Từ những "người vận chuyển"...

NGUYỄN ĐIỆN NAM 22/12/2023 17:00

Ông già Noel như kiểu “người vận chuyển” từ cổ điển đến hiện đại có thể mang lại đủ thứ thức quà cho trẻ em khắp nơi trên thế giới. Nói vui vui ông như là shipper tài năng và nhanh nhẹn.

Nhưng có lẽ điều kỳ diệu nhất của biểu tượng “người vận chuyển” này chính là truyền tải thông điệp văn hóa, dường như đã giúp xóa nhòa ranh giới đạo - đời, lương - giáo và ngay cả góp phần biến Giáng sinh trở thành ngày hội chung của bộ phận lớn cộng đồng nhân loại.

Cũng như những đứa trẻ theo đạo thờ ông bà, tuổi thơ tôi không biết chi nhiều về Thiên Chúa giáo. Lúc đi học ngang qua nhà thờ ở Vĩnh Điện, Điện Bàn mỗi mùa đông se lạnh thoảng thấy người ta trang bày ông già Noel, biết là Giáng sinh sắp về.

Ra Huế, ở Trường Đại học Tổng hợp, tình cờ nghe kể đó là trường Thiên Hựu cũ, một chủng viện do Công giáo lập ra, nằm chừng quãng giữa hai nhà thờ Phủ Cam và nhà thờ dòng Chúa cứu thế. Và cũng ngẫu nhiên, trong lớp văn Tổng hợp Huế của tôi có soeur Tuyệt ghi danh.

Vì soeur Tuyệt ở ban nghi lễ nhà thờ Phủ Cam nên mỗi khi có Giáng sinh, vài người bạn thân quen trong lớp được xơ mời dự tiệc mừng. Một đêm Giáng sinh Huế lạnh cắt da thịt, nhưng tôi lên Phủ Cam được ngồi trong căn phòng ấm áp bởi nhiều ánh nến lung linh, được “bà” Noel là xơ Tuyệt tặng quà, mời thưởng thức các loại bánh và vài ly vang đỏ.

Chừng đó, với lứa sinh viên nghèo đói của chúng tôi ngày ấy, cảm nhận cung cách của xơ quý phái lắm! Mà sự quý phái cũng đâu đó hiện lên ở những cô bạn xóm đạo ngày xưa, mường tượng hình như sự ám thị khi nhìn mãi ảnh Đức mẹ Maria nên sinh ra gương mặt tựa thiên thần.

Từ những “người vận chuyển” ấn tượng ấy, chúng tôi đã quen dần với những mùa Giáng sinh tổ chức mấy chuyện vui ở ký túc xá với việc rộn ràng trang trí cây thông, tự tạo những ông già, bà già Noel đi tặng quà cho nhau rồi vui liên hoan nhỏ, đàn hát thâu đêm. Ở đó, men say tình bạn và tình yêu trở nên thơm ngọt kỷ niệm, để nhiều năm tháng qua đi chìm vào cõi mưu sinh lưu lạc vẫn nhớ về nhau.

Về sau, đọc thêm ít sách vở, càng hiểu thêm sự dự phần của các tôn giáo vào dòng chảy lịch sử đất Việt. Như với Thiên Chúa giáo, những ghi chép cũ cho biết từ năm 1550, linh mục Dòng Đa Minh Gaspar de Santaz Cruz đến Việt Nam và trong các năm 1580, 1586, hai giáo sĩ Dòng Đa Minh là Luis de Fonceca  (người Bồ Đào Nha) và Grégoire de la Motte (người Pháp) đã tới giảng đạo tại Quảng Nam.

Rồi các giáo sĩ Dòng Tên đã đến Cửa Hàn (Đà Nẵng) từ năm 1615 như Buzomi (người Ý), Carvalho (người Bồ Đào Nha)… Tại Quảng Nam, Buzomi đã có khoảng 300 người “tân tòng”.

Gắn với lịch sử Thiên Chúa giáo ở Quảng Nam, có lẽ phải kể nhiều chút về giáo sĩ Đắc Lộ. Cuối năm 1624, linh mục Alexandre de Rhodes (giáo sĩ Đắc Lộ) đến Việt Nam. Năm 1626, A.de Rhodes ra Bắc, được chúa Trịnh cho phép giảng đạo. Sau ba năm, đã có 6.700 người theo.

Năm 1630, linh mục rời Việt Nam và trở lại vào năm 1640. Vị giáo sĩ này đã vận động vua Pháp thành lập “Hội Truyền giáo nước ngoài Paris” và tiến cử giáo sĩ Pháp để Giáo hoàng phong chức giám mục rồi phái sang Việt Nam.

A.de Rhodes và trước đó là giáo sĩ Francisco de Pina, nhiều năm trú sở tại vùng Dinh trấn Thanh Chiêm và Hội An, đã có công đầu trong ký âm la tinh, khai sinh chữ quốc ngữ, tác động mạnh mẽ đến sự thay đổi văn hóa và giáo dục.

Sau những biến thiên lịch sử, Thiên Chúa giáo cùng các tôn giáo khác hòa nhập dòng chảy lịch sử dân tộc Việt nói chung, xứ Quảng nói riêng, đã có biết bao “người vận chuyển” truyền tải những giá trị văn hóa, làm phong phú đa dạng sắc màu đời sống tinh thần. Từ đó mới đi đến “Thư chung” mang thông điệp “Sống phúc âm trong lòng dân tộc và phục vụ hạnh phúc của đồng bào”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Từ những "người vận chuyển"...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO