Không cần phải kể lể dài dòng, mọi người vẫn có thể biết được ngay tên tuổi, sự nghiệp của một người nào đó nhờ vào các “từ khóa” mô tả, chứa đựng những thông tin cơ bản, đặc trưng, cô đọng nhất về họ. Trong văn nghệ cũng vậy, thông qua các “từ khóa”, có thể nhận ra phần nào chân dung của văn nghệ sĩ...
Âm nhạc
Hơn 30 năm trước, trên làn sóng Đài Phát thanh Quảng Nam - Đà Nẵng, không chỉ trong chương trình văn học, nghệ thuật mà trong cả các chương trình về chính trị, xã hội, nhà đài cho phát khá thường xuyên các ca khúc như “Hồ Cao Ngạn”, “Hát về em gái quê hương”, “Hát về cây lúa quê tôi” của nhạc sĩ Hoàng Bích hay “Tiếng hát bên dòng sông” của nhạc sĩ Nguyễn Huy Hùng.
Có sự “ưu ái” này trước hết vì đây là những ca khúc thiên về ngợi ca quê hương, tình yêu lao động và các thành quả trong công cuộc xây dựng đất nước, rất phù hợp để động viên phong trào thời kỳ đó. Hơn thế, đây đều là những bài hát hay, có ca từ gần gũi và giai điệu ngọt ngào. Đến nay, những ca khúc ấy vẫn sống trong lòng người yêu nhạc xứ Quảng, và thỉnh thoảng lại xuất hiện trong các chương trình văn nghệ tại các địa phương.
Trong khi đó, với nhạc sĩ Phan Văn Minh, một trong những dấu ấn đầu tiên và khá sớm mà anh có được là tình khúc “Quả táo cho Eva”. Nhưng khi “Cả nhà thương nhau” ra đời vào năm 1988, ca khúc thiếu nhi này đã trở thành “từ khóa” được nhắc đến nhiều nhất, chiếm giữ vị trí gần như “độc tôn” khi nói về anh, dù rằng từ đó đến nay anh còn có thêm nhiều ca khúc nổi tiếng khác như “Người Quảng dáng nâu”, “Khúc trầm hương giao thừa”, “Tình khúc Thu Bồn”...
Văn chương
Trên địa hạt văn chương, nhiều cây bút sống, làm việc, sáng tác ở Quảng Nam - Đà Nẵng từ những năm đầu sau khi nước nhà thống nhất cũng được công chúng nhắc đến từ khá sớm. Chẳng hạn với nhà văn Thái Bá Lợi là loạt tiểu thuyết “Vùng chân Hòn Tàu”, “Thung lũng thử thách”, “Họ cùng thời với những ai”, “Bán đảo”...
Với cố nhà văn Nguyễn Khắc Phục là kịch bản phim “Thành phố không bị chiếm”; cố nhà thơ Thu Bồn là trường ca “Campuchia hy vọng”; Ngô Thế Oanh, Thanh Quế, Ngân Vịnh với tập thơ in chung “Tình yêu nhận từ đất”... Riêng nhà thơ Thanh Quế, ngoài dấu ấn từ tập thơ in chung ấy, công chúng lúc bấy giờ mỗi khi nhắc đến ông thì cũng thường hay nhắc đến tiểu thuyết “Cát cháy”.
Một người khác, cũng tạo được “từ khóa” cho riêng mình bằng một tác phẩm liên quan đến... cát, là nhà văn Hồ Duy Lệ với tập bút ký “Cát xanh”. Hồi năm 1998, khi Hội Văn học - Nghệ thuật (VH-NT) Quảng Nam được tách lập, nhiều bạn bè văn chương trong Nam ngoài Bắc đã gọi điện đến cơ quan hội hỏi “Có phải “ông Lệ Cát xanh” làm Chủ tịch hội không?”.
Đến bây giờ, gia tài “từ khóa” văn chương của nhà văn Hồ Duy Lệ đã đầy lên nhiều, với một loạt tập bút ký giành được nhiều giải thưởng ở Trung ương và địa phương, như “Những người sót lại”, “Mười Chấp và một thời”, “Không có gì trôi đi mất”, “Dặm trường gian truân”, “Trụ lại” và mới nhất là một tập cũng liên quan đến cát: “Quê cát”, được xuất bản tháng 3.2021.
Bên cạnh những tên tuổi ấy, nhiều văn nghệ sĩ khác của xứ Quảng, ở đất Quảng cũng có được những “từ khóa” văn nghệ ấn tượng. Ví như, nói đến Nguyễn Tấn Sĩ là nhiều người nhắc ngay đến tập thơ “Mặt trời và cơn khát” xuất bản cách đây hơn 30 năm.
Nhắc đến Nguyễn Tam Mỹ, “từ khóa” đầu tiên nhiều người đề cập là “Tiếng chim không báo điềm lành” và một loạt “từ khóa” khác mà anh có được trong những năm sau này, như “Ma và người”, “Sấp ngửa bàn tay”, “Tứ trụ kình thiên”... Với Lê Trâm, ấn tượng nhất, được nhiều người nhớ nhất vẫn là “Lai lịch một thành hoàng”, “Tí cô nương” và gần đây là “Đêm nguyệt bạch”, “Phía gió biển không còn ai”...
Làm giàu thêm “từ khóa” văn nghệ quê nhà
Với đội ngũ văn nghệ sĩ ngày càng đông đảo, giàu đam mê và từng bước chuyên nghiệp hơn trong hoạt động sáng tác, kho “từ khóa” văn nghệ xứ Quảng cũng đang đầy lên. Trong đó, có những “từ khóa” là thành quả của tập thể, chẳng hạn như các vở diễn “Chuyện tình bên dòng sông Thu”, “Một thời đất lửa”, “Nỗi đau tình mẹ”... của Đoàn Ca kịch Quảng Nam; tập ca khúc “Xứ rượu hồng đào” của Chi hội Âm nhạc, công trình sách ảnh “Ảnh nghệ thuật đất Quảng” của Chi hội Nhiếp ảnh...
Vừa góp cho cái chung, nhiều văn nghệ sĩ Quảng Nam đã lặng lẽ và bền bỉ sáng tác, từng bước tạo “từ khóa” cho riêng mình. Sau hơn 20 năm chơi ảnh, Trần Tấn Vịnh có được những “từ khóa” gắn liền với sự công phu, bề thế qua các công trình sách ảnh: “Hương sắc bản làng”, “Tam Kỳ làng và phố”, “Người Cơ Tu ở Việt Nam”. Đặng Kế Đông gắn liền với ý tưởng về tinh thần hội nhập qua sắc diện tươi mới, trẻ trung của cuộc sống trên “nền” của một Hội An cổ kính ở tác phẩm “Đông Tây hội ngộ”.
Với nhà điêu khắc Nguyễn Văn Hàm, “từ khóa” có phần khái quát hơn khi mà người yêu nghệ thuật nhớ đến anh ở thế mạnh là điêu khắc tượng gỗ tròn... Ở địa hạt văn học, có người chọn sự góc cạnh để tạo tác vóc dáng thi ca cho mình, như Đỗ Thượng Thế với “Dưới tấm trần rỉ mưa”, “Trích tôi”.
Bằng sự điềm đạm và suy tư miên man, Nguyễn Giúp định danh cho mình với “Gió từ sông thổi lên”, “Thiên nga bay đi”, trong khi Phạm Tấn Dũng xác lập mình bằng lao xao “Phía sóng” và những thao thức không nguôi ở “Nhật ký gió cuốn”...
Ngoài ra, còn có thể kể thêm khá nhiều những cái tên gắn liền với những “từ khóa” khác, như Trương Vũ Thiên An với “Tạ”, Huỳnh Minh Tâm với “Cánh đồng và dòng sông”, Mai Thanh Vinh với “Khát trăng”, Phương Dung với “Phía tàn tro”, Nguyễn Tấn Ái với “Bùa yêu”...