Từ Hội đọc sách Kim Bồng đến nhóm Tiến bộ Đà Lạt

PHÙNG TẤN VINH 23/06/2022 10:00

(QNO) - Trong những thập niên cuối thế kỷ XIX, do đặc điểm địa - chính trị, Hội An trở thành trung tâm của các trào lưu yêu nước của Quảng Nam. Tháng 10.1927, Chi hội Việt Nam cách mạng thanh niên Hội An được thành lập.

Sông nước Kim Bồng.Ảnh: PTV
Sông nước Kim Bồng.Ảnh: P.T.V

Năm 1928, thực hiện chủ trương “vô sản hóa”, Chi bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên Hội An đã đưa hội viên vào các nhà máy, hầm mỏ, đồn điền, xí nghiệp tư bản để giác ngộ cách mạng cho công nhân và rèn luyện những người trí thức cộng sản làm cho họ thật sự là người của giai cấp công nhân.

Nguyễn Thái là hội viên cốt cán ngay từ những ngày đầu thành lập đã hăng hái đi vào Nha Trang, Sài Gòn, năm 1933 ông về lại Hội An hoạt động và thành lập Hội đọc sách Kim Bồng gồm Nguyễn Thái, Lê Vinh, Hoàng Kim Ảnh, những năm sau này kết nạp thêm một số anh em trong làng như Nguyễn Thanh Sơn, Huỳnh Lý, Nguyễn Hằng, Trần Tân, Nguyễn Phe...

Nhiều sách báo tiến bộ lúc bấy giờ cũng được phổ biến trong Hội đọc sách Kim Bồng như Tiếng Dân, Phong Hóa, Thuyết tiến hóa Đác-Uyn, Quang Hải Tùng Thơ, Hán – Việt tự điển và một số sách báo của Tự lực văn đoàn.

Mục đích của Hội đọc sách Kim Bồng là khai dân trí, cải thiện dân sinh, nâng cao trình độ hiểu biết cho thanh niên, công nhân mộc, nề của xã. Hội đọc sách tác động tích cực, sâu sắc, lan tỏa sâu rộng đến các vùng lân cận của Hội An. Đây cũng là mô hình tiến bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuyên truyền đường lối cách mạng của Đảng và phong trào đấu tranh đòi dân chủ dân sinh, thành lập các hội đoàn công khai để đấu tranh với kẻ thù như Ban vận động cách mạng Hội An, Đoàn Thanh niên dân chủ Hội An.

Sau những cuộc bố ráp, bắt bớ những người tham gia phong trào cách mạng, nhiều thanh niên, trí thức, cán bộ của Hội An phải chuyển vùng hoạt động. Cuối năm 1937, Nguyễn Thái nghỉ việc ở Sở Đạc điền rồi chuyển đi Đà Lạt, một năm sau Nguyễn Phe cũng vào Đà Lạt.

Dinh toan quyen Đong Duong( Dinh II) nơi dien ra cuoc dinh cong cua cong nhan xuong Xidéc do Nhóm Tiến bộ tổ chức.
Dinh toàn quyền Đông Dương (Dinh II) nơi diễn ra cuộc đình công của công nhân xưởng Xidéc do Nhóm Tiến bộ tổ chức.

Trong thời gian này, sau khi Đảng Cộng sản Đông Dương xuất bản nhiều tờ báo công khai để tuyên truyền đường lối của Đảng, đưa tin hoạt động của Mặt trận dân chủ, đã cổ vũ phong trào cách mạng của công nhân đấu tranh đòi quyền lợi dân sinh, dân chủ.

Từ kinh nghiệm khi thành lập Hội đọc sách Kim Bồng, đã thôi thúc Nguyễn Thái, Nguyễn Phe thành lập nhóm Tiến bộ Đà Lạt với gần 200 công nhân thợ mộc, thợ hồ, thợ thủ công. Mục đích của nhóm là công khai giúp nhau khi ốm đau, đọc sách báo và học văn hóa, nhưng hoạt động bí mật là giác ngộ tư tưởng cách mạng cho công nhân để làm nòng cốt cho các phong trào đấu tranh, nâng cao tình cảm giai cấp, đoàn kết anh em trong nhóm nói riêng và công nhân xây dựng Đà Lạt nói chung.

Từ khi ra đời, nhóm Tiến bộ Đà Lạt đã tổ chức nhiều cuộc đấu tranh ủng hộ Mặt trận dân chủ. Cụ thể, ngày 1.5. 1938, nhóm Tiến bộ phối hợp với Hội Thanh niên du lịch tổ chức mít-tinh tại rừng Cam Ly với hơn 300 người tham gia.

Tại đây nhóm đã tuyên truyền ý nghĩa lịch sử Ngày quốc tế lao động, về sự đàn áp, bóc lột của thực dân Pháp, kêu gọi công nhân đấu tranh đòi những quyền lợi thiết thân, tăng lương, giảm giờ làm.

Nhóm Tiến bộ vận động công nhân, các hãng thầu xây dựng và giao cho công nhân xây dựng Dinh nghỉ mát Toàn quyền Đông Dương đấu tranh biểu tình.  Nhưng chủ hãng sớm phát hiện. Nguyễn Thái người lãnh đạo nhóm Tiến bộ bị đuổi việc, Nguyễn Phe thay Nguyễn Thái phụ trách lãnh đạo cuộc đình công với 200 công nhân hãng Xidéc với những yêu cầu chính đáng: Đòi tăng lương, giảm giờ làm, không được đuổi thợ vô cớ và thả công nhân bị bắt.

Cuộc đình công ngày càng có nhiều công nhân tham gia, địch phải đáp ứng yêu sách của nhóm đưa ra.

