Từ một vụ án ly hôn…

LÊ HẰNG VÂN 08/06/2017 08:36

Mặc dù TAND huyện Đông Giang đã có quyết định công nhận thuận tình ly hôn giữa anh Ating N. và chị Briú V. nhưng trong vụ án này có nhiều nội dung cần bàn về hộ tịch, về tập quán của người Cơ Tu trong quan hệ hôn nhân…

Luật tục Cơ Tu

Anh Ating N. và chị Briú V. kết hôn năm 2007, có đăng ký kết hôn tại UBND xã A Rooih, sinh được 2 hai con chung tên là Ating Chính Đạo N. (SN 2008) và Ating Nhất Thiên B. (SN 2009). Tuy nhiên, giấy đăng ký kết hôn chỉ có mình anh Ating N. ký, không có chữ ký của chị Briú V. Vấn đề này có hai quan điểm khác nhau. Thứ nhất, cho rằng giấy đăng ký không hợp lệ, nên không thể công nhận vợ chồng hợp pháp. Thứ hai, mặc dù thủ tục chưa hợp lệ, nhưng thực tế họ đã tự nguyện kết hôn, có 2 con chung, được họ hàng hai bên thừa nhận, nên cần chấp nhận đây là hôn nhân hợp pháp. Thực tế vợ chồng anh Ating N. và chị Briú V. sống hạnh phúc với nhau từ năm 2007 đến 2012 thì phát sinh mâu thuẫn. Và từ năm 2015 hai người không con sống chung với nhau nữa, nay chị Briú V. làm đơn xin ly hôn anh Ating N. để lấy chồng khác. Tài sản chung không có gì nên hai vợ chồng không đề cập.

Kết quả hòa giải, anh Ating N. và chị Briú V. thống nhất thuận tình ly hôn, 2 con chung do anh Ating N. nuôi dưỡng, chị Bríu V. có trách nhiệm đóng góp phí tổn nuôi con chung mỗi tháng 500.000 đồng. Tuy nhiên, trong quá trình hòa giải anh Ating N. chỉ đồng ý ly hôn với điều kiện là yêu cầu tòa buộc chị Bríu V. phải bồi thường cho anh 300 triệu đồng theo tập quán của người Cơ Tu, trước khi chị đi lấy chồng khác. Anh Ating N. cứ một mực nói: “Mình không biết luật Nhà nước, chỉ biết luật của người Cơ Tu quy định là bên nào đi lấy vợ, chồng khác thì phải bồi thường cho bên kia…”. Đây là vấn đề pháp luật hiện hành không quy định. Cuối cùng thẩm phán và trợ giúp viên phải nhờ đến sự tham gia giải thích của già làng thì Ating N. mới chấp nhận hòa giải theo hướng anh nhận khoản “cấp dưỡng” một lần sau ly hôn với số tiền 10 triệu đồng của chị Bríu V. Đến đây, vụ án mới tạm kết thúc với quyết định công nhận thuận tình ly hôn của TAND huyện Đông Giang.

Những vấn đề cần bàn

Qua vụ án ly hôn giữa anh Ating N. và chị Bríu V. thấy nổi lên những vấn đề cần bàn. Thứ nhất, thủ tục cấp giấy chứng nhận kết hôn như trường hợp anh Ating N. với chị Bríu V. là vi phạm về thủ tục đăng ký và quản lý hộ tịch. Vì trong trường hợp cụ thể này, giấy chứng nhận kết hôn chỉ có một người chồng ký (trong khi pháp luật về hộ tịch quy định phải có “Chữ ký hoặc điểm chỉ của hai bên nam, nữ và xác nhận của cơ quan đăng ký hộ tịch”). Tuy TAND huyện Đông Giang xem xét về mặt thực tế, về nội dung vụ việc và vẫn chấp nhận quan hệ hôn nhân giữa anh Ating N. với chị Bríu V. là hợp pháp để giải quyết theo thủ tục chung, đảm bảo quyền lợi của các bên, nhất là phụ nữ và trẻ em nhưng về mặt thủ tục đăng ký kết hôn, cơ quan quản lý hộ tịch nhất thiết phải chấn chỉnh sai sót để đưa công tác này đi vào nền nếp, góp phần tăng cường quản lý nhà nước trên lĩnh vực hộ tịch được tốt hơn.

Theo danh mục tập quán lạc hậu về hôn nhân bị cấm áp dụng ban hành kèm theo Nghị định 126/2014/NĐ-CP có quy định đối với hành vi đòi lại của cải, phạt vạ khi vợ chồng ly hôn. Tuy nhiên, khi chị Bríu V. đã được gia đình nhà chồng đồng ý cho đi lấy chồng khác và yêu cầu chị phải trả lại một con trâu trị giá 28 triệu đồng và chị V. đã trả. Ngoài ra, anh Ating N. còn tiếp tục yêu sách đòi chị Bríu V.  bồi thường thêm 300 triệu đồng theo luật tục của người Cơ Tu trước khi đi lấy người khác. Tất nhiên, TAND huyện Đông Giang không chấp nhận yêu cầu của anh Ating N.  và hòa giải theo hướng động viên chị Bríu V.  cấp dưỡng sau khi ly hôn là cách giải quyết hay. Nhưng ở đây lại có vấn đề đặt ra là công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật để đưa Luật Hôn nhân và gia đình sớm đi vào cuộc sống ở vùng đồng bào dân tộc cần phải được quan tâm nhiều hơn nữa trong thời gian tới.

Từ vụ án ly hôn nêu trên, thiết nghĩ, Sở Tư pháp cần nghiên cứu và tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh phê duyệt “danh mục các tập quán về hôn nhân và gia đình được áp dụng tại địa phương”. Có như vậy mới góp phần đưa các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình đi vào cuộc sống; hạn chế đến tối đa tập quán lạc hậu đang còn diễn ra ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa của tỉnh.

LÊ HẰNG VÂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Từ một vụ án ly hôn…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO