Từ nghề nghiệp trong phương ngữ Quảng Nam

TRỊNH MINH HƯƠNG 21/12/2014 09:51

Phương ngữ Quảng Nam nằm trong mạch nguồn chung của ngôn ngữ toàn dân nhưng lại có rất nhiều từ ngữ mang dáng vẻ riêng về mặt từ vựng, ngữ nghĩa, đặc biệt là có sự khác biệt rất lớn về mặt ngữ âm. Và từ nghề nghiệp cho thấy rất rõ sự khác biệt này.

Nếu người vùng lạ, khác phương ngữ sẽ cảm thấy khó hiểu, thậm chí nhiều người trở nên ngơ ngác khi nghe những người Quảng Nam nói chuyện với nhau. Trong giới hạn bài viết này, chúng tôi chỉ chọn giới thiệu một số từ ngữ nghề nghiệp tiêu biểu của nghề nông.

Nghề trồng khoai lang:

Quảng Nam nổi tiếng với khoai lang Trà Đỏa (huyện Thăng Bình), loại khoai từng được cung tiến cho triều đình Huế. Trong quá trình lao động, hàng loạt từ ngữ nghề nghiệp đặc trưng xuất hiện.

Người dân Tam Vinh, từ già đến trẻ ai cũng biết đan lát. Ảnh tư liệu
Người dân Tam Vinh, từ già đến trẻ ai cũng biết đan lát. Ảnh tư liệu

Giai đoạn trồng khoai:  vun hàng (ngữ âm địa phương vùng gần biển gọi là dun khoai), trước hết là tém hàng (làm cốt, xớt cỏ bỏ vào giữa), tiếp đến là bỏ bổi (có thể bổi là lá tre, dây đậu, rong khô, dây khoai khô…), tiếp theo là phụ (đi ba lát cuốc, làm cho hàng lớn hơn, ngay hơn và phủ cát cho kín cỏ hai bên), tục ngữ có câu “Tém ngay không bằng hay phụ”, bỏ phân (phân chuồng, phân hóa học được rải đều giữa luống), thêm động tác nữa là bắc hàng (đi dọc theo rảnh khoai, bắc tiếp 3 lát đất theo từng mép hàng), sau đó dùng trang, trang cho hàng khoai phẳng đều. Tiếp đến là trồng khoai (ngọn khoai đã được cắt trước đó, bó lại, lúc này được trồng xuống giữa hàng), cuối cùng là gánh nước bằng đôi gàu để tưới khoai (đôi gàu luôn để trên vai, phải có kỹ thuật nghiêng vai, phối hợp với đôi tay, một tay đè gàu sau, một tay cầm thang gàu trước tưới nước rây dọc theo hàng khoai).

Giai đoạn chăm bón: Người ta liên tục tưới khoai khoảng 5 - 7 ngày, đến khi ngọn bén (có rễ), sau đó sẽ tưới ngày, nghỉ ngày. Nếu có trời mưa thì đỡ công tưới hơn (trời nắng thì phải tưới cho đến gần ngày thu hoạch, nếu không khoai sẽ chạy dây) cùng thời điểm đó, người ta dùng cuốc chỉa 5 để xới gọi là cào dán (váng), hoặc tán đất. Khoảng 10 đến 15 ngày là rà khoai (bón ít phân hóa học hoặc bột bánh dầu, tro). Từ 1 tháng đến tháng rưỡi là công đoạn dô (vô) khoai (dỡ dây qua một bên, đánh mép khoai xuống rãnh để có khoảng trống, rồi bỏ phân vào, dùng cuốc chĩa cào đất lên mép, sau đó dùng cuốc bàn bắc đất lên). Khoảng hơn 3 tháng thì thu hoạch.

Thu hoạch: khi khoai được 2 tháng rưỡi trở lên, người ta có thể ngắt ngọn để luộc ăn hoặc cắt rau để làm thức ăn chăn nuôi hoặc bán. Có những nhà nghèo, không đủ lương thực thì buộc lòng họ phải moi ton, hoặc rút khoai (dùng tay đào vào tận gốc, chọn những củ hơi trộng trộng (hơi lớn), rút bớt để về nấu ăn, vẫn giữ nguyên gốc để các củ nhỏ phát triển). Nếu khoai đã già ngày tháng, người ta thu hoạch cả đám thì trước hết phải cuốn rau (cắt rau theo từng đống một), dùng tay đào khoai hoặc dùng cuốc đánh mép để bứng củ…

Nghề đan đát (bằng tre)

Đan đát bằng tre có nơi thành một làng nghề chuyên nghiệp như xã Tam Vinh (Phú Ninh). Sản phẩm làng nghề rất đa dạng và nổi tiếng tinh xảo. Nó được người dân mang đi bán khắp nơi trong tỉnh. Ngày xưa, hầu như nông dân nào của Quảng Nam cũng biết đan đát, tạo ra những dụng cụ để phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt hằng ngày. Vì thế cũng xuất hiện nhiều từ ngữ nghề nghiệp.

