Từ những cú click chuột

LÊ QUÂN 18/03/2016 08:35

Facebook đã thông dụng tới mức ngoài chức năng kết nối bạn bè, những hoạt động cộng đồng thông qua kênh này đã mang lại nhiều thành công.

Nhuộm xanh không gian

“Chỉ cần post ảnh có màu xanh lá, để chế độ public và dùng hashtag #GoGreen4PatricksDay#GreenYourSpace, bạn đã đóng góp 20.000 đồng/post cho dự án Vườn xanh và Sân chơi tự nhiên của Trường Tiểu học Lý Tự Trong, phường Cẩm Thanh, Hội An”. Những ngày này, facebook ngập tràn màu xanh và những dòng chia sẻ như vậy. Chiến dịch nhuộm xanh các không gian công cộng này do Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam phát động và nhóm bạn trẻ của chương trình “Đại học không giảng đường” thực hiện. Những người trẻ sử dụng mạng xã hội chỉ cần 2 bước thực hiện, bằng cách đăng những tấm ảnh có màu xanh của mình và sử dụng một hashtag (dấu thăng) với tên chương trình là đã góp phần “ủng hộ” dự án này. Rất đơn giản, những cú click chuột đã trở nên ý nghĩa. Chương trình đang trong những ngày cuối cùng kêu gọi “cộng đồng facebook” tham gia. Nhiều bạn trẻ chia sẻ: “Rất ít khi tham gia vào các chương trình trên FB nhưng mình yêu màu xanh, và quá dễ để ủng hộ 20.000 đồng cho một dự án phủ xanh cuộc sống, mang đến niềm vui cho một trường tiểu học ở Hội An”.  Dự kiến, chiến dịch sẽ kéo dài đến hết ngày 22.3 hoặc tới khi mục tiêu gây quỹ đạt được. Trong khi đó, một nhóm các bạn trẻ của dự án “Đại học không giảng đường” đã đến khảo sát Trường Tiểu học Lý Tự Trọng (phường Cẩm Châu) để đo đạc và lên phương án thiết kế.

Các bạn trẻ thuộc dự án “Đại học không giảng đường” chuẩn bị vật liệu làm sân chơi công cộng ở vùng ven biển Cửa Đại.
Các bạn trẻ thuộc dự án “Đại học không giảng đường” chuẩn bị vật liệu làm sân chơi công cộng ở vùng ven biển Cửa Đại.

Đây không phải là hoạt động cộng đồng đầu tiên do nhóm sinh viên của Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, nằm trong dự án “Đại học không giảng đường” và Trung tâm Vì sự phát triển đô thị thực hiện. Cuối năm 2012, sân chơi ngoài trời miễn phí đầu tiên ra đời tại khối phố An Mỹ (phường Cẩm Châu), khởi đầu cho những sân chơi an toàn trên khắp đô thị cổ. Chọn khuôn viên Nhà văn hóa khối phố để triển khai, mô hình gồm những trò chơi được thiết kế thành chuỗi liên hoàn, từ leo trèo, bập bênh, đu quay, bò và trườn qua đường hầm, đi thăng bằng, cầu trượt… Điều đặc biệt, tất cả được tận dụng từ những sản phẩm có sẵn tại địa phương, thân thiện với môi trường như tre, trúc, dây thừng... xây dựng cho trẻ ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường sống. Từ đó đến nay, trên địa bàn tỉnh có khá nhiều khuôn viên xanh ra đời từ những hoạt động cộng đồng của người trẻ. Trong đó, Đặng Hương Giang - thủ lĩnh của Trung tâm Vì sự phát triển đô thị, là đầu tàu làm nên những dự án cộng đồng. Hiện tại, trung tâm đã làm nên nhiều không gian xanh với tiêu chí thân thiện môi trường và phù hợp bản sắc văn hóa địa phương. Trung tâm đã làm ở phường Cẩm Châu Hai công viên, Cẩm Thanh có 1 sân chơi, ven biển Cửa Đại có 1 công viên giữ nguyên hệ sinh thái bản địa. Mới đây, nhà cộng đồng Cẩm Thanh do trung tâm thực hiện đã đoạt giải tại hạng mục Kiến trúc dân dụng - cộng đồng tại Liên hoan Kiến trúc thế giới (WAF) 2015 tổ chức ở Singapore. Tuyến xe bus công cộng vòng quanh Hội An do trung tâm phối hợp cùng UBND TP.Hội An thực hiện cũng vừa đi vào hoạt động.

Di sản qua “facebook”

Nếu “Hoi An free tour” là một nhóm bạn trẻ yêu thích ngoại ngữ, lập nên tour du lịch miễn phí cho người nước ngoài tham quan không gian di sản phố Hội, thì “Humans of Hoian”, với tiêu chí mô tả lại những câu chuyện đời thường của công dân phố cổ thông qua các bức ảnh, đã khiến Hội An trở nên sinh động hơn trong “thế giới phẳng”. Những người trẻ với ý tưởng táo bạo, mượn facebook làm công cụ để kết nối với nhau, và có thể, thì làm nên những chuyện hữu ích, cả về mặt truyền thông lẫn hành động. Ở góc độ văn hóa, truyền thông di sản thực sự hữu hiệu. Đã có nhiều sự việc được làm rõ thông qua kênh truyền thông này. Riêng với Hội An hay Mỹ Sơn, lượt người quan tâm đến hai khu di sản này trên “thế giới phẳng” khá cao. Bất cứ một sai lệch trong phương thức trùng tu cũng như “đụng chạm” đến di sản đều bị dư luận lên tiếng.

 Khoảng gần 2 năm nay, những nhà nghiên cứu văn hóa lẫn những ai yêu văn hóa Việt tìm đến nhóm “Đình làng Việt” trên facebook khá nhiều. Đây là trang thông tin mở và những người yêu di sản ở khắp mọi miền đất nước đều có thể tham gia tương tác. Bằng cách đăng tải thông tin, hình ảnh về những di tích ở quê hương hoặc trên những điểm đến, các vấn đề trong những cuộc trùng tu..., sẽ có một “tổ công tác đặc biệt” được thành lập để đến hiện trạng di tích. Hiện tại, trang Facebook này đã quy tụ hơn 5.000 thành viên. Từ thế giới ảo, Đình làng Việt bước ra thực tế với một cuộc triển lãm ảnh khá đình đám diễn ra vào tháng 8.2015. Nhiều chiến lược dài hơi hơn của nhóm cũng đã được lên kế hoạch thực hiện, trong đó, khuyến khích người địa phương - những chủ thể của văn hóa đình làng tham gia, là mục tiêu mới trong năm 2016 này của nhóm.

Một “di sản” trong lòng người Việt Nam cũng như gây ấn tượng mạnh với bạn bè thế giới, là bộ quốc phục “áo dài” cũng đã được mang vào thế giới phẳng từ sự đam mê của một cô gái trẻ. “Ao Dai around the world” (tạm dịch “Áo dài vòng quanh thế giới”) của cô gái Nguyễn Thị Thu Thủy đã thu hút hơn 3.500 thành viên, với mong ước đưa tình yêu áo dài đến với mọi người. Chiếc áo dài nước Việt đã đến tận châu Phi xa xôi, hay xuất hiện trong cái giá lạnh của châu Âu… đã ghi lại dấu ấn trong lòng người khắp mọi nơi.

Đón nhận và sử dụng một công cụ truyền thông như facebook thế nào để có hiệu quả. Đầu tiên cần một tấm lòng. Từ những cú click chuột, nhiều người ở mọi nơi đã làm nên nhiều chuyện hữu ích. Vậy nên những cú click, đâu phải hoàn toàn vô nghĩa…

LÊ QUÂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Từ những cú click chuột
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO