(Xuân Nhâm Dần) - Cách đây tròn 20 năm (năm 2002), lần đầu tiên trên cả nước xuất hiện một chủ trương rất nhạy bén và phù hợp thực tiễn, tạo sự đồng thuận lớn trong các tầng lớp xã hội. Đó là chủ trương về “sưu tầm, khai thác, sử dụng những tư liệu quý về đề tài chiến tranh cách mạng” của Tỉnh ủy Quảng Nam.
Nói như ông Vũ Ngọc Hoàng - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam lúc bấy giờ: “Ý đồ là làm văn hóa để xây lòng yêu nước, tinh thần dân tộc và nghĩa đồng bào... nên chủ trương ấy của Tỉnh ủy Quảng Nam mang tính nhân văn rất cao”.
Quyết sách nhân văn
Trong chiến tranh, trên mảnh đất Quảng Nam có rất nhiều tư liệu về tinh thần yêu nước, nghĩa đồng bào, sự anh hùng, khí tiết, kiên cường, bản lĩnh, gan góc… và đều là những tư liệu rất quý. Sau ngày chia tách tỉnh, phần lớn tư liệu đã có đều để lại cho Đà Nẵng quản lý, lưu giữ, khi cần Quảng Nam sẽ sao chép, sử dụng.
Tuy nhiên, lúc bấy giờ, Tỉnh ủy Quảng Nam nhận thấy cần thiết phải chủ động trong việc sưu tầm, lưu giữ và phát huy nguồn tư liệu này để phục vụ nhiệm vụ chính trị, giáo dục truyền thống cách mạng, phục vụ nghiên cứu lịch sử, bảo tồn bảo tàng của tỉnh. Ngoài ra, nhiều nhân chứng lịch sử tuổi cao, nếu không kịp thời triển khai sẽ không kịp ghi lại những hồi ức, câu chuyện, sự kiện lịch sử...
Theo thống kê, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tổ chức sưu tầm, sao chụp được hơn 7.000 trang tư liệu liên quan đến lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Quảng Nam.
Ban Chỉ đạo Chỉ thị 54 thẩm định nội dung, hỗ trợ kinh phí xuất bản các tập sách về đề tài chiến tranh cách mạng tiêu biểu.
Bao gồm: Nhật ký “Từ chiến trường Khu 5” của cố nhà văn Phan Tứ; bút ký “Cát đỏ” của tác giả Phạm Thông; truyện ký chiến tranh “Những đứa con vùng cát” của tác giả Trần Trúc Tâm; tập sách “Mật khu Đỗ Xá - Căn cứ Nước Là", “Quảng Nam trong ký họa thời kháng chiến” - Ban Tuyên giáo chủ trì; các tập ký sự “Kiên trung bất khuất” - tập VII, VIII, IX của Hội Tù yêu nước tỉnh, hàng chục bộ phim tài liệu lịch sử của Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Nam, hàng trăm bài báo mục Hồ sơ tư liệu Báo Quảng Nam...
Tháng 7.2002, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam ra Thông tri 11 về “Sưu tầm, khai thác, sử dụng những tư liệu quý về đề tài chiến tranh cách mạng”. Thông tri đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các tầng lớp xã hội, từ tỉnh đến cơ sở, nhất là các văn nghệ sĩ từng một thời chiến đấu trên chiến trường Quảng Nam.
Để khẳng định tính cấp bách và tầm quan trọng của vấn đề, ngay sau đó, chủ trương này đã được Tỉnh ủy nâng lên thành Chỉ thị 54, quyết liệt thực hiện việc thành lập Ban chỉ đạo, phương án tài chính, triển khai rộng khắp từ tỉnh đến tận xã, phường.
Ông Phan Xuân Quang - nguyên Phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam, thành viên Ban chỉ đạo Chỉ thị 54, chia sẻ: “Đây là chủ trương rất phù hợp với quan điểm tôn trọng, bảo tồn những giá trị lịch sử quý giá trong chiến tranh cách mạng. Chỉ thị 54 ra đời mang ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, góp phần tri ân thế hệ cha anh vì độc lập quê hương nên đã nhận được sự đồng thuận cao”.
Nhà văn Nguyễn Bá Thâm - nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật Quảng Nam, cho hay: “Điều cốt lõi của việc sưu tầm, khai thác những tư liệu quý về chiến tranh cách mạng là để lưu giữ lịch sử vùng đất, để trao truyền truyền thống anh hùng của ông cha trong sự nghiệp giữ nước cho các thế hệ sau”.
Viết để tri ân
Ngay sau khi chủ trương của Tỉnh ủy Quảng Nam ra đời, 18 tác giả là những văn nghệ sĩ - chiến sĩ trực tiếp chiến đấu, cầm bút trên chiến trường Quảng Nam giai đoạn 1954 - 1975 đã trình làng tập bút ký do Tỉnh ủy Quảng Nam chủ biên với tên gọi “Miền ký ức”.
Sách dày 500 trang gồm 33 bút ký khắc họa một giai đoạn ghi dấu nhiều sự kiện đáng nhớ của vùng đất Quảng Nam. “Miền ký ức” ra đời có sức lay động người đọc dù chiến tranh đã đi qua mấy chục năm.
TS. Vũ Ngọc Hoàng - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, người ký quyết định ban hành Thông tư 11 và Chỉ thị 54, cho rằng “Miền ký ức” là tác phẩm có chiều sâu, mang đậm tính nhân văn và như là “khúc dạo đầu” của câu chuyện sưu tầm, khai thác, sử dụng những tư liệu quý về đề tài chiến tranh cách mạng ở Quảng Nam.
Nhà văn Nguyễn Khắc Phục, một trong những người đầy duyên nợ với đất Quảng trong chiến tranh, khi tham gia thực hiện dự án phim tài liệu lịch sử "Mẹ Thu Bồn" của Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam, chia sẻ: "Với tôi, trở lại xứ Quảng để thực hiện những thước phim tư liệu về lịch sử chiến tranh cách mạng, tìm lại dấu vết một thời lửa đạn hệt như có tiếng gọi thiết tha từ trong quá khứ vọng về…”.
Tiếng gọi thiết tha ấy, dường như là mệnh lệnh trái tim, giục giã, hối thúc bàn chân các nhà văn từng giờ, từng ngày quay lại chiến trường xưa, vùng đất cũ, lần giở những trang đời thấm đẫm máu và nước mắt một thời.
Đó là Nguyễn Bảo đã cho ra đời tiểu thuyết "Đỉnh máu” và “Thượng Đức”; Nguyễn Bá Thâm với “Đi dọc đường biên”; Phạm Thông với “Cát đỏ”, “Ám ảnh vùng Đông”, “Con của biển” hay “Những bình thường lấp lánh”; Nguyễn Tam Mỹ với “Máu và tội ác”…
Nhà văn Phạm Thông cho rằng: “Thông tri 11 và Chỉ thị 54 như là đòn bẩy đối với tôi trong sáng tạo tác phẩm về đề tài chiến tranh cách mạng. Tôi viết và xuất bản nhiều bút ký là cách vừa hưởng ứng chủ trương vừa trả nghĩa cho đồng đội, đồng bào một thời lửa đạn…”.
Đặc biệt, nhà văn Hồ Duy Lệ, người suốt mấy chục năm sau ngày hòa bình vẫn không thôi lặn lội về chiến trường xưa, về miền cát trắng dọc dài vùng Đông để ghi chép và hoàn thành nhiều tác phẩm bút ký giàu giá trị nghệ thuật, trở thành nguồn tư liệu quý hiếm cho mai sau.
Chỉ riêng với Bình Dương - Thăng Bình, nhà văn có tác phẩm “Trụ lại” - Giải đặc biệt, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam. Cũng như nhiều người bước ra từ chiến tranh, nhà văn Hồ Duy Lệ luôn quan niệm rằng: “Những tư liệu chiến tranh, dẫu đang là tư liệu thô nhưng là tài sản vô giá của lịch sử Quảng Nam trong truyền thống đánh giặc giữ làng. Vì thế không được để trôi đi mất”.