Từ ngữ chỉ dụng cụ hành nghề như câu liêm: dùng để dọn gai, giựt lá, giựt nhánh; rựa, đục lá: dùng để đốn tre; cưa tre: dùng để cưa tre thành nhiều đoạn theo tính toán của người thợ, loại cưa này khác với loại cưa gỗ, mạch cưa phải mở rộng để khi cưa khỏi bị sít; mác: dùng để chẻ và dót (vót) nan; chàng: dụng cụ như cái đục nhưng lưỡi dài và mỏng hơn, dùng để chấn, chặt nan thừa; dùi: dùng để dùi lỗ, cột dây lạt, nứt giành (vành); cây dộng: dùng một đoạn tre khoảng một gang tay, vạt mỏng một đầu để đóng cho khít các nan tre với nhau; dùi cui: làm bằng gỗ hoặc đoạn tre gốc, dùng để đóng lên cây dộng và thổ cho chặt vành khi nứt.

Từ ngữ biểu hiện tiến trình công việc như chọn tre, đốn tre: người thợ ra hàng tre, bụi tre để ngó, nhắm, tìm được những cây tre, gốc tre dừa (vừa)  ý, sau đó sẽ đốn tre; ra cỡ: tùy theo sản phẩm mà người thợ đo, cưa theo cỡ; ra nan, chẻ nan: từ ống tre theo cỡ, người thợ chẻ (ra) nan, lúc này là nan thô. Tùy theo sản phẩm muốn tạo nên (như rổ, thúng, cót…) mà có từng loại nan, từng loại cỡ khác nhau, có loại lại dùng nan cật (nan lấy toàn phần vỏ) hoặc nan thường (có cả vỏ và một phần ruột); dót (vót) nan: dùng mác dót cho nan được đều và láng.

Từ nghề nghiệp trong văn học dân gian
Công việc đan đát rất công phu và diễn ra liên tục, bình thường trong đời sống dân dã. Vì thế mà nó đã đi vào văn học dân gian rất đậm nét. Đây là một đoạn hát đối đáp có liên quan đến nghề nghiệp này:
- Bên nữ hát khích:
Liệu bề đát được thì đan
Đừng gầy ra bỏ đó thế gian họ cười!
- Bên nam hát đối lại:
Các cô ơi, tôi không phải trai hư
Tôi đát được, tôi đan được, tôi lận chừ cho các cô coi
Lận rồi tôi “chặt cột” hẳn hoi
Ở trên tôi rấn xuống ở ngoài tôi đè vô
Nói ra sợ mất lòng mấy cô
Ngó trong cái mủng chỗ mô tôi cũng dùi…
Cái hay của đoạn đối đáp là đậm đặc phương ngữ Quảng Nam, trong đó tần số xuất hiện của từ nghề nghiệp đan đát khá phong phú.Đồng thời khi giải minh ý nghĩa thì người ta sẽ thấy được sự nghịch ngợm, dí dỏm của người Quảng Nam trong cách nói lái, dùng nghĩa biểu vật, biểu niệm đúng với nghề nghiệp, nhưng lại có một nghĩa bóng sâu xa hơn, thể hiện được văn hóa phồn thực quen thuộc trong cách nói dân gian.

Công đoạn đan: rất tỉ mỉ, trước tiên người thợ phải gầy mê (bắt đầu đan những nan giữa) rồi lần lượt đan 4 bên, mỗi dụng cụ có cách đan khác nhau: đan lông mót, lông hai hay lông ba… Đan được một lúc thì dùng cây dộng và dùi cui thổ nhẹ cho nan khít vào nhau. Tùy theo thúng, mủng,… lớn hay nhỏ mà người đan phải ước lượng để bỏ góc (nhờ bỏ góc mà thúng, mủng mới có được chiều  đứng), phía ngoài cùng của mê, khoảng 4 - 5 tấc, người ta đan những nan nhỏ bằng khoảng ¼ nan lớn gọi là đát. Sau đó lấy than vẽ một vòng tròn trên mê, lấy cái chàng (giống cái đục lá nhưng lưỡi dài hơn) để chấn, chặt những phần nan dư. Thông thường người ta đan nhiều mê rồi mới lận.

Làm giành (vành): dùng những đoạn tre dài, riếng mắt (gọt mắt tre) chẻ theo từng loại giành, vót kỹ rồi uốn thành vòng tròn, có khi do tre cứng, người ta phải hơ lửa để uốn.

Lận: khi có mê có giành sẵn sàng, người ta bắt đầu lận, phối hợp cả tay, cả chân để tạo ra hình dáng thúng, rổ…, phía trên, những triên mê được kẹp vào giữa hai giành, lấy dùi, dùi lỗ và lấy dây lạt cột tạm. Lấy dao phay thật bén thiến (cắt) những phần nan cao hơn vành, dùng 3 hoặc 4 sợi triên phủ lên đầu mê, kẹp giữa để nứt.

Nứt: dùng dây mây đã chẻ nhỏ và chuốt kỹ hoặc dây cước để nứt (cột) quanh giành, nứt thưa hay nứt nhặt tùy theo thợ. Người ta dùi những lỗ nhỏ dưới mê, sát giành, xỏ dây mây hoặc cước vào cột và riết chặt. Sợi dây nứt dài, những nuột nứt liên kết nhau, không ngắt đoạn, bằng cách nứt xong một nuột phải xỏ dây vào nuột trước bắc qua nuột tiếp theo, cứ thế cho đến khi kết thúc. Trong quá trình nứt phải liên tục dùng dùi cui gõ nhẹ vào giành để riết dây cho chặc.

Nếu đan bội, đan bịt, đan trạc thì có thêm thao tác bẻ miệng…

TRỊNH MINH HƯƠNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Từ nghề nghiệp trong phương ngữ Quảng Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO