Tạm biệt Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại Đà Nẵng - Yakabe Yoshinori nhân chuyến thăm xã giao, chào kết thúc nhiệm vụ tại Việt Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh lấy ra từ hộp quà được chuẩn bị sẵn một chiếc áo thổ cẩm của đồng bào Cơ Tu, trong niềm vui và ngỡ ngàng của vị khách quốc tế.
“Đây là món quà tôi đặc biệt chuẩn bị để tặng ông và phu nhân như một lời chào tạm biệt, ghi nhận những đóng góp của ông với Quảng Nam thời gian qua.
Chiếc áo thổ cẩm này là trang phục truyền thống của đồng bào Cơ Tu - một dân tộc thiểu số ở Quảng Nam, được tổ chức Cứu trợ và phát triển quốc tế FIDR (Nhật Bản) hỗ trợ phục hồi làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chia sẻ, rồi tự tay giúp “người bạn” Yakabe Yoshinori mặc chiếc áo lên người.
Trong câu chuyện được chia sẻ trước đó, ông Thanh nói, lãnh đạo tỉnh luôn ghi nhận những tình cảm, nỗ lực đóng góp của cá nhân ông Yakabe Yoshinori, cũng như các tổ chức, đơn vị doanh nghiệp của Nhật Bản cho sự phát triển của Quảng Nam.
Món quà vừa được gửi trao, là bộ sắc phục truyền thống Cơ Tu được dệt bởi chính bàn tay của các nghệ nhân địa phương, như một niềm tri ân với những người bạn Nhật cho hành trình phục hồi các làng nghề truyền thống của miền núi xứ Quảng. Đặc biệt là nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Cơ Tu được vực dậy, góp phần tạo sự lan tỏa các giá trị văn hóa phi vật thể, trở thành sản phẩm lưu niệm độc đáo cho du khách...
Từ câu chuyện của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, làm tôi nhớ đến nụ cười của các nghệ nhân Cơ Tu ở Hợp tác xã dệt thổ cẩm Za Ra (Nam Giang) trong lần gặp ít ngày trước.
Hôm đó, một đoàn du khách tìm đến ngỏ ý tham quan không gian làng dệt truyền thống. Ngay lập tức, “chủ xị” của hợp tác xã, là chị Nguyễn Thị Kim Lan huy động lực lượng, phục vụ du khách.
Trên sạp nứa nhà sàn, hàng chục nghệ nhân, đều là phụ nữ Cơ Tu ngồi ngay ngắn, khéo léo trình diễn kỹ thuật dệt tạo nên hình hài thổ cẩm truyền thống trong sự ngạc nhiên của khách.
Các sản phẩm thổ cẩm, túi Ađhir và một số quà lưu niệm được trưng bày cạnh đó. Tất cả, được làm ra từ chính đôi bàn tay tài hoa của nghệ nhân ở làng.
Nhưng, Hợp tác xã dệt thổ cẩm Za Ra chỉ là một trong số “hình mẫu” được dựng nên bởi sự góp sức của tổ chức Cứu trợ và phát triển quốc tế FIDR (Nhật Bản).
Rất nhiều dự án đã và đang được triển khai, mở ra cơ hội để đồng bào miền núi vực dậy làng nghề truyền thống, trong đó có nghề dệt thổ cẩm.
Đây được xem là “lợi ích kép” vừa giúp các làng nghề phục hồi giá trị văn hóa, vừa tạo ra cơ hội nâng cao thu nhập từ chính sản phẩm truyền thống cho đồng bào vùng cao, thông qua dự án hỗ trợ của những người bạn Nhật Bản…