài, làm cho một ông chủ xây ốp gạch, đang làm ăn ngon thì bị bắt. Ông chủ bảo cứ về làm giấy tờ thay tên đổi họ đi rồi sang ông sẽ nhận. Nó về làm lại giấy tờ, mới sang lại mười mấy tháng mà giờ cháu làm được nhà, cứ tháng 100 triệu đồng, hai đứa em nó mới sang, giờ ba anh em làm chung với nhau”.

Chông chênh giá trị cuộc sống

Những “mô hình” giàu lên nhanh chóng nhờ XKLĐ như gia đình anh Tính không nhiều, nhưng lại là hình mẫu của giấc mơ đổi đời trong mắt các gia đình khác. Trong cộng đồng dân cư xóm làng nửa thành thị nửa nông thôn này, nhà nào xây được ngôi nhà lớn, con cái kiếm hàng chục triệu đồng mỗi tháng nhờ XKLĐ thì được coi là thành đạt, là niềm mơ ước đối với xung quanh. Vì vậy mỗi năm lại có thêm nhiều người trẻ ra đi tìm miền đất hứa, kể cả bằng con đường bất hợp pháp và trở thành con mồi ngon cho những đường dây buôn người xuyên quốc gia, như 39 người di cư chết ngạt trong xe container vừa được phát hiện tại Anh hôm 23.10 vừa qua.

Đón con trai tay trắng trở về và đối diện với số nợ đang sinh lãi từng ngày, gia đình Đinh Nhật Uy tiếp tục vay mượn để chuẩn bị cho Uy đi XKLĐ ở Hàn Quốc, bởi chỉ có con đường đó mới trả được món nợ cũ và kiếm tiền nhanh. Giống như một canh bạc cuộc đời, những người trẻ tuổi như Uy ở vùng biển này đánh cược hết số phận mình vào đó.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Từ “điểm nóng trên bản đồ di cư quốc tế”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO