Từ mâm ngũ quả nghĩ chuyện xa gần

NGUYỄN ĐIỆN NAM 23/01/2022 06:45

Tết Nguyên đán gần tới thềm hiên.

Chỉ còn tuần nữa mọi thứ trong nhà phải sắp xếp ngăn nắp đâu đó rồi chưng bày hoa quả rước ông bà về vui xuân. Bộn bề việc phải lo mà mẹ và chị lại nhắc kiếm 5 thứ quả về chưng trên bàn thờ.

Cũng lạ, “xưa bày nay bắt chước”, lệ tục tồn tại với tín ngưỡng không dễ bỏ. Vẫn là những thứ trái cây ấy, bày mâm ngũ quả theo tâm ý và ước mong, rồi đọc thành vần vè nghe hay hay.

Chẳng hạn 5 thứ “cầu – vừa - đủ  - sữa - xài” (mãng cầu (na), dừa (đọc trại thành vừa), đu đủ, vú sữa, xoài (gọi trại ra xài). Có địa phương thờ chuối (loại chuối mốc chứ không phải chuối hờn – lùn), vậy phải kết hợp ra sao nếu đọc trại ra “chúi”? Thì “chúi vừa, cầu đủ xài” (thêm dấu phẩy để ước mong tai ương ít thôi, mà tri túc khi “cầu đủ xài”,…

Ôi thôi là có bấy nhiêu thứ trái cây cứ ghép ra vần, cũng là vần xoay những ước mong bình dị đời người, không can chi! Nhưng điều cần là mâm ngũ quả phải trái cây đẹp, không bị sâu, không quá non và quá già, màu tươi tắn.

Xưa hay đi quanh xóm dặn xin, nay hầu hết ra chợ mua, cũng đắt. Chị tôi có mủng mãng cầu (na) còn xanh bưng ra chợ loáng cái bán hết, trái nào to đẹp cũng vài chục nghìn đồng, bán mươi lăm trái sắm được thêm ký thịt về ăn tết.

Tết nhứt, tức cái chi cũng nhứt, ưu tiên, giá tốt. Chỉ mỗi hoa và cây cảnh, rau xanh thì tùy thời, tùy sức mua nên có khi ế, nhưng trái cây cách gì cũng kiếm được trái bưởi hoặc trái dừa mà thờ, độc quả cũng được, vậy nên nhà nghèo cũng hay nói mạt chi cũng nải chuối bình bông cúng ông bà.

Vậy đó là tết Quảng và hẳn nhiều vùng quê khác cũng gần thế, na ná rứa. Điều muốn nghĩ chuyện xa nữa là trong xứ sở nhiệt đới này, trái cây luôn gắn liền miền ẩm thực đặc trưng, kể ra đã vô vàn.

Ăn chín (chuối, na, chôm chôm…), ăn xanh (dừa, dưa leo, chuối sứ xanh…). Vừa ăn xanh, vừa ăn chín (đu đủ, chuối lùn…). Có trái vừa ăn vừa chế thức uống (lòn bon, dâu, nho…). Có thứ chỉ để làm rượu (tà vạt, chuối hột chín).

Rồi bao nhiêu sáng tạo ra các thứ bánh trái còn dùng cả trái cây (mứt dừa, hạt điều, bánh mì thanh long…). Từ chuyện ăn uống đến đưa trái cây vào phong tục tập quán thờ cúng tổ tiên đó là bước chuyển qua miền tâm linh “sống sao thác vậy”, để tưởng nhớ và nguyện cầu muôn thuở về nhân sinh an lạc.

Ở phía khác, xa hơn là kinh tế vĩ mô của quốc gia. Mấy năm vừa qua dịch giã hoành hành nhưng nông nghiệp vẫn làm “trụ đỡ” và nông sản - trong đó có rau củ quả, đã tìm đường xuất khẩu khá ngoạn mục.

Việt Nam hiện là thị trường xuất khẩu sản phẩm từ rau, trái cây, quả hạch hoặc các bộ phận khác của thực vật lớn thứ 9 toàn cầu. Ngoại trừ thị trường Trung Quốc còn tình trạng bị ách tắc do xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới, thì nhiều thị trường mới đã mở ra với hàng rau củ quả xứ Việt.

Nổi bật là thị trường châu Âu (EU), nhờ các hiệp định thế hệ mới có hiệu lực, ước tính kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam sang EU năm 2021 đạt 193,7 triệu USD, tăng 7,6% so với năm 2020.

Cơ cấu chủng loại hàng rau quả Việt Nam xuất khẩu sang EU khá đa dạng, lên tới 150 sản phẩm, trong đó có nhiều sản phẩm chế biến từ chanh leo, thanh long, mãng cầu, măng cụt, vải thiều, sầu riêng, chôm chôm, dừa, xoài…

Chung cuộc, có 6 nhóm hàng nông sản trong năm qua đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu hơn 3 tỷ USD, trong đó có 2 mặt hàng là hạt điều và rau quả. Như thế cần có chiến lược căn cơ để tiếp tục đẩy mạnh thương hiệu Việt trong xuất khẩu nông sản. Trái cây Việt không chỉ bằng lòng “cầu vừa đủ sữa xài” mà cần đa dạng hóa sản phẩm và thị trường để vươn ra toàn cầu. Đó là lời nguyện cầu bên thềm xuân mới!

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Từ mâm ngũ quả nghĩ chuyện xa gần
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO