Tự học viết báo

HÀN GIANG 17/06/2015 08:32

Không chọn nghiệp báo chí, và dù đã có tuổi nhưng nhiều cây bút không chuyên vẫn luôn miệt mài học hỏi, rèn luyện theo phong cách viết báo của Bác Hồ với mong muốn nội dung bài viết ngày càng chất lượng, trong sáng...

1.Gặp nhau đúng hẹn, ông Hoàng Vĩnh Thái (73 tuổi, ở số 8 Lê Lai, TP.Tam Kỳ) lúi húi pha trà mời khách, chia sẻ câu chuyện cũ: Ngày 21.6.2004, sau khi nhận nhuận bút của Đài Truyền thanh - truyền hình Tam Kỳ, ông dạo ra Công ty Sách thiết bị trường học Tam Kỳ tìm mua cuốn sách hướng dẫn “nhập môn” tiếng Hàn về mày mò học. Ông cũng tự tìm mua các cuốn đại từ điển Hàn - Việt về tra cứu, tự học. Cứ mỗi ngày ông học một vài từ để dễ nhớ, dễ nắm, miệt mài rồi cũng gặt hái kết quả. Đến nay, ông Thái đã nắm vững ngữ pháp, đọc viết tiếng Hàn khá thạo và ông tự nhận xét khả năng nghe còn yếu. Nhiều lao động nhờ ông phụ đạo tiếng Hàn đều được chủ sử dụng lao động sát hạch, tuyển chọn đưa đi làm việc ở xứ Hàn.

Ông Hoàng Vĩnh Thái.
Ông Hoàng Vĩnh Thái.

Ông Thái nói, có được kết quả đó là nhờ ông đã nỗ lực học ngoại ngữ theo lời dạy của Bác Hồ lúc sinh thời. Cái “nghiệp” cầm bút viết báo, đối với ông cũng bắt đầu sự rèn luyện như vậy. Đam mê viết báo, ông Thái luôn có mặt trong các sự kiện diễn ra tại địa phương, trong hoạt động tổ chức Hội Chữ thập đỏ nơi ông làm việc, kịp thời viết tin bài, cộng tác với Đài Truyền thanh - truyền hình Tam Kỳ, các trang tin tại cơ sở dưới bút danh Thái Liên. Ông Thái cho hay, bài báo đầu tiên của ông được đăng trên Báo Sự thật Thiếu niên tiền phong Liên Xô vào tháng 11.1965. Thời điểm ấy, ông học tại huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa). Chứng kiến cảnh học sinh Thiệu Hóa vẫn miệt mài đội mũ rơm đi học mặc cho kẻ thù ném bom đánh phá ác liệt miền Bắc, ông xúc động và viết bài “Học sinh đội mũ rơm đi học” gửi cộng tác tờ báo này. Bài viết đã gây nên tiếng vang, được nhiều anh em động viên ông tiếp tục cầm bút. Năm 1968, ông Thái chuyển về Hà Tĩnh công tác, và đến năm 1972 ông mới hình dung “trọn vẹn” thế nào là viết báo. Dịp ấy, Hội Văn học - nghệ thuật tỉnh Hà Tĩnh mời ông dự gặp mặt các cộng tác viên viết báo tại Hà Tĩnh. Tại đây, ông được tặng cuốn sổ tay cẩm nang “Hồ Chí Minh nói về nghề viết báo” do Ty Văn hóa - thông tin tỉnh Hà Tĩnh in ấn.

Ông Nguyễn Thanh Hảo.
Ông Nguyễn Thanh Hảo.

“Những lời Bác Hồ dạy trong cuốn cẩm nang như là công thức căn bản cho người làm nghề viết báo, tôi cố gắng học tập và vận dụng để cốt làm sao viết tin bài cộng tác đạt chất lượng. Năm 1988, được phân công về quản lý giáo dục ở huyện Núi Thành, tôi có điều kiện cộng tác tin bài thường xuyên với đài truyền thanh huyện liên quan đến lĩnh vực được giao phụ trách. Năm 1991, tôi về hưu và cái “nghiệp” cộng tác viên cơ sở càng “nặng”. Viết báo thì thông tin gì cũng phải xác đúng. Muốn viết xác đúng thì phải cố gắng thu thập thông tin cho tốt. Nhưng viết cho ngắn gọn, dễ hiểu, hấp dẫn theo lời Bác dạy thì đến nay, với tôi vẫn còn khó và phải nỗ lực học tập, rèn luyện” - ông Thái bày tỏ.

2.Viết báo đối với ông Nguyễn Thanh Hảo (Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh) là kênh để chia sẻ cùng các đồng chí, đồng nghiệp về những điều chưa được trao đổi hết với nhau liên quan đến lĩnh vực được phân công phụ trách. Những bài viết cộng tác của ông đăng trên Báo Quảng Nam hay các tạp chí của trung ương, trang tin của các ban ngành trên địa bàn tỉnh đều liên quan đến lĩnh vực xây dựng Đảng - một lĩnh vực khó và “kén” người viết. Với vốn kiến thức sâu rộng, được tích lũy qua thời gian dài công tác trong lĩnh vực xây dựng Đảng, các bài viết của ông được thể hiện khá đa dạng, với nhiều góc nhìn khác nhau và giàu tính thời sự. Đọc các bài viết của ông, người ta cảm nhận được nỗi trăn trở của tác giả trước hiện thực khách quan, trong đó còn có sự chia sẻ những kinh nghiệm hay, và đôi khi là niềm hân hoan trước một tấm gương tốt trong công việc.

Với ông Hảo, suy nghĩ, tư duy đề tài ra sao thì viết như thế ấy. Những ngày đầu cầm bút viết bài gửi cộng tác, được báo đăng, đọc lại bài viết mới vỡ lẽ mình viết dài quá. Tòa soạn đã gọt giũa rất nhiều, nhờ vậy bài viết đứng trên mặt báo được súc tích, trong sáng rất nhiều so với bản thảo gửi cộng tác. Từ những bài viết cộng tác đầu tiên được tòa soạn báo “ứng xử” như vậy, ông bắt đầu tự rèn kỹ năng viết báo. Những lời dạy của Bác Hồ về nghề báo đã được ông suy ngẫm nhiều, cố gắng rèn luyện kỹ năng viết ngắn, súc tích, thể hiện được nội dung thiết yếu mà mình muốn nói. Ông chia sẻ, từ nỗ lực đó, các bài viết cộng tác bây giờ đã ngắn gọn, trong sáng hơn. “Công thức viết báo mà Bác dạy tôi ghi nhớ nằm lòng: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào? Và tôi tự gọi là công thức “3V”. Tuy mấy lời dạy giản dị, gần gũi như vậy nhưng chứa chiều sâu tư tưởng lớn của Người đối với hoạt động trên lĩnh vực báo chí tuyên truyền. Chúng ta đang nỗ lực thực hiện học và làm theo gương Bác, tùy mỗi người, mỗi công việc, lĩnh vực công tác mà ra sức thực hiện “học và làm theo” bằng những việc làm thiết thực. Những người làm công tác báo chí cũng vậy. Tôi đam mê viết báo, để viết tốt thì còn phải cố gắng rất nhiều, cốt yếu làm sao thể hiện được “viết như thế nào” theo lời dạy của Bác. Đây là “V” sau cùng nhưng không phải là việc viết không quan trọng, nếu viết không hay thì người ta không đọc, không xem, không nghe. Nghĩa là viết chẳng để làm gì, vô tác dụng và gây lãng phí” - ông Nguyễn Thanh Hảo tâm sự.

HÀN GIANG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tự học viết báo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO