Sau khi trình làng hai tiểu thuyết “Đất trời vần vũ” (NXB Hội Nhà văn - 2009) và “Ngược mặt trời” (NXB Hội Nhà văn - 2012) tạo tiếng vang lớn trên văn đàn, dường như nhà văn Nguyễn Một im hơi lặng tiếng với thể loại văn học “tốn công nhọc sức” này. Hơn mười năm trôi qua, bất ngờ anh cho xuất bản tiểu thuyết “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” (NXB Hội Nhà văn - 2023) gây xôn xao dư luận.
Những cuộc tình thời chiến
Trần Viết Sơn là con út của ông Ruộng - một gia đình nông dân Quảng Nam, sau khi học xong Trung học đệ nhất cấp (lớp 9), anh được cha gửi vào thị xã Thủ Biên nằm bên sông Đồng Nai trọ học ở nhà người bạn thân là ông Tư Duy để tiếp tục học hành và trốn lính.
Bởi anh có bốn anh trai, hai người theo phe Cộng sản, hai người theo phe Quốc gia, lúc xung trận đánh nhau, hòn tên mũi đạn vô tình lắm, không biết đâu mà lường! Vợ chồng ông Tư Duy có người con trai tên là Trần Văn Tâm và cô con gái tên là Trần Vĩnh Thụy Diễm.
Trong thời gian trọ học ở nhà vợ chồng ông Tư Duy, Sơn và Diễm có cảm tình với nhau rồi yêu nhau thắm thiết. Tâm - anh trai Diễm, cũng đem lòng yêu Trang - bạn học cùng lớp với Diễm, hai người hẹn ước thề bồi với nhau.
Tâm là sĩ quan lính dù với cấp hàm Thiếu úy, nhiều lần có mặt tại những điểm nóng chiến sự. Những mối tình thời chiến tranh đầy thử thách nghiệt ngã. Tâm đã tử trận tại Quảng Nam, khi nhảy dù xuống đánh chiếm lại căn cứ Đức Dục. Trang khóc như mưa như gió, sau đó cuộc đời đưa đẩy cô đến nhiều ngả rẽ oan khiên.
Chuyện tình của Sơn và Diễm cũng lắm trắc trở, chông gai. Rớt Tú tài 2, Sơn không thể ở lại Thủ Biên vì lúc bấy giờ chính quyền miền Nam “bắt lính đôn quân” rất gắt gao. Ông Tư Duy và Thượng sĩ Lý bố trí cho Sơn lên Tây Ninh trốn lính ở Thánh thất Cao Đài.
Oái oăm thay, khi đặt chân đến Tây Ninh anh bị “phía bên kia” bắt, khiến anh phải bất đắc dĩ tham gia quân Giải phóng. Nhớ lời cha dặn không được đi lính cho bên này hay bên kia, anh bỏ trốn về Thủ Biên, được ông Tư Duy chạy chọt mua được giấy hoãn dịch với thẻ sinh viên giả. Có được những thứ giấy tờ ấy, ông Tư Duy đưa anh lên Sài Gòn trốn lính.
Đầu năm 1975, anh bị cảnh sát lục soát nhà trọ, phát hiện thẻ sinh viên giả và tống vào nhà giam hậu xét. Miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Anh về quê nhà Quảng Nam, được anh Hai tham gia cách mạng lo liệu, anh đi học nước ngoài và trở thành Vụ trưởng một bộ quan trọng của chính phủ. Còn Diễm và gia đình di tản bất thành phải quay về Thủ Biên.
Cứ ngỡ mọi chuyện đã an bài theo hướng đổ vỡ ly tán, nhưng không, những chuyện tình thời chiến tranh vẫn có những cái kết khiến người đọc cảm thấy bớt xót xa. Tâm không chết.
Anh bị thương, được “phía bên kia” cứu chữa rồi đưa ra Bắc học tập cải tạo. Ra tù, anh về Thủ Biên và cưới Trang làm vợ, cho dù Trang đã có cậu con lai với “Giôn Bay”. Hạnh phúc đầy tay với họ. Còn Sơn có vợ nhưng không có con, khi hay tin Diễm di tản bất thành về lại Thủ Biên, anh lặn lội vào tìm.
Hai người gặp nhau trước lúc Diễm theo gia đình Thành - người theo đuổi cô suốt thời Trung học đệ nhất cấp và thời sinh viên, bây giờ qua Mỹ định cư. Và họ đã trao cho nhau tất cả. Diễm đã thú nhận mọi chuyện với Thành và anh xem cái thai trọng bụng vợ là con của mình. Chính sự rộng lượng vị tha đã khiến họ có được hạnh phúc ngọt ngào.
Chiến tranh và những phận người
Thông qua chuyện tình Sơn - Diễm, nhà văn Nguyễn Một phản ánh cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc với mỗi xóm làng, mỗi gia đình là một bi kịch dưới nhiều dạng thức khác nhau. Và tất cả cùng có chung tên gọi: Nỗi đau mất mát!
Ông Ruộng có năm người con trai là Trần Viết Viên, Trần Viết Trì, Trần Viết Thủy, Trần Viết Giang và Trần Viết Sơn. Viên và Giang theo phía bên kia. Trì và Thủy theo phía bên này. Trong một trận đánh, Viên bị thương, Trì, Giang và Thủy tử trận. Ba chiếc hòm đặt cạnh nhau, hai chiếc phủ cờ vàng ba sọc đỏ, một chiếc để trống. Ban ngày, phía bên này đến gia đình ông Ruộng, công nhận Trung sĩ Trần Viết Trì và Hạ sĩ Trần Viết Thủy là “tử sĩ”.
Ban đêm, phía bên kia từ chiến khu tháp Chàm đến chia buồn và viết giấy tay công nhận Trần Viết Giang là “liệt sĩ”. Nguyễn Đó tham gia cách mạng, không chịu đựng nổi gian khổ, chiêu hồi. Anh ta dẫn lính về làng bắn chết con bà Tư Mía. Sau này, anh ta đã phải trả giá đắt bằng chính mạng sống của mình, khi nghe tin cha chết lẻn về viếng mộ và bị phía bên kia phục kích.
Có quá nhiều bi kịch chiến tranh trong tiểu thuyết “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín”. Hòa bình rồi nhưng di họa chiến tranh vẫn còn đeo đuổi những phận người lương thiện. Bà Tư Mía cụt chân vì đi củi trong núi giẫm phải mìn cóc. Ông Giới đi cuốc ruộng trúng phải đầu đạn M79 cũng đã qua đời.
Bồng - bạn của Sơn, làm công an xã, nghe tin có người cưa bom vội đến can ngăn, đúng lúc quả bom phát nổ, “hai người cưa và người can ngăn chết ngay tại chỗ”. Anh Hai Viên của Sơn, làm cán bộ to trên tỉnh, không lấy vợ vì “hai bắp đùi chằng chịt thẹo, chính giữa là đoạn ống nhựa thay cho dương vật”. Ngay bản thân Sơn không hiểu sao cũng mắc chứng vô sinh.
Và còn rất nhiều phận người éo le bởi chiến tranh. Bên cạnh đó, với vốn sống dày và sâu, nhà văn Nguyễn Một đã miêu tả xã hội miền Nam trước 1975 khá chân thực và sinh động. Nếp sống của người dân quê Quảng Nam xưa trong tiểu thuyết “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” cũng được nhà văn miêu tả qua những trang văn với ngôn ngữ xứ Quảng đầy ấn tượng.
Thời gian trôi qua. Sơn cảm thấy vui khi “Quê anh đã khác nhiều sau thời kỳ đổi mới xóa bao cấp, ruộng đất được chia lại cho người dân sản xuất. Chỉ tiếc là cha mẹ anh không còn để thấy cảnh thanh bình thật sự mà suốt đời họ mơ ước”.
Có được cuộc sống hôm nay, Sơn lại nhớ những ngày tháng chiến tranh đã qua và lời vị cha xứ đọc trong Kinh thánh: “Lúc đó vào khoảng giờ thứ sáu, tối tăm liền bao trùm cả mặt đất cho đến giờ thứ chín…”.