Từ ngữ dân gian trong viết báo

ĐÌNH QUÂN 24/06/2017 10:59

Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi/ Mẹ hiền ru những câu xa vời/ À à ơi tiếng ru muôn đời… (Tình ca - Phạm Duy)

Chơi ô ăn quan.Tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh
Chơi ô ăn quan.Tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh

Học ở người xưa

Thảo Đường cư sĩ Phạm Quý Thích là bạn thân của Đại thi hào Nguyễn Du từng cảm tác bản Nôm Truyện Kiều là “Nhất phiến tài tình thiên cổ lụy/ Tân thanh đáo để vị thùy thương”. Đó là hai câu cuối của bài thơ Thính đoạn trường tân thanh hữu cảm. Và chính tác giả đã dịch: Cho hay những kẻ tài tình lắm/ Trời bắt làm gương để thế gian. Nguyễn Du viết Kiều là để cảm thương ai? Tất nhiên là cho tuyệt thế giai nhân Vương Thúy Kiều. Nhưng rồi, suy cho cùng thương  cho người cũng là tủi cho mình. Có một lý do chúng ta say mê Truyện Kiều là vì tác phẩm đẫm chất dân gian, gần gũi với đời sống hằng ngày, đồng thời người viết có biệt tài sử dụng nhiều thành ngữ, tục ngữ như câu: Nghĩ đà bưng kín miệng bình/ Nào ai có khảo mà mình lại xưng/ Những là e ấp dùng dằng/ Rút dây sợ nữa động rừng lại thôi. Bốn câu thơ mà vin vào 3 thành ngữ: “kín như hũ nút”, “không khảo mà xưng”, “rút dây động rừng”. Lại có những câu thấm đẫm hồn Việt mà Nguyễn Du vận dụng nhuần nhuyễn thành ngữ như: “Ra tuồng mèo mả gà đồng/ Ra tuồng lúng túng chẳng xong bề nào”. Hay như: “Ở đây tai vách mạch rừng/ Thấy ai người cũ cũng đừng nhìn chi”…

Tìm trong di sản văn Nôm xưa còn có nhiều bậc văn tài xuất chúng như nữ sĩ Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Tú Xương… Ai hay coi thường cái kiểu “nôm na là cha mách qué” thì có thể nghĩ lại khi đọc 3 bài thơ viết về mùa thu của Nguyễn Khuyến. Xin dẫn ra đây bài Thu điếu (câu cá mùa thu) để thấy văn Nôm cũng làm nên những kiệt tác: Ao thu lạnh lẽo nước trong veo/ Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo/ Sóng biếc theo làn hơi gợn tí/ Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo/ Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt/ Ngõ trúc quanh co khách vắng teo/ Tựa gối ôm cần lâu chẳng được/ Cá đâu đớp động dưới chân bèo. Bài thơ giàu nhạc tính, gợi tả nhiều “văn ảnh” rất sinh động… Văn Nôm cũng rất có hồn đấy thôi!

Có thể lâu nay ta nghĩ hễ ai sử dụng đậm đặc những từ thuần Nôm, thuần Việt trên các trang báo - trang văn là không trang trọng bằng những từ Hán Việt. Tất nhiên từ  thuần Việt thường dễ hiểu. Chính vì cách hiểu quá dễ ấy mà gây nhiều nhầm lẫn. Chẳng hạn từ lắm và từ quá là hai từ đồng nghĩa nhưng lại có những trường hợp hai từ không dùng thay cho nhau: Cái vườn này về mùa xuân đẹp lắm/ Cái vườn này về mùa xuân đẹp quá. Chữ quá câu trên không chính xác là vì ý nghĩa câu ấy hàm chứa sự tường thuật, trong khi quá lại mang ý nghĩa mô tả. Muốn tường thuật phải dùng từ lắm mới hợp. Một ví dụ khác hai từ lạnh lẽo và lạnh lùng đều có nghĩa là lạnh, nhưng lạnh lẽo là lạnh về vật chất; còn lạnh lùng là lạnh về tinh thần, tình cảm. Thêm ví dụ nữa là từ buồng và phòng. Hiện trong quốc văn vẫn dùng cùng một nghĩa, nhưng không phân biệt khi nào là buồng, khi nào là phòng, nên thường thấy viết: phòng ăn, buồng ăn, phòng ngủ, buồng ngủ, buồng the, phòng the v.v.

Theo Việt ngữ tinh nghĩa từ điển của Long Điền Nguyễn Văn Minh buồng có thể do tiếng buông là buông rủ. Buồng tức là một gian nhà ngăn kín chung quanh buông màn, hay làm vách bịt kín. Nên thường có các từ: buồng gói, buồng kín, buồng ngủ, buồng tắm, buồng tằm, buồng the, buồng thêu, buồng riêng, buồng xuân v.v. Ngoài ra tiếng buồng có nghĩa là chùm to như: buồng cau, buồng chuối, buồng dừa. Còn từ phòng cũng có nghĩa là buồng. Xét theo phong tục hiện giờ, người ta hay nói “phòng hội đồng” chứ không nghe ai nói “buồng hội đồng”, “phòng trà” chứ không nói “buồng trà”. Vậy phòng nên hiểu theo nghĩa buồng có thể tiếp đón, hay hội họp đông người. Ta có các từ như: phòng khách, phòng đọc sách, phòng học, phòng giấy, phòng ăn, phòng giải khát, phòng chưởng khế, phòng thông tin, phòng khánh tiết…

Hồn cốt dân tộc

Một hôm có chị bạn nhận xét cuốn đặc san Đi cùng năm tháng kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường THPT Trần Cao Vân (Tam Kỳ) trong đó có dùng một từ sai là cười miếng chi. Phải viết là cười mỉm chi mới đúng - chị nhiệt tình góp ý. Tất nhiên là tôi có “bảo bối”: Mời chị về giở Từ điển tiếng Việt của nhóm biên soạn Hoàng Phê có giải nghĩa từ ấy. Vả lại trong quyển sách Ăn uống nói cười & khóc của nhà giáo Trần Huiền Ân giải thích cười miếng chi là cười ngậm miệng, môi chỉ nhếch lên một tí, không ra tiếng. Tiện thể cho phép chúng tôi giới thiệu thêm chút tâm huyết của nhà giáo Trần Huiền Ân khi biên soạn quyển sách ấy, ông gửi gắm một điều: Trên bộ phận thứ nhất của con người tức là phần đầu có thất khiếu, là bảy chỗ khuyết. Trong khi khiếu đôi chỉ làm một việc như hai con mắt chỉ để nhìn, hai tai để nghe và khiếu lẻ là một miệng, lại làm nhiều việc: ăn - uống - nói - cười - khóc.

Ông cũng nói, tập sách đúc kết có tính cách phổ thông của giới bình dân hơn là tính cách nho phong của hàng quân tử. Cùng đồng cảm với nhà văn Tô Hoài, tác giả cũng chân thành khuyên chúng ta viết văn, viết báo nên nhuần nhuyễn thành ngữ, tục ngữ, vì trong đó phần lớn kiến thức ông cha để lại là di sản thuần Việt. Chúng ta rất tự hào về chữ viết tiếng nói của dân tộc mình: Tiếng Việt ơi tiếng Việt xót xa tình (Tiếng Việt - Lưu Quang Vũ). Có lẽ do nước Việt ta nằm ở cửa ngõ giao thương với thế giới, cộng cư với nhiều dân tộc và nhất là hỗn dung, tiếp cận, tiếp biến với nhiều nền văn hóa nên tiếng Việt rất phong phú. Ví dụ trong Việt ngữ để diễn tả khái niệm mang có ít nhất khoảng hơn 50 từ như: ôm, xách, cầm, quẩy, nắn, nâng, bê, cắp, bưng, ẵm, ấp, bợ, bế, đeo, đèo, đội, khiêng, mang, vác, gánh, gồng, bồng, thồ, chở, cõng… Đấy là hồn cốt của dân tộc Việt không thể nhầm lẫn với nơi nào khác được.

Mạnh dạn thay đổi

Những ai đã theo nghiệp viết báo - làm văn sẽ hiểu một điều là mỗi trang viết trước đèn có nước mắt, mồ hôi thấm đẫm và trên đường đi cũng lắm truân chuyên nhọc nhằn. Thế nên càng thận trọng qua mỗi trang báo, trang văn thì sự nghiệp viết báo - làm văn càng thành công.

Chúng ta quen sử dụng từ yếu điểm, nên mạnh dạn thay đổi ngay từ bây giờ trên trang viết của mình bằng từ điểm quan trọng. Và chúng tôi liệt kê một số từ thông dụng khác nhằm làm trong sáng từ ngữ tiếng Việt (những từ in nghiêng, nên dùng) như sau: ưu điểm - điểm nổi bật, khuyết điểm - điểm khiếm khuyết, nhược điểm - điểm yếu, cường điểm - điểm mạnh, thu ngân - thu tiền, phân ưu - chia buồn, không phận - vùng trời, hải phận - vùng biển, giáo huấn - dạy bảo, thiên thu - mãi mãi, sơn hà - núi sông, huynh đệ - anh em, bằng hữu - bạn bè, phụ lão - người già, đăng trình - lên đường, hành trình - chuyến đi, song hành - đi đôi, khả dĩ - có thể…

Tuy nhiên có những từ Hán Việt ta phải “vay mượn”, không còn cách nào khác. Ví dụ các từ trong lĩnh vực văn hóa như: Lễ nghi, lễ hội, tôn giáo, giáo phái, văn minh… Các từ trong lĩnh vực nghệ thuật như: tiểu thuyết, hội họa, điêu khắc, trữ tình… Các từ trong lĩnh vực luật pháp như: hiến pháp, luật sư, tòa án, quy định, hình sự… Các từ trong lĩnh vực chính trị như: độc lập, phụ thuộc, dân chủ, liên minh… Các từ trong lĩnh vực kinh tế như: công nghiệp, tư bản, tỷ giá, chứng khoán…

Những ai đã theo nghiệp viết báo - làm văn sẽ hiểu một điều là mỗi trang viết trước đèn có nước mắt, mồ hôi thấm đẫm và trên đường đi cũng lắm truân chuyên nhọc nhằn. Thế nên càng thận trọng qua mỗi trang báo, trang văn thì sự nghiệp viết báo - làm văn càng thành công.

Cố giáo sư Hoàng Phê, nhà từ điển học hàng đầu của Việt Nam nói: “Tiếng Việt là tiếng mẹ. Tiếng Việt còn trong mỗi người thì hồn Việt còn. Người Việt còn thì còn nước non, dân tộc”.

ĐÌNH QUÂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Từ ngữ dân gian trong viết báo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO