Từ phủ lỵ đến đô thị loại II

TƯỜNG QUÂN 24/08/2016 10:53

  • Phát triển đô thị xanh, hiện đại
  • Trang sử mới của Tam Kỳ
  • Phố có ký ức
  • Thông qua "Sáng kiến Tam Kỳ"
  • Phố của ước mơ xanh

Sau chiến thắng Đồ Bàn của vua Lê Thánh Tông vào năm 1471, huyện Hà Đông thuộc phủ Thăng Hoa của đạo Thừa tuyên - Quảng Nam ra đời. Đến năm 1906, huyện Hà Đông được nâng lên thành phủ Hà Đông và sau đó đổi thành phủ Tam Kỳ. Đã 110 năm với nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, Tam Kỳ nay đã được công nhận thành phố đô thị loại II với nhiều tiềm lực phát triển.

Hồi sinh đất quê hương

Khu vực UBND phường An Mỹ (TP.Tam Kỳ) ngày nay, vào đầu thế kỷ XX nhà Nguyễn đã cho xây dựng cơ quan hành chính phủ đường Tam Kỳ. Đây cũng chính là nơi diễn ra cuộc biểu tình chống sưu cao, thuế nặng của thực dân Pháp, do cụ Trần Thuyết đứng đầu vào năm 1908 với hơn 3.000 người tham gia; hay cuộc khởi nghĩa Việt Nam Quang phục hội tại Tam Kỳ của các sĩ phu yêu nước Trần Huỳnh, Trần Thu, Cai Chùy, Trịnh Uyên, Lương Đình Thực, Nguyễn Thược diễn ra vào năm 1916. Tuy các cuộc khởi nghĩa thất bại nhưng đã nêu cao tinh thần yêu nước của nhân dân phủ Tam Kỳ lúc bấy giờ. Đến khi chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Tam Kỳ được thành lập tại chùa Ông (thuộc phường Phước Hòa ngày nay) vào tháng 5.1930, phong trào yêu nước của nhân dân Tam Kỳ bước sang giai đoạn mới, đó là con đường đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng với nhân dân cả nước làm nên chiến thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trải qua 2 cuộc kháng chiến, Tam Kỳ có 3.390 liệt sĩ, gần 1.300 thương bệnh binh, hơn 420 Bà mẹ Việt Nam anh hùng...

Lễ hội tại Quảng trường 24.3, TP.Tam Kỳ. Ảnh: TẤN VỊNH
Lễ hội tại Quảng trường 24.3, TP.Tam Kỳ. Ảnh: TẤN VỊNH

Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, Đảng bộ và nhân dân Tam Kỳ ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, đồng thời tập trung phát triển kinh tế. Đầu năm 1997, Tam Kỳ trở thành thị xã tỉnh lỵ sau khi Quảng Nam và Đà Nẵng chia tách thành hai đơn vị hành chính trực thuộc trung ương. Đây là dấu mốc và tiền đề quan trọng để Tam Kỳ được khai phóng tiềm năng, phát triển lên tầm cao mới. Năm 2005, Tam Kỳ được chia tách thành hai đơn vị hành chính là thị xã Tam Kỳ và huyện Phú Ninh. Lúc này, Tam Kỳ có 9 phường, 4 xã. Chỉ thời gian ngắn sau đó, ngày 29.9.2006, Chính phủ ban hành Nghị định 113/2006/NĐ-CP công nhận Tam Kỳ là thành phố đô thị loại III trực thuộc tỉnh Quảng Nam. Lúc bấy giờ thành phố chỉ có Cụm công nghiệp Trường Xuân vừa đi vào hoạt động; thương mại - dịch vụ chưa phát triển mạnh, kết cấu hạ tầng đô thị chưa đồng bộ. Có thể nói, “hành trang” của Tam Kỳ vẫn còn khiêm tốn trước yêu cầu của một giai đoạn phát triển mới. Ông Bùi Quốc Đinh - nguyên Bí thư Thành ủy Tam Kỳ  (nhiệm kỳ 2005 - 2010 và 2010 - 2015) cho biết: “Khi thành lập thành phố, chúng tôi xác định nội lực là điều cơ bản để đáp ứng yêu cầu phát triển. Trong đó, nguồn quỹ đất hàng năm bổ sung vào một khoản rất lớn cho ngân sách thành phố. Mặt khác, chúng tôi tiếp xúc với các đối tác phi chính phủ, thông qua các bộ ngành để hỗ trợ cho sự phát triển của thành phố”.

