Chiều cuối tuần, xuống cánh đồng Nhong hít hà mùi rơm rạ trên những khoảnh ruộng vừa xong vụ gặt. Từ đây ngó về phố chợt nhớ lại những toan tính ở nhiệm kỳ trước. Đó là khu đô thị sinh thái cánh đồng Nhong.
Khu vực có vị trí đắc địa này từng được đề cập với nhiều phương án thiết kế. Chính quyền mong muốn biến nơi này thành quần thể đô thị sinh thái hấp dẫn và khác biệt nhằm tạo sức hút cho dân cư TP.Tam Kỳ.
Đó là giấc mơ xây dựng khu vực cánh đồng Nhong không chỉ trở thành khu đô thị sinh thái đặc trưng mà còn là khu vui chơi giải trí, khu dịch vụ thương mại trung tâm của thành phố. Thị dân được rỉ tai nhau về những dự án trên cánh đồng này...
Từ cánh đồng lang thang dọc sông Tam Kỳ, Bàn Thạch, thấy nhiều khúc sông ô nhiễm, chật chội. Suốt quãng dài sông Bàn Thạch, nhiều đoạn lục bình phủ kín, sông chỉ còn như con lạch.
Tôi gặp hai vợ chồng sớm sớm vẫn giong ghe trên đoạn sông chật. Vợ thả lưới chồng chèo, tiếng lộc cộc gõ mạn ghe tan nhanh theo lau lách.
Ngoài mấy sào lúa, họ phải kiếm thêm cá tôm cải thiện đời sống. Họ nói, may thì buổi kiếm thêm chừng trăm ngàn, mà may ít hơn xui. Làm nông ngày một khó với những người ở vùng ngoại ô.
Nên hôm rồi, khi đọc Báo cáo 102/ BC-UBND tỉnh ngày 23/5 trả lời ý kiến cử tri sau Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh khóa X, thấy khó thêm một lẽ nữa: tiếp cận chính sách.
Theo báo cáo này, cử tri Tam Kỳ đề nghị cần có cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho nông dân triển khai sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố.
Thực tế là hiện nay, tỉnh và thành phố có rất nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp. Chỉ tính riêng cơ chế hỗ trợ của Tam Kỳ, đơn cử: Quyết định số 1713/QĐUBND, ngày 13/4/2022 về Đề án phát triển kinh tế nông nghiệp TP.Tam Kỳ giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 theo Nghị quyết số 91/NQ-HĐND ngày 14/4/2022 của HĐND TP.Tam Kỳ.
Theo đó, thành phố có cơ chế như: Sản xuất lúa giống, lúa chất lượng cao tập trung và lúa hữu cơ sẽ được hỗ trợ 100% kinh phí mua lúa giống và vật tư thiết yếu trong 2 vụ đầu tiên, hỗ trợ 50% kinh phí mua máy gặt với mức hỗ trợ tối đa không quá 200 triệu đồng/máy, hỗ trợ 50% kinh phí mua máy làm đất, máy nông cụ không quá 100 triệu đồng/máy.
Đối với sản xuất hoa cây cảnh; chuỗi giá trị, sản xuất rau, củ quả tập trung; chuyển đổi cây trồng; phát triển kinh tế vườn…. hỗ trợ 100% giống cây trồng và 50% kinh phí mua vật tư thiết yếu. Ngoài ra, tùy nội dung sẽ có các cơ chế hỗ trợ khác nhau về cơ giới hóa, hỗ trợ kinh phí thuê đất, cải tạo đất, đầu tư hạ tầng và hệ thống tưới…
Nghị quyết được HĐND các cấp thông qua luôn có vai trò quan trọng, tạo cơ sở pháp lý để việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Do vậy, khi kết thúc mỗi kỳ họp HĐND, chúng ta cũng thường nghe đề nghị “UBND kịp thời hướng dẫn triển khai các nghị quyết đã được thông qua, để các quyết sách sớm đi vào đời sống…”.
Đọc kiến nghị của cử tri Tam Kỳ có thể thấy, chính sách chậm đi vào đời sống. Để người dân biết, tiếp cận các cơ chế hỗ trợ, thì công tác tuyên truyền, hướng dẫn của các địa phương phải được quan tâm nhiều hơn.
Với định hướng trở thành thủ phủ xanh, trong quy hoạch tổng thể Tam Kỳ đã tính đến việc phát triển gắn không gian ven sông Tam Kỳ, sông Bàn Thạch, khu vực Bãi Sậy - Sông Đầm… để tạo thành một hành lang xanh, bảo tồn không gian cảnh quan và các giá trị văn hóa làng quê gắn với phát triển nghỉ dưỡng du lịch sinh thái.
Điều đó là không thể khác trong phát triển bền vững, nên chính sách càng phải đi vào đời sống nhiều hơn nữa, nhất là với các đối tượng dễ bị tổn thương.
Trở lại với cánh đồng Nhong, không dưng lại nghĩ, giấc mơ nhiệm kỳ kia không thành lại hóa hay. Giữ lại cánh đồng cho thành phố, được sẽ nhiều hơn cả những vụ gặt…