Trường Tiểu học Pháp-Việt ( nay là trường TH Đoàn Thị Điểm) là nơi diễn ra cuộc họp khôi phục Chi bộ Đảng Đà Lạt tháng 12 năm 1938.
Trường Tiểu học Pháp - Việt ( nay là trường TH Đoàn Thị Điểm) là nơi diễn ra cuộc họp khôi phục Chi bộ Đảng Đà Lạt tháng 12.1938.

Sau 7 năm bị gián đoạn, tháng 12.1938, Ban cán sự Đảng Nam Trung bộ bắt liên lạc với nhóm Tiến bộ và Hội Thanh niên du lịch để thành lập Chi bộ Đà Lạt gồm 4 đồng chí Nguyễn Văn Chi, Nguyễn Thái, Nguyễn Phe, Trần Công Xứng, do đồng chí Nguyễn Văn Chi làm bí thư. Nhiệm vụ trước mắt của chi bộ là tiếp tục duy trì các tổ chức quần chúng nửa công khai, hợp pháp như nhóm Tiến bộ và Hội Thanh niên du lịch và phát triển Hội Ái hữu trong công nhân...

Giữa năm 1939, Ban vận động thành lập Hội Ái hữu ra đời do Nguyễn Phe làm trưởng ban, công tác chuẩn bị rất khẩn trương thì mật thám Pháp theo dõi, ngăn cấm vì cho rằng Hội do Đảng Cộng sản lãnh đạo.

Tháng 8.1939, đồng chí Nguyễn Văn Chi được cấp trên điều về công tác tại Khánh Hòa, đồng chí Nguyễn Thái chuyển đi Sài Gòn, chi bộ Đà Lạt còn lại ba đồng chí, đồng chí Nguyễn Phe làm bí thư.

Tháng 10.1939, địch khủng bố phong trào cách mạng Đà Lạt, Chi bộ từ chỗ hoạt động công khai, nửa hợp pháp đã chuyển sang hoạt động bí mật. Sau đó, đồng chí Nguyễn Phe và một số đồng chí trong nhóm Tiến bộ bị địch bắt giam, Chi bộ Đà Lạt và các tổ chức quần chúng ngừng hoạt động, phong trào cách mạng bị tổn thất lớn.

Sau khi mãn hạn tù, tháng 4.1940, Nguyễn Phe tiếp tục trở về Đà Lạt hoạt động cách mạng, nhiệm vụ đầu tiên là củng cố nhóm Tiến bộ, thành lập Ban cán sự Đảng, công việc đang phát triển thuận lợi thì tháng 7.1940 đồng chí lại bị địch bắt giam tại nhà lao Nha Trang, ban cán sự ngừng hoạt động.

Tháng 8.1940, đồng chí Hoàng Kim Ảnh là thành viên chủ chốt của Hội đọc sách Kim Bồng, từ Hội An vào Đà Lạt bắt liên lạc với những anh em còn lại trong nhóm Tiến bộ, tuyên truyền giác ngộ cách mạng cho công nhân.

Đồng chí Hồ Đắc Bật từ Sài Gòn lên bắt liên lạc với đồng chí Hoàng Kim Ảnh thành lập Mặt trận phản đế Đà Lạt, nhưng sau đó đồng chí Bật bị địch bắt. Tháng 2.1941, đồng chí Ảnh về lại Quảng Nam nên Ủy ban Mặt trận phản đế Đà Lạt ngừng hoạt động.

Thực hiện chủ trương của Xứ ủy Trung kỳ, để tiếp tục chỉ đạo phong trào cách mạng Đà Lạt, ngày 24.2.1942, tại rừng dương liễu bên bờ biển Cửa Đại, đồng chí Trương Văn Hoàn thay mặt Xứ ủy tuyên bố thành lập Chi bộ đặc biệt Đà Lạt gồm 3 đồng chí Võ Văn Đặng, Trần Duy Mãi và Huỳnh Đắc Hương, do đồng chí Võ Văn Đặng làm bí thư.

Có thể nói, từ Hội đọc sách Kim Bồng đến sự thành lập nhóm Tiến bộ trong công nhân Đà Lạt là một bước ngoặt lịch sử, có ý nghĩa xã hội - chính trị sâu sắc, đóng góp tích cực vào phong trào cách mạng của thành phố Đà Lạt trước năm 1945 của thanh niên Kim Bồng và Thành ủy Hội An.

Những hoạt động, gây dựng phong trào, đấu tranh cách mạng, thành lập Chi bộ Đảng Kim Bồng, Chi bộ Đảng Đà Lạt đầu tiên đã thể hiện sự lãnh đạo, tổ chức  tài tình, được Ban cán sự Đảng các tỉnh Nam trung bộ và Xứ ủy Trung kỳ lúc bấy giờ ghi nhận, đánh giá cao.

Những đóng góp của Hội đọc sách Kim Bồng”và nhóm Tiến bộ Đà Lạt đã được lịch sử Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng và lịch sử Đảng bộ thành phố Hội An ghi nhận. Đây là truyền thống quý báu, nghĩa tình giữa hai địa phương trong những ngày đầu đấu tranh giải phóng dân tộc và thành lập Chi bộ Đảng của những bậc tiền bối, hôm nay trên con đường xây dựng thành phố Đà Lạt và thành phố Hội An, chúng ta cần phát huy giá trị di sản lịch sử vẻ vang ấy để kết nối phát triển, hai địa phương ngày càng thêm gắn bó.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Từ Hội đọc sách Kim Bồng đến nhóm Tiến bộ Đà Lạt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO