Từ những miền ký ức...

LÊ QUÂN 26/07/2016 08:55

Hôm qua 25.7, Hội Văn học - nghệ thuật tỉnh phối hợp với Sở VH-TT&DL khai mạc trưng bày hình ảnh, tư liệu chuyên đề “Văn nghệ sĩ kháng chiến khu 5 với Quảng Nam”. Những hình ảnh, tư liệu trưng bày đã gợi nhắc và làm thức dậy vô vàn cảm xúc từ người trong cuộc lẫn những thế hệ người Quảng Nam sinh sau hòa bình. Trưng bày kéo dài đến ngày 29.7, một hoạt động “tưởng niệm” ý nghĩa, trong những ngày tháng 7 thiêng liêng.

Những hình ảnh, tư liệu cuốn hút người xem tại trưng bày hình ảnh, tư liệu chuyên đề “Văn nghệ sĩ kháng chiến khu 5 với Quảng Nam”.  Ảnh: L.QUÂN
Những hình ảnh, tư liệu cuốn hút người xem tại trưng bày hình ảnh, tư liệu chuyên đề “Văn nghệ sĩ kháng chiến khu 5 với Quảng Nam”. Ảnh: L.QUÂN

“Nếu con nằm xuống nơi đây”

“Và cuộc đi bộ vượt Trường Sơn bắt đầu. Mãi tới chiều 27.6.1971, chúng tôi mới tới được nơi đóng quân của Ban Tuyên huấn Khu ủy khu 5. Hơn hai tháng trời vượt Trường Sơn, trong 19 anh em chúng tôi, có người bị sốt rét, có người leo dốc bị trượt ngã, có người sức yếu không bám sát đoàn, bị lạc đường xóc phải chông, phải nằm lại trạm khách hoặc trạm xá (của binh trạm) để chữa trị. Nhưng cuối cùng, không một ai “B quay”, tháo lui”. (trích “Chuyện nhỏ của một thời và của một đời” - Nguyễn Bá Thâm). Những hồi ức như vậy, cứ thi nhau chảy tràn, hấp háy trên những đôi mắt đã trầm đục bởi thời gian, và bởi cả những khốc liệt của quá khứ. Cuộc gặp gỡ lần này, chỉ đôi ba người kịp trở về đất Quảng, khi tuổi đã ở vào hàng bảy mươi “cộng”. Và dù chỉ gặp nhau, trên những tấm ảnh đã hoen ố, chỉ đọc nhau qua những dòng hồi ký, nhưng họ vui, rất vui. Nhà văn Nguyễn Bá Thâm, quê Nghệ An, nhưng đất Quảng là nơi chứa cả trời tuổi trẻ cho đến bây giờ của ông, tay mân mê chạm vào một tấm ảnh đã loang lổ trắng đen, chỉ rành rẽ từng gương mặt bạn bè văn nghệ, người nào còn, người nào mất. Lại nhớ những đêm nằm rừng, những kỷ niệm ở khu 5. Bây giờ, mảnh đất này, không chỉ là quê hương, mà còn có cả máu thịt của những người hơn cả ruột rà…

Tại trưng bày hình ảnh, tư liệu chuyên đề “Văn nghệ sĩ kháng chiến khu 5 với Quảng Nam”, dẫu tư liệu, tác phẩm, hình ảnh không nhiều, nhưng cũng đã phần nào đó góp thêm tiếng nói tri ân và tưởng niệm, với những người đã cống hiến cả thời đoạn đẹp nhất của đời người ở Quảng Nam. Trên mặt trận văn hóa - tư tưởng, những văn nghệ sĩ đã quyết liệt, sống chết với từng mảnh đất, từng con người… để ghi nhặt những hình ảnh chân thực nhất của hành trình luôn ngẩng cao đầu của một đất nước. Không ít văn nghệ sĩ đã “nằm lại với đất lành”, không vẹn lời hứa sẽ trở về, như nhà quay phim chiến trường Vũ Phạm Chuân, đã hẹn với người yêu rằng “anh sẽ về lại giữa mùa hoa nở/ và cùng em viết tiếp cuộc đời vui”. Hay nữ nhà báo Dương Thị Xuân Quý với lời tạ từ cùng con “hãy tha thứ cho mẹ con nhé! Mẹ sẽ mang hạnh phúc tới cho con”… Và còn rất nhiều những văn nghệ sĩ khác, mà tên của họ sẽ mãi mãi bất tử, ở lứa tuổi hai mươi. Những tác phẩm của họ viết về mảnh đất “kiên trung, bất khuất”, như một loại vũ khí có sức mạnh xốc tinh thần của những người lính, để đi đến mục đích cuối cùng là hòa bình. Và, phía sau những rầm rập quân đi ấy, còn tiếng nói thủ thỉ rằng: “Nếu con nằm xuống nơi đây/ Mẹ ơi mẹ nhớ một ngày vắng con”… (trích thơ Nguyễn Bá Thâm).

Những câu chuyện để lại

Trong số những hình ảnh tư liệu tại cuộc trưng bày, khá nhiều người khựng lại trước 2 tấm ảnh, dù được chụp sau khi hòa bình đã lập lại gần 40 năm. Cả 2 tấm ảnh kể chung một câu chuyện. Bắt đầu từ giọt nước mắt của nhà báo Quân khu 5 Dương Đức Quảng, khi ông thấy lại tấm vải dù ngày xưa gửi đồng đội Hoàng Quốc Thăng mang ra Bắc. Không ngờ tấm vải dù đó đã nằm lại cùng liệt sĩ Thăng trong hang đá trên núi Hòn Tàu sau loạt bom B52 của địch vào tháng 5.1972. Không phải là người lính trực tiếp cầm súng tham gia chiến trận nhưng suốt nhiều năm liền, nhà báo Dương Đức Quảng có mặt ở những điểm đầu khói lửa với tư cách là phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Việt Nam. Ông về với chiến khu Quảng Đà khi đang là một cậu sinh viên văn khoa, một nhà báo tương lai sáng ngời ở đất Bắc. Nhưng đối mặt với cái chết, những trận càn, những cuộc bị địch bao vây hàng tuần lễ ở mặt trận Quảng Đà, vẫn chưa bao giờ nghĩ mình sẽ thôi cuộc hành trình này. Hòa bình lập lại, nhiều đồng đội của ông đã nằm lại với đất Quảng. Và hơn 40 năm sau, người bạn, đồng đội, đồng chí của ông mới được tìm thấy cùng tấm vải dù năm xưa, khiến ông không khỏi rơi nước mắt. Và bức hình thứ 2 chụp lại tấm vải dù được tìm thấy cùng hài cốt liệt sĩ Hoàng Quốc Thăng, hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Đà Nẵng.

Những hình ảnh đầy sức gợi lại, nhắc nhớ nhiều câu chuyện cũ, của những người đã từng vào sinh ra tử trong cuộc chiến nơi mảnh đất Quảng Nam. Ông Phan Khắc Chưỡng, từng tham gia trận chiến ở Thượng Đức, khi nhìn hình ảnh tấm vải dù, lòng cũng rưng rưng nhớ kỷ niệm về chiếc mũ tai bèo được một anh bộ đội quân khu tặng. “Hồi đó mình là quân địa phương, cứ ước ao có được cái mũ tai bèo. Rồi trong cuộc chiến Thượng Đức, một anh bộ đội bị thương, mình cõng anh về trạm xá, sau đó anh tặng mình cái mũ tai bèo của anh. Giờ nhìn tấm vải dù này mà nhớ đến kỷ niệm đó” - ông nói. Và rất nhiều những hình ảnh khác, từ những bức ký họa bằng màu nước vào những năm 1967 - 1970, đến những tấm ảnh đen trắng chụp các khoảnh khắc của người chiến sĩ - văn nghệ sĩ khu 5. Những tấm ảnh chân dung đã phôi phai màu của năm tháng. Trong những bức ảnh, có người đã vĩnh viễn nằm lại với xứ Quảng, có người đã đi đến chặng cuối cuộc đời, chỉ còn vài người tìm về thăm nhau… Những cuốn sách về chiến tranh cách mạng, về ghi chép từng đoạn đời ở xứ Quảng, cũng đã ố vàng. Đã hơn 40 năm, còn gì…

Nếu không có họ, những văn nghệ sĩ - chiến sĩ, bộ mặt của chiến tranh, những khốc liệt, đớn đau, những nỗi buồn… sao được biết đến, sao được hình dung… Và sao, mà thấy hết giá trị, hạnh phúc khi sống trong hòa bình?

LÊ QUÂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Từ những miền ký ức...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO