Tự răn!

C.B.L 25/09/2018 01:22

Hôm qua 24.9, mẩu tin trên báo Đất Việt đưa: Đội kiểm tra quy tắc một huyện ở Quảng Nam gửi thư ngỏ xin tiền doanh nghiệp để… đi học tập kinh nghiệm.

Bài báo cũng nhắc lại hàng loạt vụ việc các lãnh đạo tỉnh thành, bộ ngành trung ương đi nước ngoài do doanh nghiệp chi trả, con số lên đến hàng chục ngàn lượt.

Dường như việc cầm tiền doanh nghiệp để đi nước ngoài “công tác”, “học hỏi kinh ngiệm” đã trở thành “chuyện thường ngày” ở các quan chức cấp cao, giờ đã lây lan xuống tới cấp huyện.

Mặc dù việc chưa thành, kẻ gửi thư đã rút lại cái thư gửi ấy, thì cũng cần ngẫm xem cái gương nào đang được các vị công bộc soi chung?

Người xưa nói, “không trong sạch thì cái gì cũng lấy, không biết xấu hổ thì việc gì cũng làm” (bất liêm vô sở bất thủ, bất sỉ vô sở bất vi). Cái đạo tối thiểu của con người (và nhất là người làm quan – nơi “thiên hạ trông vào”) là giữ lấy chữ liêm sỉ.

Quan trường, cái nơi người ta nắm giữ quyền tước, những thứ cám dỗ càng mạnh mẽ hơn người thứ dân. Những ai toan tính ám muội vì lợi riêng, luôn mang cái lợi ra mà câu nhử, đút lót, mua chuộc cái lòng thanh liêm của ông quan. Khi cái liêm nghiêng ngả còn cái sỉ giữ lại, tay muốn nhận quà đút nhưng tâm còn biết hổ ngươi, đó là muốn sa ngã nhưng còn biết tự tỉnh.

Một khi lòng ham muốn hoạnh tài xiển dương cả ra sắc mặt, chìa tay mở miệng đòi hỏi cống nạp từ những kẻ dưới quyền mình quản trị, thì hỡi ôi…, xong xuôi rồi. Liêm sỉ xếp xó, còn chi níu lại chút tư cách của người hành xử công quyền nữa?

Trong sinh hoạt chính trị, chuyện các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp tìm cách “vận động hành lang” (lobby), tài trợ cho các đảng phái, chính trị gia… để vận động cho những chính sách có lợi cho việc kinh doanh của mình, là một thực tế không có gì phải phê phán. Với điều kiện tất cả hoạt động ấy diễn ra dưới sự điều chỉnh của luật pháp. Ở nước ta, dường như loại việc đó chưa từng được luật hóa, và những vụ tài trợ cho “học tập, tham quan” đáng phải được gọi đúng tên là tham nhũng. Dù vậy, nó đã trở nên phổ biến, được vạch ra chỉ rõ một cách hùng hồn. (Duy các biện pháp xử lý và ngăn ngừa vẫn chưa được nêu ra một cách thuyết phục).

Có chuyện người quân tử không sửa dép khi ngang qua ruộng dưa, làm gì cũng phải xét tới xét lui không để mình phải rơi vào cảnh ngộ “tình ngay lý gian”. Ở vị trí “quan trên ngó xuống người ta trông vào” mà hành xử khinh suất, thì hỏi sao thiên hạ khỏi đặt dấu nghi ngờ? Mà một khi quần chúng đã ngờ, thì thôi đừng nói đến chuyện “xây dựng củng cố niềm tin” làm gì cho hao hơi tốn sức.

Tự mong thay, công bộc luôn phải tự xét mình.

C.B.L

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tự răn!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO