Từ những chuyến bay giải cứu...

PHÚ THẠNH 09/01/2023 07:48

Những vi phạm nghiêm trọng liên tục được đưa ra ánh sáng, khiến một chủ trương đúng đắn, đậm tính nhân văn trở thành nỗi thất vọng, bức xúc trong công chúng mỗi khi báo chí, truyền thông nói đến “những chuyến bay giải cứu”. Tuy nhiên, một sự thật khác cần nhắc nhớ và không thể lãng quên là rất nhiều câu chuyện đẹp, hình ảnh đẹp về tinh thần trách nhiệm, sự dấn thân, sẵn sàng chấp nhận khó khăn của hàng nghìn cán bộ, công chức, chiến sĩ, nhân viên y tế và những người dân trong những giai đoạn căng thẳng nhất khi cả nước gồng mình chống dịch...

Công dân Việt Nam từ nước ngoài về đến cách ly tại Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân 5 (Thăng Bình). Ảnh: T.P
Công dân Việt Nam từ nước ngoài về đến cách ly tại Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân 5 (Thăng Bình). Ảnh: T.P

Gần 2.000 chuyến bay giải cứu, với khoảng 200 nghìn người Việt Nam từ 60 nước trên thế giới được về quê hương an toàn - theo số liệu từ Bộ Công an, trong giai đoạn cả thế giới rúng động do đại dịch COVID-19, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam cũng đang vật lộn với dịch bệnh ở hầu khắp mọi miền, là minh chứng cho những nỗ lực vượt bậc và sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị nói riêng, người dân Việt Nam nói chung hướng đến bà con nơi xa đang nóng lòng về quê cha đất tổ. Nên nhớ, thời điểm ấy, để thực hiện một chuyến bay giải cứu là cả quy trình vô cùng phức tạp.

Chủ trương đúng đắn

Theo tài liệu từ Văn phòng UBND tỉnh, Quảng Nam đón chuyến bay giải cứu đầu tiên vào cuối tháng 4/2021 và chuyến cuối cùng là giữa tháng 1/2022. Có tổng cộng 40.096 người từ nước ngoài hồi hương về cách ly an toàn tại 28 khách sạn, hầu hết 4 sao trở lên và chủ yếu tập trung ở khu vực ven biển Hội An, Điện Bàn.

Trước đó, từ ngày 29/5/2020, đã có chuyến bay đầu tiên đưa kiều dân Việt Nam về quê hương và được cách ly tại Trường Cảnh sát nhân dân 5 (Thăng Bình), do quân đội trực tiếp quản lý và được miễn phí hoàn toàn.

So với thời điểm Chính phủ có chủ trương cho phép thực hiện những chuyến bay giải cứu có thu phí, Quảng Nam là một trong số các địa phương triển khai thực hiện khá sớm.

Cụ thể, ngày 7/4/2021,Văn phòng Chính phủ có Công văn số 2490 về một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đề xuất hỗ trợ tổ chức chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước.

Tiếp đó là nhiều văn bản khác của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch, các Bộ, ngành trung ương về chủ trương này. Và ngày 16/4/2021, UBND tỉnh có Công văn số 2195 về việc tiếp đón công dân về nước cách ly tập trung tại các khách sạn.

Thời điểm đó, so với nhiều địa phương, diễn biến của đại dịch COVID-19 tại Quảng Nam có thể nói ít phức tạp và căng thẳng hơn; đồng thời công tác phòng chống dịch cũng được triển khai quyết liệt, đồng bộ và khá bài bản từ tỉnh đến cơ sở. Cả hệ thống chính trị đồng lòng vào cuộc và tuyệt đại người dân tuân thủ nghiêm các quy định về phòng chống dịch.

Trong khi đó, các doanh nghiệp du lịch rơi vào sự suy thoái nặng nề; nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng sa thải hầu hết nhân viên, đứng trước nguy cơ phá sản. Vậy nên, rất dễ hiểu ngay khi có chủ trương của Chính phủ, hàng loạt khách sạn như thấy được chiếc “phao cứu sinh” trước mắt mình, nhanh chóng đăng ký để được làm khu cách ly đón bà con về nước tránh dịch.

Sẵn kinh nghiệm từ công tác phối hợp phục vụ đón công dân, quản lý và thực hiện phòng chống dịch tại cơ sở cách ly tập trung đối với bà con nước ngoài về quê hương trên các chuyến bay giải cứu miễn phí do quân đội quản lý (Quảng Nam đã đón 6.293 công dân Việt Nam về nước cách ly thuộc diện này từ tháng 5/2020 đến tháng 10/2021); diễn biến của dịch bệnh và năng lực phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh; nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của các doanh nghiệp; cùng trách nhiệm, tình cảm  đối với bà con xa quê, chính là những lý do có thể lý giải cho sự năng động, quyết liệt của Quảng Nam.

Cũng cần nhắc thêm, địa phương rất thuận lợi khi có nhiều khách sạn đủ tiêu chuẩn ở gần sân bay Đà Nẵng, và giai đoạn đó, TP.Đà Nẵng và nhiều tỉnh, thành khác vẫn đang phong tỏa trên diện rộng vì dịch bệnh.

Hơn 46 nghìn bà con ở nước ngoài về nước (kể cả trên các chuyến bay giải cứu có thu phí và miễn phí) được cách ly an toàn, chăm lo chu đáo hẳn sẽ rất vui mừng.

Hàng chục khách sạn nhờ đó, cũng có nguồn thu quý giá để trụ lại trong khốn khó, hàng nghìn nhân viên du lịch nhờ thế khỏi mất việc làm, là những mảng màu sáng đem lại nhiều giá trị không thể phủ nhận trong bức tranh “giải cứu”.

Quy trình chặt chẽ

Ngày 12/5/2021, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh phòng chống dịch có Quyết định số 57 về Quy chế tổ chức đón tiếp, bàn giao, quản lý, điều hành và bảo vệ khu cách ly tập trung có thu phí tại các khách sạn.

Theo đó, đã thiết lập một quy trình chặt chẽ, rõ trách nhiệm đối với các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong tham mưu, đề xuất, đăng ký, khảo sát, cấp phép thành lập khu cách ly; tiếp nhận, quản lý, phục vụ, bảo đảm tuyệt đối an toàn phòng chống dịch.

Cụ thể, Sở VH-TT&DL được giao nhiệm vụ đầu mối tiếp nhận hồ sơ đăng ký khu cách ly của  doanh nghiệp; tổ chức đoàn kiểm tra, khảo sát gồm nhiều thành viên của các cơ quan chức năng (y tế, công an, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, chính quyền cấp huyện, xã), trên cơ sở đó tham mưu UBND tỉnh quyết định thành lập khu cách ly nếu đủ điều kiện quy định.

Đối với việc xin chủ trương và chấp thuận chủ trương cách ly, sau khi doanh nghiệp có văn bản đề nghị cho phép đón người nhập cảnh về địa phương kèm theo phương án cụ thể, Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở VH-TT&DL xem xét từng phương án đối với mỗi chuyến bay để tham mưu UBND tỉnh đồng ý về nguyên tắc.

Các bước kế tiếp càng phức tạp hơn, khi doanh nghiệp buộc phải xin ý kiến đồng thuận của 5 Bộ, ngành Trung ương và Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao có văn bản đồng ý với đề nghị của doanh nghiệp. Từ đây, Sở Y tế và Sở VH-TT&DL mới trình UBND tỉnh chính thức cấp phép đón công dân về nước.

Tại các khách sạn được chọn làm khu cách ly, công tác đón tiếp, bàn giao, quản lý, điều hành, phục vụ... cũng phải tuân thủ theo quy trình chặt chẽ; dưới sự kiểm tra, giám sát thường xuyên của ngành y tế và các lực lượng chức năng liên quan.

Về giá dịch vụ tại các khu cách ly, các khách sạn được tự do kinh doanh theo pháp luật nhưng phải công khai, minh bạch với khách hàng và cơ quan nhà nước. Riêng chi phí đón người nhập cảnh trên các chuyến bay giải cứu, doanh nghiệp thỏa thuận với khách theo hợp đồng dịch vụ.

Và... bài học đau xót!

Buổi tối ngày cuối cùng năm 2022, Quảng Nam bất ngờ và sửng sốt khi báo chí và các trang mạng đồng loạt đưa tin Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân bị bắt liên quan đến “sự cố” về những “chuyến bay giải cứu”.

Trước đó, từ buổi sáng dư luận đã râm ran, nhưng nhiều người không tin là sự thật; cho dù thời gian qua, không ít người, kể cả cán bộ cấp cao ở nhiều bộ, ngành, địa phương lần lượt bị vạch trần.

Công dân Việt Nam từ nước ngoài về khai báo y tế khi đến cách ly tại Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân 5 (Thăng Bình). Ảnh: T.P
Công dân Việt Nam từ nước ngoài về khai báo y tế khi đến cách ly tại Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân 5 (Thăng Bình). Ảnh: T.P

Một quy trình chặt chẽ. Một chủ trương nhân văn. Một bối cảnh xã hội đặc thù lúc cả nước trong cơn nguy khó, khi không ít đồng bào nghèo nơi non cao vẫn lặn lội vào rừng đào bới từng củ sắn, gom từng bó rau rừng gửi về xuôi; và rồi hàng nghìn, hàng vạn cán bộ, công chức, viên chức, y bác sĩ, bộ đội, người dân sẵn sàng chấp nhận khó khăn, nguy hiểm để góp sức phòng chống dịch vẫn không “chống đỡ” được lòng tham vô đáy và “căn bệnh” KHÔNG BIẾT SỢ đang ngự trị trong một số người.

Điểm lại, từ khi cả nước bước vào cuộc chiến cao điểm “đốt lò” do Trung ương Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư khởi xướng tại Đại hội XII của Đảng, hàng loạt vụ đại án đã được đưa ra ánh sáng; hàng nghìn đối tượng, cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương đã phải vào tù; hàng trăm vụ việc tiêu cực từ nhiều năm trước tưởng đã chìm lấp và nhiều quan chức tưởng đã an phận vui thú điền viên vẫn không thoát khỏi vòng lao lý.

Nhưng rồi, vẫn xuất hiện những vụ mới, ngay cả trong những thời điểm nhạy cảm, những hoạt động đòi hỏi cao về tinh thần thiện nguyện vì lợi ích cộng đồng. Nói bệnh KHÔNG BIẾT SỢ là thế.

Không loại trừ và có lẽ dư luận chắc sẽ không còn quá bất ngờ nếu như có thêm những người KHÔNG BIẾT SỢ tiếp tục bị đưa ra ánh sáng, khi mà cơ quan điều tra vẫn chưa hoàn tất toàn bộ kết luận về vụ án (cũng như có thêm những vụ án mới trong tương lai).

Nhưng đó chỉ là số rất ít so với hàng triệu cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân đang đồng tâm, nỗ lực phấn đấu vì sự phát triển của quê hương đất Việt; hàng vạn những điều tốt đẹp vẫn diễn ra sinh động trong đời sống hằng ngày.

Chỉ có điều cần nhấn mạnh rằng, tuy chỉ là một số ít cá nhân, nhưng với đảng viên, cán bộ, quan chức “dính chàm” do cố ý trục lợi, bỏ qua danh dự gia đình và trách nhiệm, bổn phận phải bảo vệ, gìn giữ uy tín cho tập thể, thì tác động tiêu cực đối với tâm lý xã hội là không tránh khỏi. Câu chuyện buồn đối với Quảng Nam cuối năm qua, lại thêm một hồi chuông cảnh báo!

ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, BÍ THƯ TỈNH ỦY PHAN VIỆT CƯỜNG: "BÌNH TĨNH, ĐOÀN KẾT, VƯỢT KHÓ VÌ KHÁT VỌNG PHÁT TRIỂN QUẢNG NAM"

Phát biểu tại hội nghị toàn ngành Tổ chức xây dựng Đảng của tỉnh giữa tuần qua, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường chia sẻ: “Quảng Nam đã rất vui mừng, phấn khởi khi kết thúc năm qua, 16/16 chỉ tiêu theo nghị quyết của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh đều đạt và vượt, cùng nhiều cơ hội mới mở ra đối với sự phát triển của quê hương.

Tuy nhiên, đáng tiếc là thời điểm cuối năm lại xảy ra vài chuyện buồn (trước vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh bị bắt, là vụ việc liên quan đến đại biểu HĐND tỉnh - ông Nguyễn Viết Dũng đánh nhân viên sân gôn - PV), gây ảnh hưởng đáng kể đến tâm lý của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đây là sai phạm của một số rất ít cá nhân, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng hết sức bất ngờ.

Tôi mong rằng, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân hãy thật bình tĩnh, đoàn kết, cùng nhau nỗ lực vượt khó vì sự phát triển của quê hương Quảng Nam.

Trước mắt là tập trung chăm lo tết tốt nhất cho dân, nhất là người nghèo, gia đình chính sách; đồng thời sẵn sàng triển khai các nhiệm vụ của kế hoạch năm 2023, dự báo sẽ có nhiều có khăn, thách thức”.

Chia sẻ với Báo Quảng Nam, đồng chí Phan Việt Cường cho hay, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII đến nay, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều nghị quyết, quy định, kết luận cụ thể với rất nhiều điểm mới, quan trọng về công tác cán bộ, thường xuyên chú trọng giáo dục chính trị tư tưởng và đạo đức lối sống cho cán bộ, đảng viên; siết chặt kỷ cương, kỷ luật...

“Sai phạm của những cá nhân hay tập thể nếu có, trong phạm vi chức năng, quyền hạn của mình, các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh sẽ kiên quyết xử lý theo đúng quy định của Đảng và pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ như tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư. Tôi mong rằng, những chuyện không hay vừa qua là lời cảnh tỉnh nghiêm khắc cho cán bộ, đảng viên hãy biết tự giữ mình” - đồng chí Phan Việt Cường nhấn mạnh.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Từ những chuyến bay giải cứu...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO