Ánh mắt của Pơloong Xoop sáng lên, khi nghe đến tên mình được gọi trong buổi công bố quyết định của Chủ tịch nước, chính thức công nhận quốc tịch Việt Nam. Pơloong Xoop nói, niềm vui cứ y hệt lần đầu tiên về nhà chồng, cách chừng hơn mươi năm trước, khi chị rời bản Abưl (huyện Kà Lùm, tỉnh Sê Kông, Lào) theo chồng di cư sang vùng giáp biên của huyện Tây Giang.
Pơloong Xoop cùng 5 người khác nữa, gồm Zơrâm Ná, Hốih Xấc, Pơloong Thị Bua Na, Hốih Thị Heo và Zơrâm Nhứh, sau hàng chục năm mang danh phận người - không - quốc - tịch, bây giờ đã là công dân Việt Nam thực thụ. Bao nhiêu năm sống giữa cộng đồng, họ không có sự ngăn cách, bởi dòng máu Cơ Tu đang chảy trong huyết quản đủ để là cư dân của làng. Vì thế, dù ở đâu người ta vẫn xem nhau như anh em ruột thịt, cùng chung bầu sữa mẹ Trường Sơn.
1. “Amoó, may ắt cóh na’nây. Hamốc zeẹ paliêm”. Pơloong Xoop vừa cởi chiếc địu trên người, vừa căn dặn con gái đầu lòng bằng tiếng Cơ Tu, đại ý giao nhiệm vụ trông em. Đứa trẻ chỉ tròn một tuổi, được trùm kín bởi tấm choàng thổ cẩm. Mùa giáp hạt, chồng lên rừng kiếm vài con sóc, con chuột để sắm tết, nên không thể vui chung với gia đình. Vì thế, từ Atu 1 (xã Ch’Ơm), cả ba mẹ con chị Xoop dắt díu nhau xuống tận xã A Xan - nơi diễn ra lễ công bố quyết định - bằng xe máy của người thân quen trong làng. Pơloong Xoop nói, họ nhận chở miễn phí, xem đó như món quà tinh thần góp chung với niềm vui của mẹ con chị.
Trong ánh mắt của Xoóp như in dấu cả miền ký ức lang bạt ngày cũ. Pơloong Xoop kể, những người Lào như chị, khi di cư sinh sống ở Việt Nam, đều bị thiệt thòi về các khoản trợ cấp chính sách cho đồng bào miền núi, như bảo hiểm y tế. Không giấy tờ hôn thú, không giấy khai sinh, chính quyền địa phương dù muốn quan tâm cũng không thể làm khác, bởi đó là luật. Ở nhiều nơi, dù họ được cộng đồng làng công nhận như cư dân chính thức, nhưng trong hộ khẩu gia đình họ vẫn không có tên. Sổ tạm trú, thứ duy nhất chứng minh họ đang sinh sống ở địa bàn. Như chính câu chuyện của Xoop, không có chứng minh nhân dân, không hộ khẩu thường trú khiến chị gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện việc giao dịch, hoặc làm giấy tờ quan trọng cho con cái.
Những rắc rối cứ theo họ suốt hàng chục năm qua mà ngay cả chính quyền địa phương cũng chưa thể gỡ bỏ, giờ đây đã thực sự nhẹ tênh. “Cả 6 người có mặt ở đây, trên tay anh chị là quyết định của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, đồng nghĩa với việc bắt đầu từ giây phút này, anh chị là người Việt Nam”. Sau lời phát biểu của đại diện chính quyền địa phương, niềm vui vỡ òa trên từng gương mặt của họ - những công dân Việt Nam gốc Lào.
Công nhận quốc tịch cho 20 công dân Lào
Tại Quyết định số 1148/QĐ-CTN ngày 3.7.2019 của Chủ tịch nước về việc cho nhập quốc tịch Việt Nam đối với các trường hợp người Lào di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới của tỉnh Quảng Nam, ngoài 6 trường hợp ở Tây Giang, còn có 14 trường hợp khác ở các xã biên giới của Nam Giang. Tất cả trường này đều đã được công bố và trao quyết định chính thức công nhận quốc tịch Việt Nam, cùng một số giấy tờ liên quan theo quy định của pháp luật.
2. Cuối năm, vùng cao càng rét buốt. Nhưng căn phòng diễn ra lễ công bố quyết định của Chủ tịch nước công nhận quốc tịch Việt Nam cho các trường hợp người dân Lào trở nên chật cứng. Ngoài chính quyền địa phương, rất nhiều bà con thân tộc của hai bên gia đình sinh sống ở khu vực giáp biên cùng có mặt. Họ đến để chia vui với sự trọn vẹn ước mong của các cư dân Lào sau thời gian dài sang Việt Nam sinh sống.
