Trong những ngày tháng Ba lịch sử, nhân chuyến thực hiện bộ phim tài liệu về đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ - người con ưu tú của quê hương xứ Quảng, nguyên Phó Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ, nguyên Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Ủy viên Liên hiệp Công đoàn thế giới - chúng tôi đến nhà ngục Đăk Glei, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum, nơi giam cầm nhiều chiến sĩ cách mạng trong những năm chống Pháp. Sau khi ghi lại những dấu ấn đấu tranh của người con đất Quảng - Huỳnh Ngọc Huệ còn lưu lại nơi ngục tù này, chúng tôi có cuộc hành trình lần theo con đường mà cách đây hơn 70 năm ông cùng nhà thơ Tố Hữu vượt ngục Đăk Glei về làng Rô (huyện Nam Giang) và được đồng bào Cơ Tu che giấu. Ngần ấy năm trôi qua, ký ức về những ngày tháng đau thương nhưng cũng rất đổi tự hào về tinh thần cách mạng, về tình cảm ấm nồng mà nhân dân đã giành cho những người cộng sản vẫn còn nguyên vẹn trong từng câu chuyện kể và kỷ vật… trên dặm đường chúng tôi đi qua.
Nhà ngục Đăk Glei nhìn từ trên cao. |
Từ huyện Phước Sơn, vượt hàng chục cây số đường ngoằn nghoèo khúc khuỷa của con đèo Lò Xo chìm trong mây núi, tấm biển báo Di tích Lịch sử quốc gia ngục Đăk Glei hiện ra trước mắt chúng tôi trong ánh nắng chói chang của miền bazan đất đỏ Đăk Glei, Kon Tum. Từ biển báo này, một con đường bê tông dài chừng 10 cây số, như sợi chỉ chạy xuyên qua những đồi núi của thung lũng xã Đăk Choong dẫn chúng tôi tới bản doanh của ngục Đăk Glei. Trong hồi ký “Trở lại Kon Tum”, nhà cách mạng Lê Văn Hiến - một người con của mảnh đất Quảng Nam - Đà Nẵng (nguyên Bộ trưởng Bộ Tài Chính) từng có những năm tháng bị giam cầm ở đây, đã miêu tả ngục Đăk Glei như một chốn rừng thiên nước độc, bị bao phủ bởi xung quanh là rừng già xanh thẳm và núi non trùng điệp. Nhưng giờ đây, trước mắt chúng tôi là cả một thung lũng Đăk Choong như phơi mình giữa thanh thiên bạch nhật. Rừng già cây cối không còn nữa mà thay vào đó là những mảng đồi núi trọc chạy tít tắp về phía Ngọc Linh hùng vĩ xa xa. Tất cả đã đổi thay so với những hồi ức được ghi lại của những người tù chính trị từng bị giam cầm ở đây. Có cụm từ được khắc lên một khối trụ nhỏ bên vệ đường và gần như là câu cửa miệng của người dân Xê Đăng xã Đăk Choong khi được hỏi thăm về ngục Đăk Glei: “Ngục Tố Hữu”. Chị Lê Thị Hà - cán bộ Phòng VH-TT huyện Đăk Glei bảo tôi: “Sở dĩ có tên “Ngục Tố Hữu” bởi dấu ấn của nhà thơ cách mạng nổi tiếng ở đây rất đậm nét. Mặc dù ông bị giam cầm chỉ 4 tháng nhưng đã có nhiều hoạt động giữa chốn ngục tù, cùng với anh em tù chính trị tổ chức ra báo tường, những đêm văn nghệ cổ súy tinh thần cách mạng, tạo hưng phấn để vượt qua sự hà khắc chốn tù ngục. Đặc biệt, trong điều kiện bị giam cầm, Tố Hữu vẫn sáng tác rất nhiều, trong đó có bài thơ nổi tiếng “Tiếng hát đi đày” với những câu thơ như: “Thân bạn vùi xương dưới gốc mây/ Roi vụt nát tay bầy lính rợ/ Máu đầm khoái mắt lũ đồn Tây/ Mỗi hoàn đá đó bao hoàn huyết/ Một khúc cầu đây, mấy khúc thây...”.
Theo sử liệu còn lưu lại, năm 1932, thực hiện âm mưu kiểm soát toàn bộ vùng Tây Nguyên, thực dân Pháp xây dựng ngục Đăk Glei thành “Căng An trí” để giam cầm, đày ải các chiến sĩ cộng sản và những người yêu nước tiêu biểu như: Lê Văn Hiến, Tố Hữu, Huỳnh Ngọc Huệ, Nguyễn Duy Trinh, Chu Huy Mân… Đầu tiên, ngục Đăk Glei chỉ có khu đồn của sĩ quan và lính Pháp ở cùng với 3 gian an trí nằm liền kề nhau, làm bằng gỗ, nứa, lợp tranh, chung quanh rào dây thép gai rất kỹ và cắm chông dày đặc, giam cầm gần 100 tù chính trị cách mạng. Nhưng sau cuộc vượt ngục táo bạo của nhà thơ Tố Hữu và Huỳnh Ngọc Huệ vào ngày 14.3.1942, thực dân Pháp đã quyết định xây thêm khu ngục biệt giam. Về điều này, trong “Trở lại Kon Tum”, nhà cách mạng Lê Văn Hiến viết: “Tình hình ở Đăk Glei sau sự kiện hai đồng chí Tố Hữu và Huỳnh Ngọc Huệ vượt ngục còn căng thẳng, chúng tôi chưa có điều kiện triển khai kế hoạch gì mới, thì đến tháng 6 năm 1942 thực dân Pháp ra lệnh đổi “căng” Đăk Glei về Đăk Tô…”.
Sau chiến tranh, ngục Đăk Glei bị hư hại gần như toàn bộ, mãi cho đến năm 1991, khi được Nhà nước công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia, từ nguồn kinh phí được đầu tư, tỉnh Kon Tum tu sửa nhà ngục, phục hồi nguyên trạng khu đồn, 3 gian nhà khu An trí và phòng biệt giam. Ngoài ra, một khu mô phỏng cảnh tù nhân bị bắt đi lao động khổ sai như làm đường, làm cầu… bằng nhóm tượng composit cũng được phục dựng trên một quả đồi cách nhà ngục mấy trăm mét. Nhờ được quan tâm đầu tư nên giờ đây, xung quanh ngục Đăk Glei một hệ thống cây xanh đã bắt đầu được phục hồi, tạo cảnh quan khá thú vị với cái nhìn bao quát từ góc máy flaycam trên cao. Và, cũng từ góc máy trên cao ấy, chúng tôi lần tìm con đường mà cách đây hơn 70 năm, nhà thơ Tố Hữu và người cộng sản kiên trung Huỳnh Ngọc Huệ, quê Đại Lộc, đã vượt biết bao gian khó, hiểm nguy, đói khát… gần 27 ngày đêm để tìm đến với làng Rô bên dòng Đăk My từ đỉnh Ngọc Linh, tỉnh Kon Tum chảy xuôi theo địa phận huyện Phước Sơn đổ về.
(Còn nữa)
NGỌC KẾT