Họ là người dân địa phương, những kỹ sư, cử nhân vừa ra trường tự nguyện lên non giữ rừng. Xem rừng là nhà, nơi mà mỗi sớm mai “mở cửa” nên họ cảm nhận sự vui buồn cùng nhịp sinh sôi của đại ngàn...
Bảo vệ đàn voọc
Sau cơn mưa bất chợt vào buổi sáng, dãy núi Hòn Dồ (xã Tam Mỹ Tây, Núi Thành) bắt đầu trời quang mây tạnh. Anh em nhà voọc chà vá chân xám tinh nghịch nhảy nhót trên những tàn cây khô. Bắt gặp cảnh này, mấy cán bộ kiểm lâm ở Trạm Kiểm lâm Núi Thành vui như hội. Ngay lập tức lực lượng chức năng và những nhà chuyên môn được báo tin và có mặt tại hiện trường. Họ đặt máy quay, dùng ống nhòm để nhìn thấy rõ hơn nhà voọc đang sinh hoạt.
Anh Nhiên, một thành viên của Nhóm tuần tra thôn bản xã Tam Mỹ Tây cho biết: “Đàn voọc hiếm khi xuất hiện, nhưng chúng tôi vẫn thường xuyên theo dõi nên biết chúng đang tập trung ở đâu. Khu rừng này giờ đây đã thân thuộc rồi. Mấy năm trước, chúng tôi đăng ký xin tự nguyện đi bảo vệ đàn voọc, với mong muốn chúng được bảo vệ nghiêm ngặt”.
Khu rừng tự nhiên rộng hàng chục héc ta ở Tam Mỹ Tây nằm sâu trong hốc núi Hòn Dồ, Hòn Ông, Dương Bông và Dương Bản Lầu của thôn Tú Mỹ (xã Tam Mỹ Tây). Dưới ngọn núi là làng xã, khu dân cư sinh sống tập trung. Vành đai bảo tồn dự án loài voọc chà vá chân xám này nằm gần với nương rẫy, đất trồng rừng nguyên liệu của người dân.
Theo anh Nhiên, dựa vào dân, nhóm tuần tra thôn bản bám sát địa bàn, đi gỡ từng cái bẫy đặt trong rừng. Từ khi các tổ chức quốc tế, ngành lâm nghiệp triển khai nhiều hoạt động khôi phục rừng và bảo tồn loài động vật quý hiếm này, thì khu rừng được đặt trong trong tình trạng cảnh giới cao.
Anh Nguyễn Dư - Trưởng nhóm tuần tra thôn bản Tam Mỹ Tây chia sẻ: “Trong tuần, anh em thay phiên nhau vào rừng, bất kể ngày mưa hay nắng. Chúng tôi vào nhóm chẳng được hưởng đồng lương nào từ tiền Nhà nước, dự án thì lâu lâu mới hỗ trợ tiền xăng xe, áo quần đồng phục. Đi rừng, phải bỏ công việc nhà, đồng áng. Nhưng vì yêu rừng, cưng con voọc chân xám mà anh em phải tìm cách dung hòa việc riêng”.
Ngoài những thanh niên khỏe mạnh, tại Tam Mỹ Tây còn có nhiều người lớn tuổi, cán bộ về hưu cũng tham gia nhóm. Như ông Lương Thanh Nghị dù đã hơn 65 tuổi nhưng tuần nào cũng dẫn nhóm tuần tra đi bộ nhiều giờ trong khu bảo tồn.
Ông Phan Minh Huấn – phụ trách Trạm Kiểm lâm Núi Thành chia sẻ, đơn vị có 5 cán bộ, nhân viên giữ rừng (2 công chức kiểm lâm và 3 nhân viên hợp đồng), trong khi đó nhóm tuần tra thôn bản tự nguyện được “biên chế” đến 10 người. Mỗi chuyến tuần tra trong rừng đều có ít nhất một cán bộ kiểm lâm, nhân viên của trạm theo cùng. Nhóm bảo vệ rừng tự nguyện được UBND xã thành lập vào tháng 5.2019, nhưng không được hưởng bất kỳ chế độ nào của Nhà nước, ngoại trừ thi thoảng dự án trang trải chi phí xăng xe.
“Có hai hành vi phổ biến xâm hại khu bảo tồn là đối tượng dùng chó săn thú và dùng bẫy dẫy, lưới bắt chim. Còn gỗ rừng tự nhiên thì tuyệt nhiên không ai dám chặt hạ” - ông Huấn nói.
Theo dự án Trường Sơn Xanh, hiện có khoảng 50 cá thể chà vá chân xám đang sinh sống trong ít nhất 4 đàn (gia đình) đã được ghi nhận qua các đợt khảo của Trung tâm GreenViet từ năm 2017 đến nay. Chúng sống trong dải rừng tự nhiên hẹp khoảng 30ha còn sót lại trên đỉnh núi đá.
Giữ vùng sinh cảnh cho voi
“Trong tuần, anh em thay phiên nhau vào rừng, bất kể ngày mưa hay nắng. Chúng tôi vào nhóm chẳng được hưởng đồng lương nào từ tiền Nhà nước, dự án thì lâu lâu mới hỗ trợ tiền xăng xe, áo quần đồng phục. Đi rừng, phải bỏ công việc nhà, đồng áng. Nhưng vì yêu rừng, cưng con voọc chân xám mà anh em phải tìm cách dung hòa việc riêng”.
(Anh Nguyễn Dư - Trưởng nhóm tuần tra thôn bản xã Tam Mỹ Tây, Núi Thành)
Bất chấp mưa lắc rắc, 2 nhóm bảo vệ rừng chuyên trách của Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi đóng ở huyện Nông Sơn vẫn “hành quân” vào rừng. Trong ba lô của các thành viên lỉnh kỉnh thực phẩm, nước uống, võng, mùng, mền..., để khi cần thiết có thể dựng lán trại ngủ lại.
Tại lưu vực lòng hồ thủy điện Khe Diên, sau khi lội suối, leo núi tiếp cận khoảnh rừng thuộc thôn Cấm La (xã Quế Lâm), nhóm chụm đầu nhìn vào tấm bản đồ, thiết bị định vị tọa độ. Qua một con suối róc rách, tổ tuần tra dừng lại nghỉ ngơi, một thành viên thở phào nói: “Bữa nay rừng yên, chưa tìm thấy vị trí nào đáng nghi ngờ cả”.
Từ Ngọc Tấn, quê xã Điện Phước (thị xã Điện Bàn) tốt nghiệp trung cấp nông lâm, đã ký hợp đồng bảo vệ rừng với Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi hơn 3 năm nay, anh bảo tháng lương đầu tiên nhận 3,6 triệu đồng, đơn vị đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế nên cũng an tâm công tác. “Tụi em xin vào đây một phần vì yêu con voi, phần muốn đem những kiến thức đã học để cùng dân làng bảo vệ tốt nhất vùng sinh cảnh cho voi sinh sống” – Tấn tâm sự.
Còn Khoa (20 tuổi, quê xã Tam Tiến, Núi Thành), một nhân viên bảo vệ rừng nói: “Đi rừng vất vả, nhưng anh em đều biết chia sẻ khó khăn. Có lúc dựng bạt, móc võng ngủ lại giữa rừng mà trong bụng bất an. Đã làm việc ở đây thì phải chấp nhận xem rừng như ngôi nhà di động, không có chuyện tuần tra rừng ở cổng gác hay trên bàn giấy”.
Tháng 1.2019, Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi chấm dứt hợp đồng giao khoán với nhóm hộ và chuyển sang mô hình bảo vệ rừng chuyên trách. Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi - ông Mai Văn Dưỡng cho biết, đến nay đơn vị đã ký kết hợp đồng với 13 người biên chế vào tổ bảo vệ rừng chuyên trách (10 người có trình độ đại học, 3 người có trình độ trung cấp và lao động phổ thông).
Theo ông Dưỡng, hầu hết anh em bảo vệ rừng chuyên trách của đơn vị tuổi đời còn rất trẻ, đã qua đào tạo chuyên môn về lĩnh vực lâm nghiệp, sử dụng thành thạo các phần mềm công nghệ nên giữ rừng rất hiệu quả. “Việc thí điểm mô hình giữ rừng theo hướng gọn nhưng đủ mạnh đã chuyển biến rõ rệt, nên sắp đến đơn vị sẽ đề xuất tuyển dụng thêm lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách” - ông Dưỡng nói.
Chịu thiệt thòi khi công tác nơi rừng thiêng nước độc, nhưng bằng tình yêu nghề, yêu động vật quý hiếm, mà nhiều người trẻ đã dấn thân, lặng lẽ giữ gìn sự bình yên cho đại ngàn.