Có lẽ cái tên Trương Gia Bình không còn xa lạ với nhiều người, nhất là khi ông được cho là người giàu nhất Việt Nam trên sàn chứng khoán vào tháng Giêng năm 2007, với giá trị cổ phần trong FPT lúc đó là 2,6 nghìn tỷ đồng. Điều đáng quý ở ông là “chất Quảng” nồng đượm trong huyết mạch khi nhớ về quê hương...
Thật bất ngờ, dù công việc bận rộn trong vai trò người đứng đầu Tập đoàn FPT, nhưng sau khi biết chúng tôi từ Quảng Nam ra thực hiện những tập phim tư liệu 60 năm người Quảng ở thủ đô, ông đã vui vẻ nhận lời và tiếp chúng tôi tại tầng 13, trụ sở làm việc của FPT tại Hà Nội. “Được thế đây cũng là thời gian giải lao, mình trở lại quê nhà bằng con đường ký ức… Các bạn cứ yên tâm không phải lúc nào Tổng Giám đốc FPT cũng quá bận rộn với công việc đâu nhé”- ông nói.
Dòng máu nhiệt thành
Người cha của Trương Gia Bình là bác sĩ Trương Gia Thọ, quê gốc vùng Gò Nổi, Điện Bàn, từng đảm trách Giám đốc Sở Y tế Hà Nội. Trong ký ức ông Bình vẫn còn hằn in những lần theo cha về quê nội, được đi chân đất trên những khoảnh sân đất, những cánh đồng phù sa màu mỡ. Ở đó vào những mùa hè ông được tắm trên con sông quê Thu Bồn xanh ngắt, văng vẳng giọng hò khoan xứ Quảng để rồi lắng lại trong mỗi tâm hồn những người con xa quê về gốc phần của mình một tình yêu khó tả. Ông bộc bạch: “Tôi biết dòng máu đang chảy trong mình là dòng máu của con người xứ Quảng, bộc lộ rõ nhất là tính cách hay cãi của người Quảng Nam”.
Tổng Giám đốc FPT Trương Gia Bình. |
Bác sĩ Trương Gia Thọ để lại nhiều ảnh hưởng với người con của mình. “Ba tôi trầm tính nhưng rất quyết liệt, đã làm việc gì quyết làm đến nơi đến chốn, lấy lợi ích người dân lên đầu”- ông Bình kể... Được Bác Hồ và lãnh đạo Trung ương và Hà Nội tin tưởng, bác sĩ Trương Gia Thọ được giao đảm trách Giám đốc Sở Y tế Hà Nội; đã phải đương đầu với bao khó khăn buổi đầu xây dựng ngành y tế cho thủ đô, bức bách nhất là công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nhiều người lớn tuổi ở Hà Nội vẫn còn nhớ và rất quý trọng ông giám đốc sở y tế quần xắn tận gối, vai mang túi xách kè kè đến từng hộ dân, từng hẻm phố để kiểm tra tình hình dịch bệnh, hướng dẫn người dân làm hố xí hai ngăn (lúc bấy giờ Hà Nội phát động phong trào này). Nhà số 86, phố Thợ Nhuộm của gia đình bác sĩ Trương Gia Thọ cũng chính là trụ sở của Sở Y tế Hà Nội. Gợi thêm chuyện quê hương, ông Bình nói trong niềm tự hào, Quảng Nam từng có những danh xưng mà người thủ đô hay nhắc, đó là đất “Ngũ phụng tề phi”, “Trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ”... Đặc biệt, nghìn đời sau nữa ai mà không tôn thờ vị Tổng đốc thành Hà Nội là Hoàng Diệu, người quê Gò Nổi, Điện Bàn, Quảng Nam. Trương Gia Bình tự nhận mình là người giàu có, và điều giàu có nhất không phải là tiền bạc mà là truyền thống quê hương, dòng tộc, gia đình.
Ông Trương Gia Bình nói chuyện với sinh viên Trường FPT nhân dịp năm mới. |
Trăn trở và lựa chọn
Ông Trương Gia Bình tỏ rõ sự khâm phục cách dùng người tài tình của Bác Hồ. Bác sĩ Trần Duy Hưng mới 33 tuổi được tín nhiệm làm Chủ tịch đầu tiên của Hà Nội sau ngày giải phóng thủ đô 10.10.1954 cũng từng giãi bày với ông Cụ (Bác Hồ) về chuyên môn y tế khó đảm trách cương vị được giao, chưa quen làm chủ tịch, nhưng ông Cụ bảo: “Tôi có quen việc làm Chủ tịch nước đâu, chúng ta cứ làm rồi sẽ quen. Điều quan trọng nhất là mang lại nhiều lợi ích cho dân”. Sau này, bác sĩ Trần Duy Hưng được đánh giá đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có nhiều đóng góp cho thủ đô trong vai trò Chủ tịch UBND thành phố.
