“Cái vòng danh lợi cong cong,
kẻ hòng ra khỏi, người mong bước vào”
Ở đời, mấy ai đứng được ngoài vòng danh lợi?
Xưa, trong làng xã người ta thường nói “miếng thịt giữa làng bằng một sàng xó bếp”. Không đơn giản là miếng ăn, mà để nhận cái lợi phải có cái danh, danh nhiều khi còn cần hơn cả lợi. Được ra giữa làng ngồi một góc chiếu nhận miếng thịt là xem cái vị thế được coi trọng hơn kẻ cùng đinh hay dân ngụ cư.
Từ làng ra xã hội, cái danh cũng là khao khát dữ dội, nên đi học cũng phải cố đỗ ông nghè ông cống. “Đã mang tiếng đứng trong trời đất, phải có danh gì với núi sông” (Nguyễn Công Trứ) là khát vọng vẫy vùng, vươn lên sừng sững.
Nay, xã hội đã văn minh lắm rồi nhưng danh lợi vẫn là cái vòng kim cô với số phận nhiều người. Thăng quan, tiến chức, phát tài, thành đạt… chẳng phải là các câu chúc thường nhật đấy sao? Những chương trình tìm kiếm thần đồng, tài năng trên các lĩnh vực hoặc dạy “làm giàu không khó”, rồi tôn vinh đủ các danh hiệu sao nọ, tốp kia, càng khiến người ta nghĩ đến cái danh lợi vậy.
Ngay giới nghệ sĩ cũng mong muốn được xướng danh trên các giải thưởng lớn, được khắc tên trên đại lộ Danh vọng ở Hollywood, nơi vinh danh các ngôi sao tên tuổi thế giới. Sự cuốn hút đến nỗi một họa sĩ khuyết tật người Việt, được nước ngoài làm phim về cuộc đời rất cảm động, bỗng dưng cao hứng đùa rằng mình được vinh danh trên đại lộ ấy. Rần rần trên mạng, các báo (VTV3, VNExpress, VNN, Tuổi Trẻ...) nhảy vào đưa tin mà không kiểm chứng, rồi đồng loạt gỡ và cải chính.
Khao khát danh vọng không có gì là xấu nếu nó truyền cảm hứng nỗ lực vươn lên để khẳng định mình. Những tên tuổi được vinh danh trên trường quốc tế, từ các nhà khoa học đến văn nghệ sĩ, còn có ý nghĩa nâng tầm vị thế quốc gia, thể hiện niềm tự hào dân tộc. Tuy nhiên, nếu cố kiếm tìm danh vọng bằng hư huyền, thậm chí chạy chọt bằng mọi giá thì chỉ được cái danh hão. Người xưa khuyên phải “chính danh định phận” là vì vậy. “Chính danh” là biết khả năng, chức phận, trách nhiệm, nghĩa vụ của mình để làm đúng những chuẩn mực đạo đức cộng đồng và luân lý xã hội. “Thanh danh là hương thơm của những hành động anh hùng” (Socrate). Danh không chính thì ngôn không thuận.
Đi từ văn hóa làng xã, ít nhiều mang tư tưởng tiểu nông, nên vòng danh lợi đeo bám người Việt cũng mang bản sắc đặc trưng. Từ việc cố giành “miếng thịt giữa làng” bằng mọi giá nên xảy ra nạn xâu xé phe phái cường hào ở nông thôn ngày cũ. Di chứng qua thời hiện đại là muôn kiểu “chạy”, nhức nhối như chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp, chạy dự án, chạy khen thưởng,... Và có cả kiểu chạy như “con lươn, con chạch” để leo cao vào quy hoạch mà người đứng đầu Đảng, Nhà nước cùng đại biểu Quốc hội đã cảnh báo. “Lợi ích nhóm” len lỏi vào cả chính sách, tạo ra hoặc tận dụng sơ hở pháp luật để trục lợi.
Danh lợi là thứ đáng thèm, quen ăn khó bỏ. Cho nên có người không đủ đức tài, độ tín nhiệm rất thấp mà vẫn cố giữ chức quyền với cái danh không đúng phận, cái lợi không đáng hưởng. Biết là khuyên người khác buông bỏ những thứ mình không có là một thứ ảo tưởng nhưng làm sao cảm tình được khi thấy cái mặt họ vẫn trơ khấc nói không với từ chức?
Từ quan lộ đến đại lộ danh vọng, có ai tự dặn mình rằng “mua danh ba vạn bán danh ba đồng”? Những vụ án lớn gần đây thấy tầm cỡ quan to từng là ủy viên bộ chính trị, rồi hàng loạt tướng lĩnh, tổng giám đốc, doanh nhân cỡ bự sa lưới pháp luật phải hầu tòa, khóc lóc, càng cám cảnh giấc mộng lợi danh. Cho hay, người khát công danh như cụ Nguyễn Công Trứ mà đến khi về già cũng ngậm ngùi: “Chẳng lợi danh chi lại hóa hay/Chẳng ai phiền lụy chẳng ai rầy”.
NGUYỄN ĐIỆN NAM