Từ cụm bản Tà Vàng (huyện Kà Lùm), ông Thong Xơn cùng 4 người khác lội hàng chục cây số đường rừng để tham dự lễ. Cũng là người Cơ Tu, ông Thông Xơn kể, trước đây việc di cư tự do diễn ra khá thường xuyên giữa đồng bào. Sau thời gian sang thăm thân, giao lưu kết nghĩa, nhiều thanh niên đã tìm hiểu nhau, rồi lập gia đình, sinh sống tại các thôn - bản vùng biên giới. Khó khăn phát sinh, khi vướng phải quy định của pháp luật, càng khiến họ mong mỏi trở thành công dân nước sở tại.
Chủ tịch UBND huyện Tây Giang - ông Bh’ling Mia cho hay, vấn đề người di cư tự do, kết hôn không giá thú vùng biên giới vốn đã tồn tại từ nhiều năm, do rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Đây được xem là hậu quả của tập quán sinh sống du canh du cư ở miền núi trước đây. Thuở ấy, người vùng cao chưa ý thức chuyện ranh giới quốc gia. Sau nhiều năm mùa màng thất bát, ốm đau, bệnh tật liên tục xảy ra, nhiều gia đình đã di cư tìm miền đất mới.
“Bắt đầu từ năm 2017, thực hiện Biên bản ghi nhớ giữa hai tỉnh Quảng Nam - Sê Kông về phối hợp triển khai thực hiện Thỏa thuận của hai Chính phủ Việt Nam - Lào, chúng tôi đã tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền, mở các đợt tập huấn, cấp phát tờ rơi, tờ gấp song ngữ, cũng như phối hợp tham gia nhiều đợt khảo sát về người di cư tự do, kết hôn không giá thú vùng biên giới. Qua khảo sát, ở Tây Giang có 6 trường hợp người Lào là vợ, hoặc chồng kết hôn không giá thú và 17 người con của họ đang sinh sống, làm ăn ở các xã biên giới Ch’Ơm, Ga Ri và A Xan” - ông Mia nói.
Trong số 6 trường hợp ở Tây Giang được công nhận quốc tịch Việt Nam, Pơloong Thị Bua Na có quê ở cụm bản Tà Vàng. Hơn 10 năm trước, Bua Na lấy chồng ở thôn Arầng 3 (nay là thôn Aring, xã A Xan), rồi chuyển đến sinh sống tại quê chồng theo phong tục của đồng bào Cơ Tu. Hôn nhân không giá thú, không được pháp luật Việt Nam công nhận nên nhiều năm nay, vợ chồng Bua Na gặp rất nhiều khó khăn liên quan đến chuyện làm giấy tờ, thủ tục. Hệ lụy cứ thế kéo dài từ ba mẹ sang đến con cái, lẩn quẩn như câu chuyện thoát nghèo ở núi. Bua Na nói với tôi, rằng dù buồn lắm nhưng chưa lúc nào chị từ bỏ niềm mong về cơ hội được công nhận quốc tịch Việt Nam.
Nguyện ước của chị, cuối cùng đã trở thành hiện thực, vào một ngày cuối năm 2019. Mừng niềm vui cùng vợ, từ nhiều ngày trước, anh Nhân (chồng Bua Na) đã lên sẵn kế hoạch. Những con sóc, con chuột được bắt về, như mọi năm sẽ để dành tết. Nhưng anh Nhân nói, năm nay tết đến sớm với gia đình mình. Cả buổi tối hôm ấy, ngôi nhà trên sườn núi đón rất đông bước chân của dân làng tìm đến, cùng chia vui với câu chuyện gia đình. Câu hát lý vang trong sương núi, ngây ngất cùng hương rượu cần mê say, nồng ấm.
3. Danh phận, cuối cùng cũng đã được trao cho họ, trở thành công dân Việt Nam. Đây là quyết định đầy tính nhân văn từ chủ trương của Chính phủ hai nước. Chính xác là Thỏa thuận giải quyết vấn đề về di cư tự do và hôn nhân không giá thú giữa đồng bào sinh sống tại vùng biên giới Việt Nam - Lào, được ký kết từ năm 2013.
Từ thỏa thuận này, hàng nghìn đồng bào miền núi đã được nhập quốc tịch, sinh sống ổn định trên vùng biên giới của hai nước, trở thành lực lượng chủ yếu trong việc tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, cùng giữ màu xanh chủ quyền. Nói như ông Xai Khăm Keo Bun Pan - Phó Huyện trưởng Kà Lùm (tỉnh Sê Kông, Lào) thì, việc Chủ tịch nước Việt Nam trao quyết định nhập quốc tịch Việt Nam cho các công dân Lào là việc làm đầy tính nhân văn và tinh thần hữu nghị, góp phần giải quyết các vấn đề về di cư tự do và hôn nhân không giá thú giữa đồng bào sinh sống tại vùng biên giới Việt Nam - Lào.
Trong câu chuyện của những người vừa từ giã phận người - không - quốc - tịch, niềm vui đã dần lấp lánh. Nhiều người nói, mắt núi giờ đây đã không còn là vực sâu như trước. Len lỏi theo hương xuân ngày mới, nhịp chiêng vui đã bắt đầu vang, mừng tết…