Quảng Nam là mảnh đất đã sản sinh ra những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, có nhiều đóng góp to lớn cho nền văn học Việt Nam. Đơn cử như Nam Trân, Võ Quảng, Trinh Đường, Khương Hữu Dụng, Nguyễn Văn Bổng, Nguyễn Thành Long, Chu Cẩm Phong, Phan Trước Viên, Phan Tứ, Lưu Quang Vũ, Thu Bồn, Nguyên Ngọc… Đặc biệt, Quảng Nam cũng là quê hương của “Trung niên thi sĩ” Bùi Giáng - một dị nhân với tài năng thơ khiến các nhà phê bình văn học tốn khá nhiều tâm sức và giấy mực “giải mã” nhưng vẫn chưa thể nào khám phá hết được. Phải chăng, vì thế mà Quảng Nam được mệnh danh là “một vùng thơ”, “một vùng văn học”?
Đọc những tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ lớp trước để lại cho đời, những người cầm bút hôm nay ở xứ Quảng càng thêm tự hào về thế hệ cha anh. Danh tiếng thế hệ cha anh đã đi vào văn học sử Việt Nam mãi mãi là niềm tự hào đối với người dân xứ Quảng nói chung, Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh nói riêng. Trò chuyện với bạn bè văn nghệ ở các tỉnh bạn ghé thăm xứ Quảng, những người cầm trịch ở Hội VHNT tỉnh luôn giới thiệu Quảng Nam là quê hương của các nhà văn nhà thơ nổi tiếng. Nghe danh các nhà văn, nhà thơ thế hệ đàn anh, bạn bè văn nghệ ở các tỉnh bạn càng thêm yêu mến đất và người xứ Quảng. Sẽ chẳng có gì để nói, nếu như những người cầm trịch ở Hội VHNT tỉnh tự hào và không… lãng quên các nhà văn, nhà thơ thế hệ đàn anh đã góp phần làm nên “một vùng thơ”, “một vùng văn học” Quảng Nam. Sự thờ ơ của những người có trách nhiệm khiến những người cầm bút hôm nay ở xứ Quảng không khỏi day dứt băn khoăn…
Phan Trước Viên (Nguyễn Công Chinh) quê xã Bình Tú, huyện Thăng Bình. Ông là nhà thơ có công “khơi mạch dòng thơ phản chiến” ở các đô thị miền Nam trước 1975. Thơ ông có ảnh hưởng rất lớn đối với văn nghệ sĩ và tầng lớp trí thức ở miền Nam. Không những thế, ông còn là nhà tình báo hoạt động trong tổ chức F120 của Ban Binh vận khu 5, từng bị chính quyền ngụy bắt giam ở đồn Mang Cá. Và không thể kết án tử hình ông, kẻ thù đã hèn hạ thủ tiêu ông. Nước nhà thống nhất, ông được công nhận là liệt sĩ. Tuy nhiên, cho đến nay, Hội VHNT tỉnh vẫn chưa có một động thái nào thể hiện lòng tri ân. Năm sinh của ông, chẳng ai biết. Năm mất của ông, chẳng ai hay. Và ông đã đi vào quên lãng. Nhà văn Chu Cẩm Phong quê ở TP.Hội An. Ông là nhà văn đầu tiên được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Sự kiện đáng nhớ đó, rất tiếc Hội VHNT tỉnh không tổ chức gặp mặt anh em văn nghệ sĩ tỉnh nhà để tôn vinh ông, tôn vinh những tác phẩm ông để lại cho đời đầy tính nhân văn và thấm đẫm tình người.
Với nhà thơ Thu Bồn (Hà Đức Trọng) quê huyện Điện Bàn… cũng thế! Mùa hè năm nay, tròn 10 năm ngày mất của ông, song Hội VHNT tỉnh “im hơi lặng tiếng”. Ông là một trong những nhà thơ lớn thời chống Mỹ, có công đặt nền móng cho thể loại trường ca. Ông là tác giả của nhiều tập truyện ngắn, tiểu thuyết, nhiều bài thơ tình “sống mãi với thời gian”. Ông cũng là nhà thơ Việt Nam đoạt giải thưởng quốc tế với trường ca “Bài ca chim chơ rao”. Mùa thu năm nay, tròn 25 năm ngày Lưu Quang Vũ - người con xứ Quảng, về cõi vĩnh hằng. Ông là nhà thơ có giọng thơ khác lạ ngay từ thời “miền Bắc xã hội chủ nghĩa”, là kịch tác gia được đánh giá xuất sắc nhất thế kỷ XX. Thế nhưng Hội VHNT tỉnh cũng “mần thinh”, không hề tổ chức tưởng niệm hay tọa đàm về ông. Thượng tuần tháng 10 tới, đúng 15 năm ngày “Trung niên thi sĩ” Bùi Giáng quê huyện Duy Xuyên về chốn hư vô. Được biết, Hội VHNT tỉnh cũng “lặng im” như đã từng “im lặng”.
Băn khoăn trăn trở, người viết bài này hỏi chuyện một vị ủy viên Ban Chấp hành Hội VHNT tỉnh. Ông bảo, không hiểu sao Thường trực Hội VHNT tỉnh lại không đề xuất để tổ chức thực hiện? Khi báo chí đưa tin, ông biết được thì đã… muộn màng! Liệu tình trạng đáng buồn này có còn tiếp diễn đối với các nhà văn, nhà thơ thế hệ cha anh khác? Câu hỏi đó, chỉ có những người có trách nhiệm ở Hội VHNT tỉnh mới trả lời được.
NGUYỄN TAM MỸ