Trên một cồn đất rộng giữa hai nhánh sông Quảng Phú và sông Bàn Thạch ở vùng Tam Kỳ, vào thời phong kiến, có hai ngôi làng nhỏ: Phước Xuyên và Đoan Trai. Đến nay, địa bàn Phước Xuyên đã chuyển thành hai khối phố thuộc hai phường Phước Hòa và An Phú; còn địa bàn Đoan Trai thành một khối phố của phường Tân Thạnh. Cả ba phường trên đều thuộc TP.Tam Kỳ.
Làng Phước Xuyên xưa
Chưa rõ địa hiệu xã này được lập khi nào và mất tên khi nào? Theo một số tư liệu ruộng đất của người xã Tam Kỳ giao dịch với người dân xã Phước Xuyên thì vào thời Tự Đức, tên “man Phước Xuyên” đã từng hiện diện.
Theo truyền khẩu địa phương, Phước Xuyên là một vạn ghe tập hợp dân đánh cá sông, về sau kiêm thêm nghề vận tải nhỏ trên các sông. Giống như cư dân vạn/man Bàn Thạch (ở bờ tây sông Bàn Thạch sau chuyển hẳn lên bờ lập thôn hiệu), cư dân vạn/man Phước Xuyên ở bờ đông sông Bàn Thạch đã xin trưng khẩn đất trên Cồn Thị rồi rời sông nước lên sống trên đất ấy, từ đó có cơ sở lập thôn hiệu, xã hiệu.
Có lẽ thời điểm lập làng Phước Xuyên là vào cuối thời các chúa Nguyễn - giống như Tứ Bàn. Thời điểm được công nhận địa hiệu (có thể) cùng với lúc Tứ Bàn xin lập thôn hiệu - tức là vào khoảng năm Duy Tân thứ 9 - 1915.
Sách Đồng Khánh địa dư chí ghi nhận xã Phước Xuyên thuộc địa giới hành chính của tổng An Hòa, huyện Hà Đông. Trong danh sách làng xã từ khoảng 1916 - 1920 ở vùng phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam có tên xã Phước Xuyên (thuộc tổng Phú Quý, huyện Hà Đông) nằm cạnh các tên làng Đoan Trai và làng An Hà - là hai địa phương đến nay vẫn còn giữ nguyên tên.
Dấu vết làng và đình làng Phước Xuyên hiện còn ở Cồn Thị, khoảng giữa hai mố của hai cây cầu bắc qua sông Bàn Thạch và sông Quảng Phú (còn gọi là Kỳ Phú), phía bên trái đường từ TP.Tam Kỳ xuống bãi biển Tam Thanh.
Địa hiệu Đoan Trai
Phủ biên tạp lục và Địa bạ Gia Long - Minh Mệnh đều không thấy ghi địa hiệu này. Tên Đoan Trai chỉ xuất hiện từ sau năm 1916 trong bản đồ hành chính mới sắp xếp lại của phủ Tam Kỳ. Lúc này, Đoan Trai là một trong 24 xã của tổng Phú Quý, huyện Hà Đông.
Trước đó, trong một “phân thư” chia ruộng đất và tài sản cho các con của ông Huỳnh Đức Soạn (tư liệu hiện lưu ở nhà thờ tộc Huỳnh Đức, thôn Đoan Trai, phường Tân Thạnh) ký vào ngày 14 tháng Giêng năm Gia Long thứ 6-1807 có tên các xứ đất “Đoan Trai xứ”, “Đoan Trai Hạ xứ” được ghi là thuộc xã An Thái, tổng An Thái Trung, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Hoa.
Trong một bản kê khai ruộng đất khác được lập ngày 20 tháng 2 năm Gia Long thứ 10 - 1809 cũng do ông Huỳnh Đức Soạn kê thấy có ghi địa hiệu là xã An Thái, tổng An Thái Trung, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Hoa. Điều đó cho thấy, vào đầu thời Nguyễn, Đoan Trai cùng cả vùng chung quanh núi đất An Hà đều thuộc tổng An Thái Trung, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Hoa.
Địa bạ Gia Long - Minh Mệnh lập từ khoảng năm 1814 đến năm 1836 có ghi tên (xã) An Thái thuộc huyện Lễ Dương mà không ghi tên (thôn) Đoan Trai. Như vậy, đến thời điểm lập địa bạ Gia Long - Minh Mệnh, Đoan Trai chưa đủ điều kiện để biệt lập xã hiệu - có thể do đây là vùng đất mới khai phá, cũng có thể do số dân còn ít, chưa đủ nhân số để có điều kiện xin lập làng riêng theo quy định của thời xưa.
Tộc Trần làng Đoan Trai
Theo tư liệu lưu tại nhà thờ tộc Trần (ở khối phố Đoan Trai phường Tân Thạnh hiện nay) thì tiền hiền làng Đoan Trai là ông Trần Phước Đảo. Ông này là thủy tổ đời thứ tư của tộc Trần - một tộc tiền hiền của làng An Thái, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Hoa. Do đất công của làng An Thái mở ra về phía nam đến cánh đồng rộng ở chân núi An Hà nên ông Trần Phước Đảo đã đưa gia đình đến khai phá thêm ở vùng này, lập nên địa hiệu Đoan Trai. Khi qua đời, ông được an táng ở giữa làng.
Nhà thờ tộc Trần làng Đoan Trai hiện còn hai dấu tích xưa cho biết một số chi tiết về tộc tiền hiền này. Đó là tấm biển “Thọ Dân” treo ở gian chính và tấm bảng “công đức” treo ở gian bên. Tấm biển “Thọ Dân” (biểu dương người sống thọ) được thể hiện dưới dạng hoành phi. Bên tả chữ “Thọ Dân” có ghi hai chữ “Sắc tứ” (triều đình ban tặng). Bên phải có dòng lạc khoản ghi: “Minh Mệnh tứ niên, tam nguyệt, nhị thập nhật”.
Qua nội dung văn khắc trên tấm biển này có thể biết đây là tóm tắt nội dung một bản Sắc của triều đình ban tặng người sống thọ. Tra cứu tư liệu gia tộc thì biết người được ban khen là ông Trần Phước Vân - cháu nội ông Tiền hiền Trần Phước Đảo. Vào năm được ban tấm biển thọ dân (ngày 20.3.1823), ông Vân thọ 100 tuổi. Căn cứ vào chi tiết này có thể suy ra ông Tiền hiền Trần Phước Đảo tại thế trước đó hơn 100 năm. Vậy, làng Đoan Trai có thể được lập vào khoảng đầu thế kỷ 18.
Căn cứ vào nội dung tấm bia công đức được soạn vào ngày mùng mười tháng chín năm Tự Đức thứ 5-1842 biết được vào thời điểm này tộc Trần thôn Đoan Trai đã khá giả - bằng chứng là các thành viên trong gia tộc đã đóng góp gần 200 quan tiền cùng vật liệu để xây dựng nhà thờ tộc.
Qua đó cũng biết được, trong thôn đã có học trò đi thi Hương (khóa sinh), có người đang giữ các chức việc trong làng như hương trưởng, tư lễ… Nói chung là sau hơn 100 năm kể từ ngày lập làng, thiết chế làng xã ở Đoan Trai đã ổn định và một số họ tộc đã sở hữu nhiều ruộng đất.
Nghề nghiệp làng Đoan Trai
Theo lời kể của ông Trần Văn Soạn (cư dân Đoan Trai, hiện ở số 26 đường Trần Đại Nghĩa, phường Tân Thạnh) thì tổng diện tích của Đoan Trai vào thời chưa hợp tác hóa gần 150ha, trong đó già nửa là đất sản xuất. Ruộng của dân Đoan Trai nằm trên các xứ đất Đồng Nhong, Thiêm Liêm, Thứ Mười, Diên Nghị, Gò Dưa, Rộc Xóm… trong đó có 7 mẫu công điền ở xứ Rộc Làng được dành hoa lợi để tổ chức lễ cúng ở đình làng vào ngày 16 tháng sáu âm lịch.
Ngoài ra còn có các xứ đất thổ cư như Bà Lai La, Mạc Dung, ở đó có hai ngôi miếu: Miếu Ông và Miếu Bà. Xưa, do nằm giữa hai nhánh sông Quảng Phú và Bàn Thạch ngập mặn đến gần mười tháng trong năm nên cư dân Đoan Trai chỉ làm được một vụ lúa cấy tháng Mười và gặt vào tháng Ba.
Một số ruộng sát sông chỉ có thể canh tác lúa trì - giống lúa mọc rất dài ngày (gieo tháng Năm, gặt tháng Chạp) mà năng suất rất kém (một sào thu hoạch khoảng 15 - 20 ang). Do ở vùng thường xuyên ngập mặn, cư dân Đoan Trai xưa còn làm thêm các nghề đánh cá (đánh lưới, làm nò, làm chươm) và dệt chiếu.