(QNO) - Cho con bú sữa mẹ, hát con nghe lời ru ngọt ngào, hẳn nhiên, mẹ đã cho con sở hữu niềm hạnh phúc và sự bình yên vô biên mà những cách nuôi con khác không chạm tới được. Quả là yêu thương biết mấy cho vừa! Và tôi vẫn hoài mơ nắng vàng tỏa mãi trong những giấc mơ xinh…
Tôi nhớ như in lúc mình không chịu bỏ bú. Hồi đó tôi đã bốn tuổi, chắc là rất ròm nên mẹ thương quá không đành cai sữa. Khi mẹ mang bầu em gái út, tôi “bỗng dưng” bị cắt sữa. Tôi phản ứng kịch liệt khi bú mẹ nghe đắng nghét. Ba bồng tôi ra để đứng một mình đầu ngõ cho sợ hãi mà nghe lời, chỗ hòn đá to bên cạnh giếng, dưới gốc dừa. Tôi khóc rất to và dõng dạc: “Con không sợ hùm, không sợ cọp, không sợ beo, không sợ cái chi hết, chỉ sợ không được bú mẹ!”. Thế là ba phải ra ẵm tôi vào để mẹ cho bú lại. Chuyện này đã thành “giai thoại” của gia đình tôi mỗi dịp bên nhau hàn huyên kho chuyện cũ. Sau này khi làm mẹ, tôi mới thấm thía, tuổi thơ tôi đã hạnh phúc như thế nào.
Chuyện mẹ cho con bú là quá đỗi bình thường tự hàng ngàn năm nay. Tôi nghĩ đó không chỉ là thiên chức của phụ nữ, đó còn là cách truyền năng lượng yêu thương. Sự giao cảm đặc biệt ấy, chỉ được cảm nhận thật đủ đầy khi được làm mẹ. Những dòng sữa đầu tiên mẹ nghiêng mình ôm con khi con vừa đến bên đời, hay vô số những lần sau đó đều đem đến cho cả mẹ và con nguồn xúc cảm thiêng liêng và tình yêu thương vô bờ bến.
Cho con bú, nhìn bờ môi xinh, nhìn ánh mắt trong veo, nhìn đôi tay bé xíu ôm choàng lấy mẹ, nhất là những lúc nghe từng dòng sữa chảy rần rần trong bầu ngực, mẹ như dành cho con tất cả. Dạt dào, dạt dào...
Nhiều người mẹ đã bất chấp nỗi ám ảnh tăng cân sau sinh, ăn bất cứ món gì lợi sữa để có nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho đứa con thân yêu của mình. Chất lượng chuẩn, nhiệt độ chuẩn. Không phải băn khoăn về nguồn gốc, hạn sử dụng hay phải nửa đêm lọ mọ dậy súc bình pha sữa. Và từ đó, sự ngọt ngào của đôi dòng sữa mẹ cùng biết bao lời ru đã nuôi con lớn dần theo năm tháng.
Sự giao cảm thiêng liêng giữa mẹ và con từ khi con còn trong bụng đến lúc chào đời, hay mãi về sau thật tuyệt vời. Con khóc vì đói, vì nhõng nhẽo hay khóc vì ướt… mẹ nghe đều hiểu hết. Đó chẳng phải điều kỳ diệu sao? Sợi dây thiêng liêng nhất của tình mẫu tử chẳng phải là hạnh phúc tuyệt vời của người mẹ sao? Dòng cảm xúc ấy lại dâng lên khi tôi mỗi lần tôi tới cửa hàng tạp hóa với hàng hàng lớp lớp loại sữa cho trẻ, tôi cứ giật mình: anh chị em tôi đã lớn lên như thế nào? Mẹ tôi đã chăm chút sáu anh em tôi trong nỗi đời cơ cực bằng dòng sữa ngọt nhất, để chúng tôi có ngày hôm nay. Cho con bú mẹ, là cho đi và nhận lại, là yêu thương không lời nào diễn tả đủ đầy… Tôi đã được mẹ truyền cho dòng yêu thương từ thời tấm bé, để đến khi làm mẹ, tôi biết nhân lên yêu thương.
Và cũng vì nhiều lẽ, những người mẹ thời nay không ru con bằng những điệu à ơi như thuở trước. Họ muốn con nghe nhạc không lời để phát triển trí thông minh. Họ mua những chiếc nôi điện và cài sẵn nhạc để ru con. Thậm chí có mẹ tâm sự: “Con em phải nghe bolero mới chịu ngủ, vì được cho nghe từ nhỏ, quen rồi!”. Tôi không dám cho rằng đó là không tốt. Nhưng tôi tiếc cho những câu hát ru bị mai một rồi rơi vào quên lãng. Tiếc cho các bà mẹ không tranh thủ “dạy con từ thuở còn thơ” bằng cách tự nhiên nhất. Lời ru theo tiếng đưa nôi; lời ru trong vòng tay ôm vỗ về cứ dâng trào xúc cảm. Bao nhiêu bài học đạo lý, bao nhiêu lời yêu thương gửi gắm trong lời ru… Khó đong đếm như sao trên trời. Nhìn em bé khóc oe oe, tiếng ru làm mi mắt nặng dần, nặng dần rồi chìm vào giấc ngủ, thỉnh thoảng nở nụ cười hay mếu miệng như tủi thân… Thật không gì đáng yêu bằng!
Tôi lại nhớ đến giai điệu trở đi trở lại trong bài hát “Lời ru mùa đông” của Đặng Hữu Phúc: Bình yên bình yên giấc nồng/ Dịu êm dịu êm đóa hồng/ Đòng đưa đòng đưa lá vườn/ Ngày mai ngày mai nắng vàng/ Tỏa trong giấc mơ xinh/ Ngủ đi nhé con ngoan/ Nghe mẹ ru, lời ru mùa đông.