Tìm tòi, sáng tạo những mẫu mã mới không chỉ giúp đa dạng hóa sản phẩm làng nghề mà cũng là cách để các cơ sở làng nghề ở Điện Bàn tồn tại, phát triển. Đây đang là hướng đi hiệu quả của một số cơ sở tại làng nghề đúc đồng Phước Kiều (xã Điện Phương) trước những cạnh tranh khốc liệt của thị trường.
Nghệ nhân Dương Ngọc Thắng bên chiếc trống đồng “khủng” của mình. Ảnh: V.LỘC |
1. Hồi đầu tuần, nghệ nhân Dương Ngọc Thắng - Giám đốc Công ty TNHH Làng đúc đồng Phước Kiều đã bàn giao phiên bản chiếc trống đồng Đông Sơn cho đối tác là chủ một khu du lịch tại Hà Nội. Với chiều cao 1,35m, đường kính 1,65m, nặng khoảng 1 tấn, nguyên liệu bằng đồng pha thiếc, trị giá 450 triệu đồng. Đây được xem là chiếc trống đồng lớn nhất hiện tại ở Việt Nam. Để hoàn thành tác phẩm này, gần 30 người thợ lành nghề đã phải làm việc liên tục 6 tháng. Trong đó, tốn nhiều thời gian nhất là khâu hoàn thiện để tạo ra tác phẩm có đường nét sắc sảo và trau chuốt. Đây không phải là sản phẩm “khủng” nhất của Công ty TNHH Làng đúc đồng Phước Kiều làm cho khách theo đơn đặt hàng. Trước đó, nghệ nhân Dương Ngọc Thắng cùng những người thợ của mình cũng đã đúc thành công cặp súng thần công bằng hợp kim có trọng lượng gần 5 tấn, dài 6,5m, đường kính đoạn to nhất của súng gần 1m, sản phẩm đang được trưng bày tại khu du lịch Bà Nà Hill Đà Nẵng.
Theo nghệ nhân Dương Ngọc Thắng, có một số sản phẩm công ty nhận theo đơn đặt hàng là do các cơ sở làng nghề khác giới thiệu đến vì những nơi này không đủ trình độ kỹ thuật để chế tác. Với kinh nghiệm của mình, Công ty TNHH Làng đúc đồng Phước Kiều đã trở thành địa chỉ để các đối tác tin tưởng đặt hàng. “Như chiếc trống đồng Đông Sơn này, ban đầu khách hàng liên hệ với một số làng đúc ở một tỉnh bắc miền Trung nhưng nơi đây không làm được phải giới thiệu vào Phước Kiều” - ông Thắng cho hay. Để xây dựng được niềm tin với khách hàng, thời gian qua bên cạnh những sản phẩm truyền thống đã trở thành thương hiệu làng nghề như cồng, chiêng, nồi niêu, xoong chảo…, Công ty TNHH Làng đúc đồng Phước Kiều còn sản xuất các mặt hàng nội thất, ngoại thất mỹ nghệ tinh xảo, lạ mắt như đèn lồng, khay đồng chạm trổ hoa văn, tượng phật, rồng, lân… Trong đó, nhiều sản phẩm đã gây được tiếng vang như trống, đài phun nước, bộ biểu tượng cung hoàng đạo, đồng hồ nước, nồi lư… Chính vì vậy, những năm gần đây công ty đã nhận được nhiều đơn đặt hàng khắp nơi, nhất là các khu du lịch, resort trong và ngoài nước. “Hiện tại chúng tôi đang thiết kế khuôn làm một cái chuông cao 2,45m, đường kính 0,95m, để đặt tại Nghĩa trang liệt sĩ Điện Bàn. Ngoài ra chúng tôi cũng đang thiết kế thêm một số mẫu sản phẩm mới khác” - ông Thắng cho biết thêm.
2. Trong kỳ Festival Di sản Quảng Nam diễn ra tháng 6 vừa qua, lần đầu tiên người xem đã được chiêm ngưỡng bộ “trống trời” của nghệ nhân Dương Quốc Thuần (làng đúc đồng Phước Kiều). Dù sản phẩm được làm ra từ hai năm nay nhưng đây là cơ hội lớn để bộ trống được nhiều người biết đến. Chia sẻ cơ duyên làm nên bộ sản phẩm, nghệ nhân Dương Quốc Thuần cho biết, năm 2015 có một nhóm nghệ sĩ người Pháp đến cơ sở của ông đặt hàng chế tác bộ trống đồng đạt chuẩn quy định của âm nhạc quốc tế. Để đáp ứng yêu cầu trên, ông chọn vật liệu chế tác từ vỏ bom bằng thép, vì theo ông thép vỏ bom rất tốt và sâu xa hơn là thông điệp ông muốn gửi gắm vào đó. “Từ một phương tiện chiến tranh gây ra bao chết chóc nhưng nay đã trở thành một dụng cụ âm nhạc để kết nối con người lại gần nhau” - nghệ nhân Dương Quốc Thuần giải thích thông điệp của từ “trống trời” (high drum).
Nghệ nhân Dương Quốc Thuần biểu diễn với “trống trời”. |
Bộ trống trời của nghệ nhân Dương Quốc Thuần gồm nhiều sản phẩm từ nhỏ đến lớn, trong đó chiếc lớn nhất có đường kính 50cm, nhỏ nhất đường kính 30cm. Hai năm qua, đã có gần 300 trống trời các loại được xuất ra thị trường, chủ yếu sang Pháp. Theo ông Thuần, một trong những lý do khiến các nghệ sĩ từ nước Pháp xa xôi tìm đến cơ sở ông đặt hàng, ngoài giá cả rẻ hơn bên châu Âu còn do khả năng thẩm âm khá chính xác và đạt chuẩn, điều này đã được các khách hàng người Pháp kiểm định qua máy thẩm âm trước khi nhận hàng. “Thông thường khách đưa bộ ký hợp âm và dựa trên đó mình sẽ chế tác trống theo yêu cầu. Với mỗi trống là một hợp âm, hiện nay đã có khoảng 300 chiếc trống được chế tác, tương đương 300 bộ hợp âm đã ra đời tùy yêu cầu của khách” - ông Thuần nói.
Theo nghệ nhân Dương Quốc Thuần, để đúc một bộ trống trời đạt yêu cầu không đơn giản, ngoài quá trình tôi luyện thì việc cân chỉnh, phân biệt âm điệu trong mỗi cỡ trống càng khó hơn, đòi hỏi người làm phải có đôi tai “thiên bẩm”, nắm bắt được âm thanh và phần hồn của nó. Mỗi bộ trống được đúc thành công đều trải qua quá trình thẩm âm tùy theo âm trong hay đục. Dụng cụ chỉnh âm gồm một chiếc đe, một chiếc búa, một chiếc dùi và… đôi tai. Cứ thế, trống nào bị lạc âm, tịt âm đều được ông chỉnh sửa để tìm lại thanh âm chuẩn xác.
3. Có thể thấy, mở hướng làng nghề đã không dừng lại ở các chính sách khuyến công của nhà nước mà phụ thuộc rất lớn vào sự nỗ lực của mỗi cơ sở, làng nghề trong việc nâng cao kỹ thuật, tìm kiếm thị trường, sáng tạo sản phẩm mẫu mã mới nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng. Thành công từ câu chuyện những sản phẩm mới, lạ của làng đúc Phước Kiều không chỉ giúp duy trì hoạt động làng nghề mà còn góp phần nâng thương hiệu làng nghề lên tầm cao mới. Đó cũng chính là một trong hướng đi cho những làng nghề truyền thống khác trong tỉnh tham khảo để tồn tại và phát triển bền vững trước những sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường hiện nay cũng như trong những năm tới.
VĨNH LỘC