Từ lễ tế xuân đến kỳ yên

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG 04/03/2017 09:44

Các nghi lễ văn hóa tâm linh ở làng xã thường tập trung trong 4 chữ “xuân kỳ thu tế” - nghĩa là mỗi năm có hai ngày lễ tế vào mùa xuân và mùa thu ở đình làng, miễu xóm hoặc nhà thờ các tộc họ…

Lễ kỳ yên ở một đình làng.
Lễ kỳ yên ở một đình làng.

Vào mùa xuân, từ tháng Giêng đến tháng Hai thường có lễ tế xuân, có nơi là lễ kỳ yên. Tôi thường đi về các vùng quê Đại Lộc, Điện Bàn và thường gặp những lễ cúng trang trọng này. Nhưng để hiểu đầy đủ, cũng cần đọc thêm nhiều tài liệu…

Trong sách Gia Định thành thông chí (mục Phong tục chí), Trịnh Hoài Đức có giới thiệu về lễ kỳ yên ở Nam Bộ: “Mỗi làng có dựng một ngôi đình, ngày cúng tế phải chọn cho được ngày tốt, đến buổi chiều ngày ấy lớn nhỏ đều nhóm tại đình, họ ở lại suốt đêm ấy, gọi là túc yết. Sáng ngày mai học trò lễ mặc áo, mão, gióng trống khua chiêng làm lễ chánh tế, ngày sau nữa làm lễ dịch tế, gọi là đại đoàn, lễ xong lui về…”. Theo Phan Kế Bính, ở đồng bằng sông Hồng, hàng năm các làng tổ chức tế kỳ phúc (cầu an, cầu phước), từ ngày 10 tháng 2 đến 15 tháng 2 với nghi thức và nội dung giống hệt như kỳ yên ở miền Nam - Lễ tháng 2 là tế kỳ phúc còn gọi là “xuân tế”.

Hiện nay, các nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng ở nhiều nơi lễ kỳ yên cũng được tổ chức trong ba ngày, gồm nhiều lễ tế khá phức tạp, trong đó có ba lễ chính là túc yết, đàn cả (quan trọng nhất) và lễ tế tiền hiền, hậu hiền. Tuy mỗi nơi có thể khác về giờ giấc, thứ tự và chi tiết, nhưng thường thì các lễ được tiến hành đại để như sau: Ở lễ kỳ yên, phần lễ chiếm phần quan trọng hơn phần hội. Các đối tượng cúng lễ là một tập hợp thần linh đông đảo không chỉ riêng có thần Thành hoàng Bổn cảnh. Lễ này là dịp để dân làng họp mặt, bàn chuyện, vui chơi. Những tục lệ này nhằm thắt chặt tình cộng đồng. Lễ kỳ yên thu hút đông đảo nhân dân quanh vùng quy tụ về với các lễ vật (hoặc ủng hộ bằng tiền thông qua một đêm hát bội), cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, mùa màng thuận lợi... Do vậy, nhìn chung ta thấy lễ kỳ yên mang hai ý nghĩa: vừa tưởng nhớ các bậc tiền nhân có công khai phá dựng xây làng xã, vừa cầu mong “ơn trên” cho dân làng một cuộc sống yên lành, no đủ.

Theo các cụ già, lễ kỳ yên ở miếu làng cũng như lễ ở đình ngày xưa do một ban cổ lễ gồm các vị bô lão, hội đồng chư tộc trong làng đứng ra chủ trì, gọi Ban quý tế. Sau lễ tế cáo trời đất, cung thỉnh thánh thần, nguyện cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu…, một vị cao niên nhất trong làng được mời làm Chấp sự khởi lễ Xây chầu, đánh ba hồi trống, xướng lời cầu phúc cho dân làng. Với lòng cầu mong ấy, sau các hồi chiêng trống, vị chủ bái thường bắt đầu phần nghi lễ với bài xướng:

Nhất sái thiên thanh (Trời thêm thanh bình)
Nhị sái địa linh (Đất thêm tươi tốt)
Tam sái nhơn trường sanh (Người được sống lâu)
Tứ sái quỷ diệt hình (Quỷ dữ bị tiêu diệt).

Đọc xong, chủ bái đánh ba hồi trống rồi xướng: "Ca công tiếp giá". Đến đó, các nhạc công, diễn viên bắt đầu trình diễn các trích đoạn tuồng tương ứng. Ở làng tôi, thường là các trích đoạn Tam Tài nên được các cụ già gọi là lễ cúng Phúc Lộc Thọ trong phần lễ Đại Bội tượng trưng cho nghi thức mở cửa trời và Xoang Nhật Nguyệt, tượng trưng quá trình thái cực tạo ra lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh ra trời đất, có âm dương rồi âm dương hòa hợp sinh ra vạn vật…, để cầu quốc thái dân an, thiên hạ thái bình…

Vào một hay hai đêm sau lễ chính, các làng ở Quảng Nam thường mời các đoàn tuồng tên tuổi về hát các tuồng cổ, có tính nhân văn cao, nội dung có hậu để dân làng đến thưởng thức và đóng góp quỹ chung của làng. Bà con dân làng đi làm ăn xa cũng được mời về trong dịp này. Nhiều người già trong làng có khi không cần xem diễn, vì phần lớn đã biết tuồng tích, mà ngồi xa để nghe tiếng trống chầu và lời hát của các diễn viên. Tiếng trống chầu dồn dập ở mỗi đoạn tuồng hay thường gây được không khí phấn chấn, tạo ra niềm phấn khích, hy vọng trong những ngày đầu năm ở mỗi làng…

Trong khi đó, ở các nhà thờ tộc họ, từ rằm tháng Giêng, việc cúng tế theo nghi thức tế xuân cũng diễn ra nghiêm trang với các lễ vật được định sẵn. Sau phần chiêng cổ, vị chánh bái hoặc người được phân công đọc văn cúng trước tổ tiên. Đại diện con cháu các đời từ lớn đến nhỏ sau lễ đến cung kính dâng hương để cầu mong tổ tiên độ trì cho một năm mới bình an, tấn tới cho toàn gia tộc và gia đình mình…

Các nhà nghiên cứu văn hóa ngày nay đều nhận định lễ cúng kỳ yên hoặc tế xuân là một nghi lễ văn hóa mang tính nhân văn cần được gìn giữ, phát huy. Bởi, bên cạnh yếu tố tâm linh, nó còn là cơ hội để mọi cá nhân thuộc về cộng đồng gặp gỡ, giao lưu… tạo nên tình đoàn kết từ dòng tộc đến mỗi thôn xóm.

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Từ lễ tế xuân đến kỳ yên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO