Hoa cỏ hay viên thuốc bé xinh, tôi nghĩ chúng đều sinh ra để yêu thương loài người…
Do đặc thù nghề nghiệp, thỉnh thoảng nửa đêm, tôi lại nhận được tin nhắn: “Em ơi, nhóc con chị sốt/nôn/đau bụng, giờ làm gì đây em?”. Cũng do nguyên tắc nghề nghiệp, thường sau vài câu hỏi triệu chứng, câu trả lời tôi vẫn hay đưa ra là “lên viện kiểm tra”.
Càng lâu năm làm nghề, tôi càng nhận ra bệnh tật thật khó lường. Nhất là với con trẻ, nếu không thăm khám trực tiếp, khó có thể điều trị hay tiên lượng chính xác.
Chăm lo, nuôi lớn một đứa trẻ ngày nay, thật không dễ dàng. Chúng có thể ốm sốt, bị tổn thương và phải đi viện bất kỳ lúc nào. Với cấu trúc gia đình hạt nhân ít thành viên như hiện tại, một người đi viện nghĩa là nếp sinh hoạt của cả nhà bị đảo lộn.
Lần về quá khứ khoảng hai mươi năm trước, khi không có nhiều bệnh viện như bây giờ, lũ trẻ con chúng tôi ngày ấy cứ như cỏ dại.
Bị chàm hay ngứa, mẹ ra vườn hái lá khổ qua, lá ổi, nhọ nồi, đem về nấu một nồi nước tắm. Đứt tay? Mẹ kiếm chỗ góc bếp có nhện giăng, chọn cái mạng nhện màu trắng đắp lên tay để cầm máu.
Ăn bậy bị sình bụng? Mẹ nấu nước gừng ấm cho uống, rồi ra giàn trầu không của bà hái vài lá giã ra đắp lên rốn - “cho ấm bụng” - mẹ bảo thế.
Cứ vậy, những ốm sốt cảm xoàng của con, mẹ chỉ cần loanh quanh xó bếp hay vườn nhà, lúc nào cũng sẵn có giải pháp.
Những đứa trẻ dang nắng đầu trần, cứ thế hồn nhiên lớn lên, đi xa khỏi mảnh vườn của mẹ. Rồi chúng tôi học rất nhiều thứ xa lạ, cũng là những thứ mẹ chưa biết bao giờ.
Đứa trẻ tóc vàng khét nắng ngày xưa mỗi khi ho hay sổ mũi được mẹ nấu cho bát nước gừng lá tía tô với đường phèn ấm sực, giờ lại tần ngần khi kê một đơn thuốc trị ho với những loại thuốc tây y mà ngày xưa mẹ chưa từng dùng đến.
Năm ngoái, khi tôi tham gia Hội nghị Gan mật châu Á Thái Bình Dương tại Hàn Quốc, giữa những công trình nghiên cứu hoành tráng của các nước bạn được trình bày ở triển lãm, có một nghiên cứu của đồng nghiệp ở Trường Đại học Thái Nguyên nằm khiêm tốn trên một poster.
Đó là nghiên cứu về một loài cây dại có thể làm giảm men gan trong đợt viêm gan cấp. Và nghiên cứu đó đoạt giải Nghiên cứu triển vọng tại hội nghị.
Đông y và Tây y chưa bao giờ là mâu thuẫn. Mỗi khoảnh khắc khoa học tiến về phía trước, thì Đông y và Tây y lại xích gần nhau hơn.
Người Việt Nam nằm trên kho thuốc nam.
Thuốc ấy không nằm ở đâu xa lạ, chỉ quanh trong vườn nhà, trong bữa cơm, trên những cây mọc ngơ ngác trong vườn xưa, trên những cánh đồng đang chờ vào mùa vụ mới. Tất cả cây dại vẫn đang lặng lẽ sinh sôi trong vườn xưa của mẹ, đợi đến ngày có người tìm.
Tôi vẫn mơ giấc mơ xanh ngắt màu cỏ dại, rồi thả mình cho những giấc mơ lớn hơn. Đó có thể là những nghiên cứu xa hơn, cao hơn, không còn e dè kỳ thị hay thành kiến phân biệt giữa Tây y và Đông y. Vì hoa cỏ hay viên thuốc bé xinh, thì đều được sinh ra để yêu thương loài người…