(Xuân Đinh Dậu) - Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã chỉ ra cụ thể những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng. Mỗi cán bộ, đảng viên đều phải tự soi mình, từ đó mà uốn nắn, tu dưỡng, rèn luyện để khắc phục, tiến bộ.
Cán bộ chủ chốt của tỉnh dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng Đảng. Ảnh: NG.ĐOAN |
Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Lê Văn Dũng: Xử nghiêm cán bộ tha hóa, biến chất
Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy về công tác cán bộ đặt ra yêu cầu đổi mới mạnh mẽ việc nhận xét, đánh giá cán bộ, với tinh thần “sát người, sát việc”, thông qua nhiều kênh và phát huy trách nhiệm của tập thể, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương. Kết quả đánh giá cán bộ năm 2016 cho thấy, qua cách làm, phương pháp làm đã thể hiện rõ trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu đối với công tác đánh giá cán bộ hiện nay. Việc tổ chức đánh giá cán bộ cũng đã có sự cởi mở, khách quan, công tâm và đi vào thực chất hơn. Kết quả này là thắng lợi bước đầu, góp phần tạo niềm tin cho cấp ủy, cán bộ, đảng viên đối với công tác đánh giá cán bộ của tỉnh trong giai đoạn mới.
Trong thời gian đến, Quảng Nam nêu cao quyết tâm, tiếp tục kiên trì, thực hiện đến nơi đến chốn, hiệu quả tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng Đảng. Quảng Nam xem đây là một giải pháp quan trọng để khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác tổ chức xây dựng Đảng; đánh giá cán bộ, công chức; xây dựng kỷ cương, kỷ luật hành chính và ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên.
Theo tôi, các cấp ủy, tổ chức đảng phải thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng nhằm chấn chỉnh, xử lý nghiêm đối với các trường hợp có dấu hiệu vi phạm, nhất là “nói không đi đôi với làm”; cũng như khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Đảng. Đặc biệt, phải xử lý nghiêm khắc đối với một bộ phận cán bộ, đảng viên bị tha hóa, biến chất. Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), các cấp ủy, tổ chức đảng của tỉnh cần chú trọng thực hiện tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong Đảng; phải xem đây là vũ khí sắc bén, hữu hiệu trong việc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái đã được chỉ ra. Đồng thời người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp hết sức quan tâm, dành thời gian thỏa đáng để thực hiện tiếp công dân, đối thoại với nhân dân nhằm lắng nghe, tiếp nhận thông tin, vụ việc và tập trung chỉ đạo xử lý, giải quyết dứt điểm, trả lời kết quả cho người dân biết, nhất là đối với vấn đề bức xúc, nổi cộm, liên quan đến cán bộ, đảng viên. Ngoài ra, cần tổ chức tốt việc khảo sát lấy ý kiến đánh giá về sự hài lòng của người dân đối với cơ quan, cán bộ, công chức được giao giải quyết các thủ tục hành chính và có hình thức xử lý đối với những trường hợp có chỉ số hài lòng thấp... NGUYÊN ĐOAN (ghi)
Ông Thái Bình - Bí thư Đảng ủy Khối các Cơ quan tỉnh: Cụ thể hóa chuẩn mực đánh giá
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã nhận diện 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Qua đó đề ra 4 nhóm nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để ngăn chặn, đẩy lùi. Trước đây, ở Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) Đảng cũng đã đề cập vấn đề này, nhưng việc nhận diện còn chưa rõ.
Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh hiện có 65 tổ chức cơ sở đảng, với gần 3.800 đảng viên. Để triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đạt hiệu quả, trước mắt phải tổ chức quán triệt nghị quyết sâu rộng đến đảng viên toàn đảng bộ. Cùng với đó, Ban Chấp hành Đảng bộ Khối sẽ có chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Quan điểm là lấy việc học tập và làm theo gương Bác để ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống. Để cụ thể và có “sản phẩm” rõ ràng, đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ các giải pháp. Bước đầu, Đảng ủy Khối sẽ nghiên cứu và cho ra đời bộ khung quy chuẩn cơ bản để thực hiện Chỉ thị 05 và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) phù hợp với đặc điểm của đảng bộ. Qua đây, các cơ sở đảng sẽ vận dụng và cụ thể thành những chuẩn mực riêng theo nhiệm vụ chính trị của đơn vị mình. Từ đó, hàng tháng, hàng quý, 6 tháng, hàng năm, cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng căn cứ tiêu chí để đánh giá việc làm được và chưa được.
Mục đích cuối cùng của việc triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Chỉ thị 05 là để cán bộ, đảng viên vững về chính trị và tư tưởng, thống nhất về ý chí và hành động, trong sạch về đạo đức lối sống và nghiêm minh về kỷ cương, kỷ luật. Để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng Đảng trong thời gian tới, Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh sẽ chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, đưa nội dung Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với Chỉ thị 05 vào sinh hoạt chi bộ định kỳ để thường xuyên nắm bắt tình hình, tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên. Đồng thời quản lý chặt chẽ cán bộ, đảng viên và tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tổ chức triển khai và cụ thể hóa nghị quyết để kịp thời phát hiện, ngăn chặn những biểu hiện suy thoái. Quan trọng nhất là từng tổ chức đảng phải có kế hoạch thật cụ thể, từng cá nhân cán bộ đảng viên, nhất là người đứng đầu phải tự liên hệ bản thân gắn với việc “Học tập, làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” để tự “gột rửa” mình. VINH ANH (ghi)
Đại tá Phạm Văn Ngạnh - nguyên Phó Chỉ huy trưởng Chính trị Bộ đội Biên phòng Quảng Nam (72 tuổi, khối phố Mỹ Thạch Tây, phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ): Chống tham nhũng cần tránh việc “đánh trống bỏ dùi”
Tôi rất hoan nghênh và đánh giá cao sự ra đời của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) trong bối cảnh, tình hình hiện nay. Nếu Đảng không kịp thời có những biện pháp mạnh tay thì lòng tin của nhân dân sẽ bị xói mòn. Đây cũng là bước để ngăn chặn, răn đe những mầm mống tiêu cực trong cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, vấn đề là khâu tổ chức thực hiện, quan trọng là làm thế nào để tạo sự chuyển biến sâu sắc, thực chất chứ đừng “đánh trống bỏ dùi”, lúc triển khai thì rầm rộ, càng về sau thì lắng dần. Những tiêu cực, sai phạm nếu phát hiện ra cần phải khẩn trương xử lý kịp thời, không được nương nhẹ nâng đỡ dù ở cấp nào. Liên quan đến cán bộ, trên phải sửa trước để làm gương cho dưới, trung ương phải xử lý trước rồi mới đến địa phương. Đồng thời phải thu hồi toàn bộ tài sản tham nhũng, bị thất thoát cho Nhà nước. VINH ANH (ghi)
Ông Nguyễn Quang Mạnh - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Duy Xuyên: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng bắt đầu từ công tác cán bộ
Điểm nhấn của Duy Xuyên trong chỉnh đốn Đảng là tập trung xây dựng lực lượng cán bộ đảng viên vừa có tâm vừa có tầm, kiên quyết làm trong sạch đội ngũ. Thời gian qua, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, Ban Thường vụ Huyện ủy Duy Xuyên tập trung chỉ đạo triển khai nghiêm túc công tác kiểm tra, giám sát một cách chặt chẽ, không nể nang, xuê xoa; việc thi hành kỷ luật trong Đảng được thực hiện đúng quy trình, khách quan, công minh, chính xác, kịp thời. Riêng trong năm 2016, cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp đã tổ chức 346 cuộc kiểm tra, 75 cuộc giám sát chuyên đề, qua đó đã tiến hành xử lý kỷ luật 20 đảng viên vi phạm, trong đó cách chức 1 đảng viên, khai trừ khỏi Đảng 3 đảng viên.
Nối tiếp tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 vừa được Bộ Chính trị khóa XII ban hành, trong năm 2017 và những năm tiếp theo, Ban Thường vụ Huyện ủy Duy Xuyên sẽ triển khai quyết liệt hơn nữa công tác xây dựng Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Huyện cũng đã xây dựng và thực hiện kế hoạch luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2016 - 2020, đến nay đã luân chuyển được 3 cán bộ từ huyện về xã. Đồng thời tiếp tục tập trung rà soát, bổ sung đề án quy hoạch cán bộ và đánh giá nghiêm túc công tác đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, sử dụng cán bộ…, xem đây là yếu tố hàng đầu trong xây dựng Đảng. HOÀI NHI (ghi)
Ông Bh’riu Quân - Bí thư Đảng ủy xã A Tiêng (Tây Giang): Loại bỏ cán bộ suy thoái
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), theo tôi việc kiểm tra, giám sát, kỷ luật phải được chú trọng và nghiêm túc triển khai đồng bộ mới hạn chế sai phạm trong cán bộ, đảng viên. Đồng thời đẩy mạnh việc học tập và làm theo gương Bác Hồ ở các cấp, nhất là ở cơ sở, để cán bộ, đảng viên tự đấu tranh với tư tưởng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Ngoài ra, cũng cần xây dựng và hoàn thiện thêm nhiều cơ chế chính sách phù hợp, đảm bảo lợi ích, nhu cầu phục vụ Đảng và Nhà nước, hạn chế tình trạng lợi dụng sự sơ hở chính sách để trục lợi trong cán bộ, đảng viên. Đảng phải kiên quyết loại bỏ cán bộ, đảng viên không phục vụ lợi ích chung của nhân dân, mà chỉ lo vun vén cho cá nhân, thân thế dòng tộc. ĐĂNG NGUYÊN (ghi)
Luân chuyển, hiệu quả kép Điều động, luân chuyển cán bộ đã giúp các địa phương thử thách, đào tạo cán bộ. Đồng thời việc đưa cán bộ về cơ sở đã tạo nguồn cán bộ lãnh đạo chất lượng cho các địa phương.
Ông Phạm Văn Đốc - Bí thư Huyện ủy Tiên Phước chia sẻ: “Gần đây chúng tôi có điều động 3 cán bộ về các xã. Điểm chung là chúng tôi chọn những người có năng lực và đưa về giữ chức danh lãnh đạo ở các xã còn có mặt hạn chế. Một mặt để “vực dậy” những địa phương này, một mặt là thử thách cán bộ. Và thực tế là các xã này đã có chuyển biến mạnh mẽ, có trường hợp từ một xã yếu kém trở thành xã dẫn đầu phong trào thi đua của huyện. Khi chúng tôi điều động cán bộ về giữ chức danh lãnh đạo một số ban, ngành của Đảng, chính quyền thì họ hoàn toàn xứng đáng và huyện cũng có được đội ngũ cán bộ chất lượng”. Tại Phú Ninh, từ năm 2010 đến 2015 đã luân chuyển 14 cán bộ về giữ chức danh lãnh đạo chủ chốt ở các xã, thị trấn. Và sau thời gian luân chuyển phần lớn cán bộ đều được đề bạt giữ chức danh cao hơn ở huyện phù hợp với khả năng, trình độ của cán bộ. Tương tự, Núi Thành cũng đã đưa nhiều cán bộ về cơ sở thử thách trước khi bổ nhiệm giữ chức danh lãnh đạo chủ chốt của huyện. “Trong 5 năm qua, chúng tôi đã luân chuyển 12 cán bộ, trong đó có 7 cán bộ về giữ chức danh bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch các xã, thị trấn. Điều đáng mừng là khi về cơ sở nhiều cán bộ đã “ghi điểm” với nhân dân ở địa phương. Tại Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI vừa qua có 5 cán bộ sau khi luân chuyển về xã, thị trấn được bầu vào Huyện ủy và 3 đồng chí được bầu vào Ban Thường vụ Huyện ủy” - Bí thư Huyện ủy Núi Thành Nguyễn Tri Ấn cho biết. Lãnh đạo các địa phương cho hay, từ thành công của công tác luân chuyển cán bộ sẽ đẩy mạnh việc đưa cán bộ trẻ, có năng lực về cơ sở cọ xát để trưởng thành. Đó cũng là phương pháp hiệu quả, quan trọng nhất trong công tác đào tạo cán bộ. Ông Phạm Văn Đốc - Bí thư Huyện ủy Tiên Phước nói, để công tác luân chuyển, điều động cán bộ về cơ sở thành công, Ban Thường vụ Huyện ủy đã làm công tác tư tưởng, động viên cán bộ trẻ trước khi đưa về cơ sở. Tương tự, ông Phan Xuân Quang - Bí thư Huyện ủy Đại Lộc cho biết, trong luân chuyển cán bộ, địa phương chú trọng đến cán bộ trẻ là nữ. Chủ trương của Huyện ủy Đại Lộc là mạnh dạn giao việc cho cán bộ nữ và luân chuyển về cơ sở nhiều hơn. “Sau khi đưa cán bộ về cơ sở, chúng tôi luôn quan sát, giúp đỡ họ trưởng thành chứ không để mặc cho cán bộ về cơ sở tự “bơi”. Đồng thời công tác quy hoạch phải được tính toán kỹ để có thể đề bạt cán bộ sau khi luân chuyển lên các chức vụ cao hơn một cách phù hợp. Làm tốt điều này, tôi tin rằng công tác luân chuyển là cách chuẩn bị nguồn cán bộ lãnh đạo đủ năng lực, có thể đáp ứng yêu cầu phát triển của mỗi địa phương trong tương lai” - Bí thư Huyện ủy Núi Thành Nguyễn Tri Ấn nhận định. (ĐOÀN ĐẠO) |