Một nghiên cứu sinh từng tu nghiệp ở Nhật 8 năm kể câu chuyện bài tập về nhà cho học trò. Rằng, một người cha hỏi con: Bài tập về nhà hôm nay là gì; con trả lời: Hãy sưu tập những cái ôm của người thân.
Nghe vậy, ông liền ngưng công việc dang dở để chạy lại dang tay ôm con mình. Hôm sau, người cha cũng hỏi lại câu đó, con nói cô giáo không ra bài tập mới mà chỉ sửa lại bài tập hôm qua. Và đứa con kể có bạn trong lớp khi cô hỏi đã trả lời không sưu tập được cái ôm nào, vậy là cô bỏ ngay sách vở xuống, chạy đến rưng rưng ôm học trò mình.
Câu chuyện ngắn vậy mà tạo ra nhiều suy tưởng. Ra đề bài rất lạ, kiểu cô giáo “sửa bài” thú vị lạ (nhất là so với học hành ở ta). Nhà trường và phụ huynh đồng cảm với kiểu giáo dục đó cũng là lạ. Nhưng hơn cả là truyền đi thông điệp lớn về sự chia sẻ lòng nhân ái, đồng cảm trong giao tiếp xã hội thông qua môi trường giáo dục thân thiện.
Còn chuyện giáo dục xứ mình thì sao? Mùa hè năm nay học trò không ngơi nghỉ vì ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng còn rối vì trạng thái “bình thường mới” mà vẫn vận hành kiểu cũ khi chương trình tua đi tua lại còn nặng. Phải tới tiết Lập Thu, học trò cuối cấp THPT mới vào mùa tốt nghiệp, lại thêm nỗi lo bời bời vì nhiều trường đại học công bố mức học phí mới cao chót vót khi có ngành tăng gấp 5 lần mức hiện tại. Điển hình là Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh, học phí bình quân 48 triệu đồng/năm, mức cao nhất là ngành răng hàm mặt 70 triệu đồng/năm (theo báo Tuổi trẻ). Mức đó, con nhà nghèo có còn răng theo học được không?
Nhớ lại con đường tìm kiếm cái chữ thời quá khứ từng đè nặng lên vai học trò, phụ huynh và cả những người thầy chân chính vì nghèo. Như ở Quảng Nam có thầy Trần Trực, 35 năm gắn với vùng núi tây bắc, từng kể một kỷ niệm buồn về năm học 1998 - 1999, có một học sinh bị đau nghỉ dài ngày, thầy cùng giáo viên chủ nhiệm lớp đến thăm và tìm hiểu hoàn cảnh của gia đình em. Để đãi thầy, phụ huynh làm thịt con gà mái. Thấy em bé thụt thò sau cửa, thầy mang vài lát thịt cho em. Hỏi ra nhà không còn gì cả, thầy Trực đắng lòng mới biết chủ nhà thịt con gà duy nhất ấp sắp nở con để đãi thầy.
Giờ đây, cái đói hẳn không còn đến mức gay gắt thế, nhưng có vùng núi vẫn còn những đứa trẻ ăn ve sầu với cơm nguội (?). Và những thầy cô bám bản vẫn phập phồng nỗi lo như nhà báo Trần Đăng Tuấn trăn trở “…ở nhiều bản làng xa xôi, chất lượng hiện nay là vấn đề trẻ có đi học không và có người vững tâm dạy trẻ không. Những đêm đông, cô đơn bên bếp lửa, trong những căn phòng chi chít khe hở lạnh, giáo viên cắm bản sẽ nghĩ gì khi biết bất cứ lúc nào cũng có thể lại tay trắng về quê, nơi từ đó họ ra đi với nguồn động lực là gian khó nhưng thành người của nhà nước, không phải lo mất việc?”.
Ở cấp giáo dục phổ thông, nhiều nơi hô hào xây dựng trường học thân thiện, song thực chất điều hành thì nặng tính mệnh lệnh hành chính, giáo điều trong học và hành. Minh chứng rõ nhất là vụ quá tay trong chỉ đạo rà soát cưa cây đốn phượng làm một số ngôi trường trơ trụi; rồi việc xử vụ gian lận điểm thi, hình ảnh mấy vị từng sai phạm ra khỏi tòa biểu lộ hình ảnh “chiến thắng” với ngón tay chữ V tươi cười thật phản cảm. Mới đây, thêm vụ 3 cán bộ giáo dục ở Gia Lai ăn chặn hàng tỷ đồng tiền ăn trưa của học trò. Bài tập tìm những vòng tay nhân ái cảm thông làm sao có thể kiếm ra được ở đây?
Làm sao để những người thầy và học trò không phải “gù lưng” vì kinh tế nghèo khó, vì sách vở chất chồng, vì thiếu bài tập tìm kiếm những vòng tay nhân ái,… thì mới không “gù nhân cách” để đồng lõa với khuyết tật tâm hồn.