PGS-TS. Trương Gia Bình sinh 1956, quê xã Điện Phong, Điện Bàn, Quảng Nam. Ông từng tốt nghiệp khoa Toán cơ, Đại học Tổng hợp Moscow năm 1979, bảo vệ thành công luận án PTS tại Đại học Tổng hợp Moscow năm 1983, được phong PGS 1991. Hiện ông là Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ tịch HĐQT Đại học FPT. Trường Gia Bình là một trong số những nhà khoa học, kỹ sư đầu tiên sáng lập Tập đoàn FPT - Tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông hàng đầu tại Việt Nam. |
Suy nghĩ về cách dùng người của Bác Hồ, Trương Gia Bình luôn trăn trở với một điều rằng, trong chiến tranh vệ quốc, dân tộc Việt Nam đã chiến thắng mọi kẻ thù hùng mạnh, sẵn lòng hy sinh, đổ máu cho quê hương, nhưng sao khi làm kinh tế lại có nhiều điều không ổn? Từ đó, ông Bình để tâm học hỏi trực tiếp từ những vị tướng quân đội để ứng dụng vào quản trị kinh doanh. Điều này ông đã dạy cho nhân viên FPT, đồng thời cũng chia sẻ với các doanh nghiệp trong khuôn khổ khoa Quản trị kinh doanh – Đại học Quốc gia Hà Nội. Theo ông, sức mạnh riêng có của Việt Nam là một nền văn hiến. Những năm 1980, khi đất nước đang rất khó khăn, ông Bình đã được mời sang Tây Đức làm việc. Lúc đó, sự lựa cuộc sống ở nước ngoài tương đối dễ dàng, nhưng ông nghĩ rằng không có nơi nào tốt hơn Việt Nam, mà ở Việt Nam thì phải ở Hà Nội, nơi ông đã lớn lên, nơi văn hóa, trí tuệ tinh túy của đất nước tụ hội, nơi ông cảm thấy hạnh phúc hơn cả. Để biến ước mơ thành hiện thực, phải lao động hết sức cật lực, đặc biệt với các bạn trẻ cần thành thật với ước mơ của mình. Theo ông, để có những thành công, những người như Steve Jobs hay Bill Gates đã phải khổ công lao lực nhiều năm tháng. Ông Bình luôn khao khát học hỏi; tủ sách phía sau chỗ ngồi làm việc, chứa đầy sách chuyên về nhiều lĩnh vực khoa học đặc biệt là các cuốn sách về các danh nhân, chính khách trên thế giới.
Ông Bình bày tỏ sự khâm phục hết mình về bậc danh sĩ quê hương Quảng Nam của mình là Phan Châu Trinh với tư tưởng “Chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh”. Phan Châu Trinh là một tấm gương sáng trong phong trào Duy tân đầu thế kỷ 20. Học từ cụ Phan, ông Bình bảo chủ trương thành lập trường đại học FPT là một tất yếu và trên thực tế hiện nay nó đã hỗ trợ rất nhiều cho FPT, song với ông để phát triển bền vững cho FPT chỉ có một con đường “khai dân trí” của cụ Phan.
Hoạt động trên thương trường nhưng người đứng đầu Tập đoàn FPT rất chú tâm đến các hoạt động xã hội, trong đó đáng kể là việc giúp đỡ các sinh viên nghèo học giỏi, con em đồng hương sinh sống, học tập ở thủ đô. Điều tâm niệm của ông Bình là: “Một trong bí quyết kinh doanh của FPT là đem cho”. Muốn đất nước hùng mạnh phải có người đóng góp. Khi mình cho đi, khi mình “empty” (tức là rỗng) thì mới có thể thu nạp cái mới. “Nhưng để làm được như vậy phải là người giàu có như anh?”. Ông cười. “Mình rất thích từ giàu có, vì giàu có không chỉ riêng tiền bạc”.
VÕ VĂN TRƯỜNG