Xác định hội viên là yếu tố cốt lõi làm nên sức mạnh và chất lượng của Hội Văn học - nghệ thuật (VHNT), do vậy cùng với việc tăng cường kết nạp hội viên mới, Hội VHNT tỉnh còn dành sự quan tâm đặc biệt đến việc giám sát chất lượng hội viên, nhất là chất lượng “đầu vào”.
Trong nhiệm kỳ VIII (2014 - 2019), toàn Hội VHNT tỉnh kết nạp 40 hội viên mới, vượt khoảng 3% so với chỉ tiêu đề ra từ đầu nhiệm kỳ. Thay vì chỉ tập trung ở vài địa bàn trọng điểm hay ở các chi hội lớn, số hội viên mới kết nạp trong nhiệm kỳ này phân bổ khá đều khắp ở các địa phương trong tỉnh và có 6/7 chi hội kết nạp được hội viên mới... Mục tiêu tìm kiếm, phát hiện, bồi dưỡng và kết nạp hội viên trẻ cũng được thực hiện khá tốt. Phần lớn số hội viên mới được kết nạp trong 5 năm qua đều tương đối trẻ về tuổi đời (dưới 40 tuổi) và tuổi nghề.
Để có được thế hệ hội viên mới đáp ứng các yêu cầu đề ra, bên cạnh nỗ lực tìm kiếm, “tiến cử” từ hội viên lâu năm của hội, ban điều hành các chi hội và ban chấp hành hội cũng luôn tuân thủ triệt để các quy định mang tính bắt buộc về điều kiện, thủ tục kết nạp hội viên. Không chỉ chặt chẽ về hồ sơ, lý lịch hoạt động VHNT, người xin vào hội phải trải qua 2 vòng bỏ phiếu và khoảng cách giữa 2 lần này thường kéo dài từ 6 tháng đến một năm. Theo một thành viên Ban Công tác hội viên của Hội VHNT tỉnh, việc kéo dài thời gian xem xét hồ sơ xin vào hội là để đánh giá, “thử thách” năng lực sáng tạo và mức độ say mê, tâm huyết của người có nguyện vọng gia nhập; tránh tình trạng “đánh trống ghi tên” theo kiểu phong trào.
Gắn với việc nâng cao “chất lượng đầu vào”, Hội VHNT tỉnh thường xuyên tổ chức các “sân chơi” phù hợp nhằm tạo điều kiện cho hội viên mới hòa nhập hoạt động chung của hội; giúp họ nâng cao kỹ năng và đam mê sáng tác; đề cao trách nhiệm nghệ sĩ - công dân... Trong số hơn 30 chuyến đi thực tế sáng tác trong và ngoài tỉnh được thực hiện 5 năm qua, không có chuyến nào vắng mặt các hội viên mới. Với 2 trại sáng tác tập trung được Hội VHNT tỉnh mở tại Tam Đảo và Vũng Tàu hay các trại sáng tác do các cơ quan, hội chuyên ngành trung ương mở, hội viên mới cũng luôn được ưu tiên được chọn tham gia. Trong khi đó, việc xem xét hỗ trợ, đầu tư sáng tạo, công bố tác phẩm đối với hội viên luôn được căn cứ vào chất lượng tác phẩm, không phụ thuộc vào vị trí công tác hay tuổi hội của từng người. Ngoài ra, nhiều hội viên mới, trẻ cũng thường được ưu tiên mời tham gia giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sáng tác với văn nghệ sĩ các hội chuyên ngành trung ương và các tỉnh bạn... Theo đánh giá của Ban Công tác hội viên, nhờ vào những yếu tố ấy, 5 năm qua có hơn 70% số hội viên của Hội VHNT tỉnh thường xuyên sáng tác và có tác phẩm có chất lượng được giới thiệu trên các báo, tạp chí trung ương, địa phương và được dự phần vào các cuộc liên hoan, hội thi, triển lãm khu vực và toàn quốc. Qua đó, nhiều hội viên trẻ, hội viên mới đã từng bước tạo được uy tín nghề nghiệp và chỗ đứng cho mình...
Trong đời sống VHNT Quảng Nam nhiều năm nay, tính kết nối thế hệ được duy trì khá tốt. Thế hệ các văn nghệ sĩ đi ra từ kháng chiến vẫn tiếp tục sáng tác, họ vừa là niềm tự hào, vừa là “điểm tựa” cho các thế hệ đi sau. Kế tục cha anh, các thế hệ văn nghệ sĩ tiếp nối sau đó đã từng bước trưởng thành và khẳng định mình bằng tài năng, nhiệt huyết và khát khao tươi trẻ trong vận hội mới của đất nước, quê hương; trở thành lực lượng nòng cốt, nắm giữ vai trò quan trọng và “chủ lực” trong hoạt động sáng tác và tổ chức sáng tác của VHNT tỉnh.
Động lực của sáng tạo
Năm năm qua, thông qua Quỹ hỗ trợ sáng tác và công bố tác phẩm của Thủ tướng Chính phủ, các Chi hội Văn học, Văn nghệ dân gian và VHNT các dân tộc thiểu số - miền núi xuất bản được 3 công trình tập thể. Riêng Chi hội Văn học có hơn 80 đầu sách của cá nhân hội viên được in ấn, phát hành. Cũng từ nguồn hỗ trợ này, 15 bộ đĩa CD, VCD ca nhạc với gần 7.000 đĩa nhân bản; hàng trăm tác phẩm mỹ thuật và nhiếp ảnh được công bố, triển lãm, trưng bày. Hay như ở Chi hội Sân khấu, với “đơn giá” trọn gói cho một vở diễn ngắn “bèo” nhất là 500 triệu đồng là một thách thức quá lớn. Nhưng rồi, nhờ được hỗ trợ một phần từ nguồn quỹ hỗ trợ sáng tạo và công bố tác phẩm, đã có 2 vở diễn ngắn được ra mắt. Các vở diễn ngắn này đã được công diễn rất nhiều lần, không chỉ trong tỉnh mà còn ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh...
Bên cạnh đó, cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Quảng Nam đã có những chính sách được xem là “biệt lệ”, thể hiện sự trân quý đối với VHNT nói chung và văn nghệ sĩ nói riêng. Có thể kể đến như Giải thưởng VHNT Đất Quảng (5 năm một lần), Tặng thưởng VHNT Quảng Nam hằng năm; khen thưởng văn nghệ sĩ đạt thành tích cao trong các cuộc thi khu vực, trong nước và quốc tế. Tỉnh còn có cơ chế hỗ trợ sáng tạo, công bố tác phẩm văn học và nghiên cứu văn hóa - văn nghệ về đất và người Quảng Nam... Gắn với hỗ trợ sáng tạo, xuất bản, việc giúp đỡ giới thiệu, quảng bá tác phẩm cũng được xem là một trong những yếu tố mang tính động lực, kích thích văn nghệ sĩ nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê...(PHÚ MỸ)