Vươn lên bằng nội lực

Tranh thủ thời cơ và bằng chính nội lực, Đảng bộ, chính quyền TP.Tam Kỳ đã xây dựng các chiến lược phát triển một cách đồng bộ để triển khai thực hiện phù hợp với từng giai đoạn. Từ năm 2006 đến 2010 là tập trung nâng cao năng lực và tư duy quản lý điều hành của các cấp lãnh đạo, tiếp tục xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế theo hướng dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp, đặc biệt tích cực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và xây dựng nếp sống văn hóa văn minh đô thị. Kết quả thực hiện đã dần khẳng định Tam Kỳ là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học của tỉnh. Trên cơ sở đó, Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIX đặt mục tiêu xây dựng và nâng cấp Tam Kỳ trở thành đô thị loại II vào cuối năm 2015. Để thực hiện đạt kết quả, Đảng bộ thành phố đã vận dụng sáng tạo các cơ chế của trung ương và của tỉnh, đồng thời khai thác những tiềm năng, lợi thế sẵn có tạo ra những cơ hội mới cho Tam Kỳ. Trong giai đoạn 2010 - 2015, thành phố đã huy động nguồn lực hơn 7.000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các dự án, công trình trọng điểm về hạ tầng giao thông, công nghiệp, thương mại - dịch vụ, văn hóa, du lịch… tạo nên diện mạo khởi sắc cho một thành phố trẻ.

Về sự thay đổi của quê hương, ông Lê Tú - cán bộ lão thành cách mạng xã Tam Thăng nói: “Khi TP.Tam Kỳ được thành lập đã tác động đến xã Tam Thăng của chúng tôi, làm cuộc sống đổi thay tích cực. Đường sá, cầu cống, trường học… được đầu tư xây dựng, nâng cấp khang trang, hiện đại hơn. Đặc biệt là khi Khu công nghiệp Tam Thăng dựng lên, làm cho bộ mặt địa phương ngày càng phát triển, đời sống của người dân nơi đây được no ấm, đổi mới”. Bạn Huỳnh Thị Ngân Giang - đoàn viên phường Tân Thạnh chia sẻ: “Những năm qua, mình thấy thành phố nói chung, phường Tân Thạnh nói riêng có sự phát triển mạnh mẽ về đô thị. Nhiều công trình lớn được xây dựng như khu đô thị Đông Tân Thạnh, Quảng trường 24.3, khách sạn ven sông Bàn Thạch… Là một người trẻ, mình vô cùng tự hào và sẽ nguyện đem hết sức mình cống hiến xây dựng quê hương”.

Chặng đường 10 năm kể từ khi thành lập thành phố đã để lại nhiều dấu ấn nổi bật trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phát triển đô thị nói riêng của Tam Kỳ. Tính đến cuối năm 2015, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 1.100 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt 2.557USD; kết cấu hạ tầng đô thị được xây dựng đồng bộ với một số công trình trọng yếu như cầu Kỳ Phú 1, 2, Quảng trường 24.3, đường N10, mở rộng quốc lộ 1. Bên cạnh đó, các công trình cây xanh, vỉa hè, điện chiếu sáng, giao thông nông thôn, kiệt hẻm nội thị, khu dân cư… được đầu tư xây dựng và chỉnh trang làm cho bộ mặt đô thị Tam Kỳ ngày càng khang trang, xanh - sạch - đẹp…

Đến ngày 5.2.2016, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định 240/QĐ-TTg công nhận Tam Kỳ là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Quảng Nam. Và ngày 9.5.2016, Tam Kỳ vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba. Ông Nguyễn Văn Lúa - Bí thư Thành ủy Tam Kỳ nói: “Những thành quả đạt được, đến từ chủ trương đúng đắn của Tỉnh ủy và các nghị quyết của Đại hội Đảng bộ thành phố. Ngoài ra, việc tổ chức thực hiện của các cấp chính quyền từ thành phố đến cơ cở hết sức quan trọng. Đặc biệt, nhiều dự án, chương trình được các tổ chức và đông đảo tầng lớp nhân dân ủng hộ, tham gia hết sức tích cực, tâm huyết, đã góp phần cho thành phố thực hiện đạt mục tiêu đề ra”.

Nhìn từ quá khứ để tự hào vươn tới tương lai, Tam Kỳ hôm nay có quyền ước mơ về một thành phố xanh, một đô thị hiện đại, hài hòa, sinh thái và nhân văn. Và, còn khát vọng hơn nữa từ những tiềm năng phát triển, vươn xa.

TƯỜNG QUÂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Từ phủ lỵ đến đô thị loại II
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO